Khẳng định lợi ích ở Biển Đông, Mỹ nêu 7 giải pháp xử lý tranh chấp

06/06/2013 09:44
Hồng Thủy (Nguồn: CNA)
(GDVN) - Xử lý tranh chấp một cách hòa bình thì không nên có những hành vi uy hiếp, khiêu khích và trả thù. Khi một bên tranh chấp quyết định kiện ra tòa án quốc tế thì bên tranh chấp còn lại không được phép có những hành vi vừa nêu.
Quyền trợ lý Quốc vụ khanh Hoa Kỳ, Joseph Yun
Quyền trợ lý Quốc vụ khanh Hoa Kỳ, Joseph Yun
Thông tấn xã Đài Loan CNA ngày 6/6 đưa tin, trong buổi hội thảo Xử lý cục diện căng thẳng trên Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược quốc tế CSIS tổ chức ngày hôm qua 5/5, quyền trợ lý Quốc vụ khanh Hoa Kỳ Joseph Yun đã khẳng định Mỹ có lợi ích tại Biển Đông và nêu ra 7 giải pháp xử lý tranh chấp.
Thứ nhất, Mỹ duy trì lập trưởng không đứng về bên nào trong các bên tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông, và đó là "sự thật quan trọng" mà các nước có liên quan cần hiểu rõ. Mỹ không có bất cứ lập trường nào về những tuyên bố chủ quyền của các bên với các đảo, đá cũng như các thực thể trên Biển Đông. Thứ 2, tất cả các tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông phải căn cứ trên luật pháp quốc tế, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982. Bất cứ bên nào có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông đều phải chứng minh cho tuyên bố chủ quyền của mình dựa trên cơ sở luật pháp quốc tế cũng như đặc trưng lục địa của quốc gia đó. Thứ 3, mặc dù Mỹ không duy trì lập trường đứng về bên nào trong các bên tranh chấp, nhưng việc xử lý và giải quyết tranh chấp Biển Đông có liên quan rộng rãi đến lợi ích của Mỹ, đó là tự do hàng hải ở Biển Đông nên Mỹ có quyền bảo vệ lợi ích thương mại của mình ở Biển Đông. Thứ 4, Mỹ không cho rằng bất cứ tuyên bố chủ quyền của bên nào có thể gây sức ép hoặc uy hiếp đối phương, càng không được phép sử dụng vũ lực ở Biển Đông. Thứ 5, mọi tranh chấp ở Biển Đông phải giaiar quyết thông qua các biện pháp hòa bình, bao gồm đối thoại ngoại giao, thông qua trung gian hòa giải và trọng tài quốc tế. Xử lý tranh chấp một cách hòa bình thì không nên có những hành vi uy hiếp, khiêu khích và trả thù. Khi một bên tranh chấp quyết định kiện ra tòa án quốc tế thì bên tranh chấp còn lại không được phép có những hành vi vừa nêu. Thứ 6, Mỹ tin rằng trong bối cảnh có nhiều bên tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông thì không một bên nào nên thay đổi hiện trạng vùng biển này. Cuối cùng, tranh chấp cần phải được xử lý theo pháp luật và đàm phán như thế nào là một vấn đề quan trọng. Mỹ ủng hộ phương án Mỹ và Trung Quốc cùng tham gia thảo luận về Quy tắc ứng xử (của các bên trên Biển Đông), Mỹ cho rằng bộ quy tắc này là yếu tố quan trọng để giải quyết tranh chấp một cách hòa bình. Joseph Yun cho biết thêm, vài năm gần đây liên tục xảy ra những sự cố ngoài ý muốn trên Biển Đông, thậm chí có những động thái khiến các bên quan ngại, tình hình Biển Đông ngày một xấu đi sẽ không có lợi cho bất cứ bên nào. Trung Quốc cần ngồi vào bàn đàm phán với ASEAN về bộ Quy tắc ứng xử của các bên trên Biển Đông.

Hồng Thủy (Nguồn: CNA)