Không có tiền thuê người trông, xích hai con vào tường để đi làm

18/10/2012 06:56
Bảo Thành (Nguồn: Danwei)
(GDVN) - Không có ai trông nom chúng, và họ cũng không có đủ tiền để cho chúng vào nhà trẻ. Thế nên để lũ trẻ khỏi chạy lung tung và đi vào các khu vực nguy hiểm, họ quyết định xích chúng lại.
Bạn sẽ làm gì khi có hai đứa con nhưng không có ai trong coi và không đủ tiền để đưa chúng tới nhà trẻ? Tờ New Express Daily tại Quảng Đông ngày 17/10 đã đăng một bức hình mô tả cách giải quyết vấn đề của một cặp vợ chồng công nhân nhập cư ở Quảng Châu, họ xích hai đứa con vào tường tại công trường xây dựng.

Khi phóng viên đến nơi và nhìn thấy hai đứa trẻ bị xích vào một bức tường tại công trường xây dựng ở khu Bạch Vân, Quảng Châu, họ phát hiện ra rằng bố mẹ các bé là công nhân tại công trường này. Hàng ngày bố mẹ các bé đến công trường, và ngày nào họ cũng xích con mình vào tường.

Những đứa trẻ tội nghiệp bị bố mẹ xích lại ở công trường xây dựng
Những đứa trẻ tội nghiệp bị bố mẹ xích lại ở công trường xây dựng

Một số người dân gần khu công trường bắt đầu để ý khi hai đưa trẻ la hét và quanh quẩn trong không gian chật hẹp của mình, đập thình thình vào tường và trông vô cùng chán nản. Khi phóng viên bắt đầu chụp hình, hai đứa trẻ có vẻ bẽn lẽn và mỉm cười trước ống kính, rồi ngay sau đó cặp vợ chồng trẻ xuất hiện.

Cặp vợ chồng này kể cho phóng viên nghe về câu chuyện của mình. Quê gốc họ ở Hồ Nam, họ mang theo hai đứa con lên Quảng Đông lập nghiệp mà không có ai trông nom chúng, và họ cũng không có đủ tiền để cho chúng vào nhà trẻ. Thế nên để lũ trẻ khỏi chạy lung tung và đi vào các khu vực nguy hiểm, họ quyết định xích chúng lại.

Tuy nhiên theo tờ New Daily Express, việc cha mẹ xích trói con là vi phạm pháp luật và có thể bị truy tố. Nhưng khi phóng viên hỏi chuyện người dân trong khu vực về cách hành xử của cặp vợ chồng này với con cái, nhiều người nói rằng họ có thể hiểu được tại sao họ phải làm như thế.

Tờ New Daily Express cũng nêu ra các khả năng mà cặp vợ chồng này có thể lựa chọn, chẳng hạn như cầu tới các tổ chức tình nguyện hoặc các “trung tâm quản lý hàng xóm láng giềng”. Tuy nhiên, việc dạy dỗ và chăm sóc con cái cho các lao động nhập cư là vấn đề không dễ gì giải quyết đối với cả chính phủ lẫn các lao động nhập cư.

Lao động nhập cư Trung Quốc rồng rắn bỏ quê lên thành phố mưu sinh
Lao động nhập cư Trung Quốc rồng rắn bỏ quê lên thành phố mưu sinh

Việc các công nhân này không có hộ khẩu ở thành phố đồng nghĩa với việc con cái họ không được đến học ở các trường công hoặc tiếp cận với các dịch vụ công ích. Những nỗ lực tìm giải pháp khác cho việc dạy dỗ con cái của những lao động nhập cư mà không thay đổi chế độ hộ khẩu lại nảy sinh nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như gần đây chính quyền Bắc Kinh đã đóng cửa một chuỗi nhà trẻ cho con cái của các lao động nhập cư vì không được cấp giấy phép.

Một tài liệu nghiên cứu xuất bản hồi tháng 9 chỉ ra rằng học sinh theo học ở các ngôi trường dành cho dân nhập cư đó thường có học lực kém hơn so với học sinh ở các trường công.
Bảo Thành (Nguồn: Danwei)