Không bầu đại biểu ngoài đảng là quyền của cử tri

10/06/2016 08:01
Ngọc Quang
(GDVN) - Ông Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, đại biểu ngoài đảng lúc ứng cử có 97 người (chiếm 11%), bầu xong được 21 người. Đó là quyền lựa chọn của cử tri.

Chia sẻ với báo chí sau khi kết thúc buổi họp báo công bố kết quả bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIV, ông Nguyễn Hạnh Phúc – Tổng Thư ký Quốc hội đề cập tới nhiều nội dung hậu bầu cử mà nhân dân quan tâm.

Trong kỳ bầu cử vừa qua đã xảy ra sai phạm tại tỉnh Kiên Giang. Ông có thể cho biết cụ thể hơn về vi phạm và hướng giải quyết sắp tới?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Vi phạm trong bầu cử ở Kiên Giang đã rất rõ, tức là việc gom phiếu đi bầu thay là hành vi rất nghiêm trọng, vì thế Hội đồng bầu cử Quốc gia quyết định hủy kết quả đó và cho bầu lại. 

Họ đã bầu lại vào ngày 5/6 vừa qua. Còn việc người nào gây ra hậu quả đó, thì theo Bộ luật hình sự 2015 sẽ phải xử lý, đây là thẩm quyền của các cơ quan pháp luật

Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.
Ông Nguyễn Hạnh Phúc - Tổng Thư ký Quốc hội. ảnh: Ngọc Quang.

Qua theo dõi ba nhiệm kỳ gần đây thấy rằng số người ngoài đảng trúng cử ít dần, cho nên cũng cần đặt ra câu hỏi là chất lượng đại biểu ngoài đảng có tốt hay không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc:
Tôi không dám khẳng định chuyện có tốt hay không, bởi 97 người đi ứng cử trong kỳ bầu cử này đều đã qua các vòng hiệp thương theo quy định và đã được người dân lựa chọn.

Tôi nghĩ là chất lượng của họ đã đảm bảo rồi thì mới đi ứng cử, còn khi bầu chính thức có trúng hay không là quyền của cử tri.

Thưa ông, theo như báo cáo thì có 5 địa phương bầu thiếu, nhưng vì sao chỉ tổ chức bầu bổ sung ở Cần Thơ, còn 4 tỉnh khác thì không?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Theo luật, khi đơn vị bầu cử bầu thiếu số lượng thì ban bầu cử địa phương có đơn đề nghị về Hội đồng bầu cử Quốc gia và Hội đồng bầu cử quốc gia sẽ xem xét xem có nên bầu thêm hay không.

Cần Thơ có văn bản đề nghị Hội đồng bầu cử Quốc gia xem xét cho bầu thêm còn 4 tỉnh kia không đề nghị, cho nên không thực hiện bầu bổ sung ở những địa phương này.

Số đại biểu tái cử Quốc hội khóa XIV không cao, vậy ông có đánh giá thế nào về chất lượng hoạt động của Quốc hội qua con số này?

Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Số đại biểu tham gia lần đầu tại Quốc hội khóa XIV là 317 người. Số đại biểu tái cử là 160 người. Thực ra các khóa trước số đại biểu tái cử 33-35% nên kỳ này 160 đại biểu cũng nằm trong khoảng 30-35%.

Do đó kết quả vừa qua và qua thực tế, số tái cử này vẫn là nòng cốt tích cực bảo đảm cho hoạt động của Quốc hội.

Theo ông, cần rút ra những kinh nghiệm gì từ cuộc bầu cử lần này?
 
Ông Nguyễn Hạnh Phúc: Thứ nhất, vừa qua theo một số thông tin và đơn thư của công dân gửi đến Hội đồng bầu cử Quốc gia nói rằng có tình trạng bầu hộ, bầu thay. Hội đồng bầu cử Quốc gia đã tiến hành kiểm tra, giao ủy ban bầu cử các tỉnh kiểm tra lại. 

Qua kiểm tra thấy rằng có một số ý kiến nạc danh, không có đủ căn cứ xem xét.

Thứ hai có một số cử tri nêu: Trong gia đình có 6 người, đi bầu cử nhưng do không hiểu biết, đi làm ăn xa nên có việc bỏ phiếu thay. Tức là có sai, tuy nhiên cái sai này do sự không hiểu biết, không nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến kết quả bầu cử nên Hội đồng bầu cử Quốc gia và Ủy ban bầu cử các địa phương đã có sự chấn chỉnh và thấy rằng kết quả bầu cử không lớn vì chỉ trong một gia đình.

Khi phát hiện có tình trạng bầu cử hộ, thay mà làm làm sai lệch kết quả thì Hội đồng bầu cử Quốc gia sẽ quyết định bỏ kết quả và bầu lại.

Thứ ba, vấn đề hiệp thương trong luật bầu cử có một số ý kiến cho rằng quá trình hiệp thương có loại đi một số ứng viên tự úng cử gây ra ảnh hưởng không tốt.

Có thể những ứng viên đó được nơi cư trú, nơi công tác giới thiệu nhưng hiệp thương lần ba có ý kiến biểu quyết và cho rằng chưa đủ điều kiện tham gia, vì vậy các ứng viên này không nằm trong danh sách. Điều này cần rút kinh nghiệm để trong quá trình bầu cử bảo đảm đồng thuận từ trên xuống dưới.

Ngọc Quang