Iraq sẽ mở lại các tuyến đường vận chuyển dầu nếu Iran đóng cửa Hormuz

19/03/2012 15:52
Nguyễn Hương (Theo CNN )
(GDVN) -Baghdad có thể khởi động lại các đường ống dẫn dầu thay thế để cung cấp dầu ra thế giới nếu Tehran gia tăng áp lực về việc đóng cửa eo biển Hormuz.
CNN đưa tin dẫn lời phát ngôn viên chính phủ Iraq Ali al-Dabbagh hôm Chủ Nhật (18/3) cho biết, Iraq có thể khởi động lại các đường ống dẫn dầu để bán được dầu mỏ ra thị trường thế giới nếu nước láng giềng Iran gia tăng áp lực về việc đóng cửa eo biển Hormuz.
Các kế hoạch bao gồm vận chuyển nhiều dầu hơn nữa đến cảng Ceyhan của Thổ Nhĩ Kỳ và mở lại các đường ống dẫn dầu để có thể cung cấp dầu thô từ Iraq đến các cảng ở Syria, Li-băng, Arab Saudi, phát ngôn viên chính phủ Ali al-Dabbagh cho biết trong một tuyên bố từ văn phòng của ông.
Các tàu chở dầu tại bến cảng Basra ở phía nam của Baghda
Các tàu chở dầu tại bến cảng Basra ở phía nam của Baghda
Nội các Iraq đã chấp thuận một số kiến nghị về việc tìm kiếm các lựa chọn thay thế cho vận chuyển dầu của các cảng miền Nam Basra thông qua Vịnh Ba Tư, ông al-Dabbagh cho biết.

Nếu các tuyến đường biển bị cắt đứt, Iraq có thể tăng sản lượng thông qua đường ống dẫn dầu từ Kirkuk tới Ceyhan và vận chuyển dầu bằng phương tiện xe tải trong ngắn hạn, ông nói.
Nhưng về lâu dài, ủy ban chính phủ đã khuyến nghị mở lại 1 đường ống dẫn dầu vào Syria và Li-băng. Đường ống này trước đó đã bị đóng do cuộc nổi dậy tiếp theo sau cuộc xâm lược của Mỹ vào năm 2003 và 1 đường ống khác đến cảng Yanbu ở Biển Đỏ của Arab Saudi, đường ống này đã bị tạm dừng hoạt động kể từ cuộc xâm lược của Iraq vào Kuwait năm 1990.

Đường ống dẫn dầu Yanbu được xây dựng trong chiến tranh Iran-Iraq vào những năm 1980, khi cả hai quốc gia nhằm mục tiêu phục vụ cho các tàu chở dầu  ra vào các cảng của nhau.

Ủy ban này cũng đã đề nghị xây dựng một đường ống dẫn dầu mới sẽ kết nối các mỏ dầu của Iraq tới cảng Aqaba của Jordan, cũng trên Biển Đỏ.

Nhưng cơ sở hạ tầng của Iraq đã xấu đi do các lệnh trừng phạt tiếp theo sau cuộc xâm lược Kuwait, và việc đưa chúng trở lại vào hoạt động có thể phải mất nhiều năm, Bộ Dầu mỏ Iraq cho biết.

Dầu mỏ là nguồn thu chính, chiếm hơn 90% ngân sách Iraq. Khoảng 80% trong số 2,2 triệu thùng dầu xuất khẩu  của Iraq cùng với khoảng 20% sản lượng dầu thế giới hàng ngày được thông qua eo biển Hormuz.

Iran đang chống lại các lời kêu gọi của quốc tế về việc ngừng chương trình làm giàu uranium của mình và chứng minh rằng chương trình hạt nhân của nước này chỉ duy trì đề phục vụ duy nhất cho các mục đích dân sự hòa bình.

Trước đó nước cộng hòa Hồi giáo này đã cảnh báo rằng họ sẽ đóng cửa eo biển Hormuz, đóng lối vào vùng Vịnh nếu bị đe dọa tấn công quân sự.
Nguyễn Hương (Theo CNN )