"Không ai hoảng sợ trước việc tàu Trung Quốc gây hấn"

13/06/2011 05:00
Ông Đỗ Văn Hậu, Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: "Anh em rất bình tĩnh và kiềm chế. Không ai hoảng sợ".

Trước tình hình diễn biến phức tạp và căng thẳng trên các vùng biển Việt Nam, chủ trương của Petrovietnam là quyết tâm thực hiện các dự án tìm kiếm thăm dò theo kế hoạch, thực hiện tốt nhiệm vụ được Nhà nước giao cho, tìm kiếm nguồn tài nguyên của đất nước... Ông Đỗ Văn Hậu, Phó TGĐ Tập đoàn Dầu khí Việt Nam cho biết: "Anh em rất bình tĩnh và kiềm chế. Không ai hoảng sợ, bởi họ đều hiểu rằng họ đang làm việc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam".

{iarelatednews articleid='4527,4477,4473,3759,3667,3671,3614,3595,3555'}

Những ngày cuối tháng 5 và đầu tháng 6 vừa qua, các tàu hải giám, ngư chính và tàu đánh cá của Trung Quốc liên tục cố tình xâm phạm vùng biển Việt Nam và ngang nhiên phá hoại trang thiết bị các tàu khảo sát thăm dò Bình Minh 02 và Viking II của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam), gây thiệt hại về kinh tế và cản trở các hoạt động bình thường trên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của chúng ta, phóng viên Báo Năng lượng Mới có cuộc phỏng vấn ông Đỗ Văn Hậu, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam nhân sự việc này.

PV: Thưa ông, trước tình hình diễn biến phức tạp và căng thẳng trên các vùng biển Việt Nam mà Petrovietnam đang tiến hành thăm dò địa chấn, Petrovietnam đã có phản ứng như thế nào?

Phó tổng giám đốc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam Đỗ Văn Hậu.
Phó tổng giám đốc Tập đoàn
Dầu khí Việt Nam Đỗ Văn Hậu.
Ông Đỗ Văn Hậu: Trong 2 tuần liên tiếp gần đây, các tàu Trung Quốc đã có hành động phá hoại, cắt cáp thăm dò của các tàu khảo sát địa chấn Bình Minh 02 và Viking II là những hành động vi phạm nghiêm trọng quyền chủ quyền của Việt Nam đối với thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế. Qua theo dõi diễn biến sự việc, chúng ta có thể thấy đây là những hành động có chủ ý và đã được phía Trung Quốc chuẩn bị rất kỹ lưỡng.

Trước tình hình trên, Petrovietnam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương khắc phục hậu quả, sửa chữa thiết bị để sớm nhất trở lại làm việc theo kế hoạch, đồng thời phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động ngăn chặn kịp thời các hành động phá hoại tiếp theo của phía Trung Quốc. Chủ trương của Petrovietnam là quyết tâm thực hiện các dự án tìm kiếm thăm dò theo kế hoạch, thực hiện tốt nhiệm vụ được Nhà nước giao cho, tìm kiếm nguồn tài nguyên của đất nước và góp phần tham gia bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.

Những hành động nói trên của phía Trung Quốc đã gây bức xúc không chỉ cho những người trực tiếp làm việc trên biển mà còn đối với toàn bộ người lao động của Petrovietnam. Trong bối cảnh đó, Petrovietnam thường xuyên động viên và chỉ đạo các CBCNV của mình đang làm nhiệm vụ trên các tàu khảo sát thăm dò phải luôn bám sát tình hình, báo cáo kịp thời các diễn biến, hết sức bình tĩnh, kiềm chế và không manh động trước các hành vi cản trở, gây hấn của các tàu Trung Quốc. Mục tiêu là thực hiện thành công các dự án thăm dò theo kế hoạch đã định.

Trong thời gian vừa qua, Petrovietnam thường xuyên báo cáo chi tiết với Chính phủ và các bộ, ngành liên quan về diễn biến tình hình, đồng thời đề nghị các cơ quan chức năng của Việt Nam tăng cường hỗ trợ để bảo đảm các hoạt động dầu khí của Petrovietnam được thực hiện an toàn.

PV: Tinh thần của những người đang làm nhiệm vụ trên các tàu của Petrovietnam và do Petrovietnam thuê hiện nay ra sao?

Ông Đỗ Văn Hậu: Anh em rất bình tĩnh và kiềm chế. Không ai hoảng sợ, bởi họ đều hiểu rằng họ đang làm việc trên vùng biển thuộc chủ quyền của Việt Nam. Hơn nữa, các hoạt động dầu khí cũng đã được Petrovietnam thực hiện từ nhiều năm trước đây tại các vùng biển này. Chúng tôi rất phấn khởi, cảm kích và đánh giá cao tinh thần đoàn kết và làm việc hăng say không quản nguy hiểm của đội ngũ anh em và các chuyên gia nước ngoài đang làm việc trên các tàu địa chấn và các tàu hỗ trợ đi kèm.
 


PV: Có thể các tàu Trung Quốc sẽ còn lặp lại hành động tương tự trong thời gian tới, vậy phương án đối phó với các tình huống xấu xảy ra đã được Petrovietnam chuẩn bị như thế nào?

Ông Đỗ Văn Hậu: Trước hết, chúng tôi tin tưởng rằng các cơ quan chức năng đã có những biện pháp nhằm ngăn chặn những tình huống tương tự có thể xảy ra. Về phần mình, Petrovietnam đã chỉ đạo các đơn vị liên quan quán triệt chủ trương của Tập đoàn là quyết tâm thực hiện thành công các dự án khảo sát thăm dò theo kế hoạch, đồng thời có sự chuẩn bị tối đa về phương tiện, thiết bị, hậu cần, nhân lực… nhằm đảm bảo hoàn thành việc thực hiện các dự án theo kế hoạch đang triển khai.

PV: Xin ông cho biết những thiệt hại về kinh tế trong vụ việc cắt cáp thăm dò địa chấn vừa xảy ra với tàu Bình Minh 02 và Viking II?

Ông Đỗ Văn Hậu: Thiệt hại về kinh tế hiện nay là đáng kể, do các trang thiết bị khảo sát thăm dò dầu khí rất đắt tiền. Hơn nữa, khi sự cố xảy ra tàu phải dừng sản xuất nhiều ngày để sửa chữa, khắc phục, thay thế và hiệu chỉnh thiết bị. Chi phí cho hoạt động của tàu địa chấn và các tàu hỗ trợ mỗi ngày lên đến hàng trăm nghìn USD. Khi thiết bị khảo sát bị phá hỏng, lịch trình thăm dò khảo sát bị đình trệ, Petrovietnam thiệt hại, các đối tác cũng bị ảnh hưởng theo.

Nếu các tàu Trung Quốc kéo dài tình trạng cản trở, phá hoại những hoạt động kinh tế trên biển của chúng ta, về lâu dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến quan hệ giữa hai nước và thiệt hại về kinh tế. Đồng thời, việc này cũng sẽ gây quan ngại cho các đối tác nước ngoài đang và sẽ tham gia đầu tư vào hoạt động kinh tế ở Việt Nam nói chung, trên biển Việt Nam nói riêng. Chúng ta sẽ có những số liệu thống kê đầy đủ, bằng chứng rõ ràng và yêu cầu phía Trung Quốc bồi thường những thiệt hại đó.

PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

- Vào lúc 5 giờ 58 phút ngày 26-5-2011, 3 tàu Hải giám Trung Quốc đã ngang nhiên vi phạm vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, chủ động chạy qua khu vực thả dây cáp, cắt cáp thăm dò của tàu Bình Minh 02 thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đang tiến hành khảo sát địa chấn. Vị trí 3 tàu Hải giám của Trung Quốc phá hoại thiết bị của tàu Bình Minh 02 tại Lô 148 có tọa độ 120 48’ 25″ Bắc và 1110 26’ 48″ Đông cách mũi Đại Lãnh (Phú Yên) 116 hải lý về phía đông (tức là còn 84 hải lý nữa mới đến ranh giới 200 hải lý), nằm hoàn toàn trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa thuộc chủ quyền của Việt Nam.

- Vào lúc 6giờ ngày 9-6-2011, trong khi tàu Viking II do Tập đoàn Dầu khí Việt Nam thuê đang tiến hành thu nổ địa chấn 3D lô 136/03 (tọa độ 6047,5’ Bắc và 109017,5’ Đông) tại khu vực thềm lục địa của Việt Nam thì tàu cá Trung Quốc mang số hiệu 62226 được sự yểm trợ của hai tàu ngư chính Trung Quốc số hiệu 311 và 303 đã chạy ngang qua mũi tàu Viking II sau đó đổi hướng và gia tăng tốc độ. Mặc dù phía Việt Nam đã phát pháo hiệu cảnh báo nhưng tàu 62226 vẫn cố tình lao vào tuyến cáp khảo sát của tàu Viking II và bộ phận cắt cáp chuyên dụng của tàu 62226 đã mắc vào tuyến cáp của tàu Viking II, làm cho tàu Viking II không thể hoạt động bình thường. Tiếp đó, 2 tàu ngư chính 311 và 303 cùng với một vài tàu cá khác của Trung Quốc đã vào giải cứu cho tàu 62226.



Theo Tiến Dũng/Petrotimes