Jetstar Pacific bị "dọa" cắt nhiên liệu vì món nợ 170 tỷ

20/05/2011 12:47
(GDVN) – Phía Vinapco cho biết, sẽ buộc phải áp dụng biện pháp ngừng tra nạp nhiên liệu cho JPA tại tất cả các sân bay cho đến khi hãng bay thanh toán nợ.
(GDVN) – Phía Vinapco nêu, để bảo vệ nguồn vốn nhà nước, Vinapco buộc phải áp dụng biện pháp ngừng tra nạp nhiên liệu cho JPA tại tất cả các sân bay cho đến khi JPA thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán từ ngày 20/5.
Công ty Xăng dầu Hàng không Việt Nam (Vinapco) vừa ra văn bản mang tính chất “tối hậu thư”, đòi hãng hàng không Jetstar Pacific món nợ tiền nhiên liệu lên tới 170 tỷ đồng. Công văn nêu, trong thời gian qua hãng hàng không Jetstar Pacific liên tục vi phạm điều khoản thanh toán tiền mua nhiên liệu bay Jet A1 cho Vinapco. Vinapco đã có nhiều công văn đề nghị thanh toán các khoản tiền mua nhiên liệu bay Jet A1 đã quá hạn và đã thiện chí chờ đợi JPA thanh toán các khoản nợ này.
Ngày 13/5, Vinapco tiếp tục có công văn yêu cầu JPA phải thanh toán toàn bộ nợ quá hạn và lãi chậm trả trước ngày 20/5. Tuy nhiên, cho đến nay Vinapco nhận thấy JPA không có động thái nào chứng tỏ sẽ trả nợ. Tổng số nợ quá hạn tính đến ngày 12/5 là khoảng 170 tỷ đồng trực tiếp uy hiếp đến sự an toàn vốn nhà nước tại Vinapco.
“Như vậy  JPA đã vi phạm nghiêm trọng các điều khoản đã ký kết trong hợp đồng. Để bảo vệ nguồn vốn nhà nước, Vinapco buộc phải áp dụng biện pháp ngừng tra nạp nhiên liệu cho JPA tại tất cả các sân bay cho đến khi JPA thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thanh toán”.
Vinapco đã có văn bản báo cáo lên các cơ quan có thẩm quyền và xin phép ngừng cung cấp nhiên liệu cho hãng hàng không JPA nếu đến thời hạn nói trên (20/5/2011 – PV) mà các khoản nợ quá hạn vẫn chưa được thanh toán đầy đủ.
Trước đó, năm 2009, Vinapco cũng đã đơn phương ngừng cung cấp nhiên liệu cho Jestar Pacific. Do động thái này, Hội đồng Cạnh tranh quốc gia ra quyết định xử phạt Vinapco với số tiền trên 3 tỷ đồng.
Sau đó, Vinapco tiến hành khởi kiện Hội đồng cạnh tranh ta tòa án hành chính Hà Nội. Theo nội dung đơn  khởi kiện thì vào cuối tháng 3.2008,  do giá nhiên liệu tăng cao, Vinapco đã có thông báo đến Jetstar Pacific Airlines (JPA) điều chỉnh tăng mức phí cung ứng nhiên liệu, nhưng JPA không trả lời công văn của Vinapco. Do đó, ngày 1/4/2008, Vinapco đã ngừng cung cấp xăng máy bay cho JPA dẫn đến một số chuyến bay của hãng này bị chậm giờ bay. Sự việc chỉ được chấm dứt khi có sự can thiệp của các cơ quan chức năng. 
Sau khi Vinapco dừng cung cấp xăng cho JPA, JPA đã kiện Vinapco lên HĐCT. Sau khi thụ lý đơn kiện của JPA, HĐCT đã ra quyết định số 11 cho rằng Vinapco vi phạm khoản 2 và khoản 3, Điều 14 Luật Cạnh tranh về “áp đặt các điều kiện bất lợi cho khách hàng” và “lợi dụng vị trí độc quyền để đơn phương thay đổi hoặc hủy bỏ hợp đồng đã giao kết mà không có lý do chính đáng”; phạt Vinapco 2 hành vi trên tổng cộng 0,05% doanh thu tài chính năm 2007, tương đương gần 3,4 tỉ đồng và nộp phí xử lý vụ việc 100 triệu đồng. Vinapco đã có đơn khiếu nại quyết định trên và HĐCT có quyết định số 12 bác phần lớn các khiếu nại của Vinapco.
Tại tòa, ông Trần Hữu Phúc - TGĐ Vinapco - đã bác bỏ các kết luận của HĐCT và cho rằng Vinapco không vi phạm Điều 14 Luật Cạnh tranh vì giữa Vinapco và JPA đã có hợp đồng cung ứng nhiêu liệu. Tại hợp đồng này đã nêu rõ: “Khi có sự thay đổi về mức phí cung ứng, bên A có trách nhiệm thông báo cho bên B bằng văn bản qua đường fax”. Khi có biến động giá xăng vào năm 2008, Vinapco đã fax cho JPA văn bản thông báo, nhưng JPA không trả lời nên ngày 1.4.2008 Vinapco mới tạm dừng giao hàng. Từ lập luận đó, ông Trần Hữu Phúc cho rằng không thể nói Vinapco áp đặt điều kiện bất lợi cho khách hàng. Việc tạm dừng giao hàng không phải là hủy bỏ hợp đồng, nên HĐCT không thể phạt Vinapco theo khoản 3, Điều 12 Luật Cạnh tranh.
Ông Trần Mai Hiến - Phó Trưởng ban thư ký Hội đồng cạnh tranh "đập lại" lập luận rằng: Vinapco không có văn bản thay đổi mức phí mà ra ngay thông báo mang tính áp đặt nên gây bất lợi cho khách hàng, nhất là trong thời điểm Chính phủ có chỉ thị cấm tăng giá một số mặt hàng thiết yếu, trong đó có xăng dầu. Đại diện JPA cũng cho rằng các văn bản Vinapco đưa ra chỉ là văn bản thương lượng chứ chưa phải quyết định tăng giá, nhưng ngay sau đó Vinapco đã quyết định ngừng cung cấp xăng cho JPA khiến cho hãng này bị chậm hàng loạt chuyến bay, gây thiệt hại lớn cho hãng. JPA cũng khẳng định vào thời điểm đó chỉ có mình JPA bị tăng giá, ngoài ra các hãng khác như Vietnam Airlines... không bị Vinapco tăng giá; đó chính là sự phân biệt đối xử  giữa các khách hàng và mang tính độc quyền của Vinapco.
Sau khi nghe lập luận của các bên liên quan, HĐXX cho rằng, các quyết định của HĐCT đối với Vinapco là  đủ căn cứ pháp lý, đúng trình tự và đúng thẩm quyền. Vì vậy, HĐXX không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của Vinapco, tuyên bác đơn khởi kiện, đồng thời buộc Vinapco phải nộp tiền án phí sơ thẩm.   
Phúc Hưng