Không nước nào nhận, có thể phải tiêu hủy VKHH Syria trên biển

20/11/2013 07:00
Nguyễn Hường
(GDVN) - Theo Reuters ngày 19/11, vũ khí hóa học Syria có thể được tiêu hủy trên biển sau khi một loạt quốc gia lên tiếng từ chối tiếp nhận làm trung gian giải trừ loại vũ khí này.
Dẫn nguồn tin gần gũi với các cuộc thảo luận về việc loại bỏ các vũ khí độc hại này, Reuters cho biết, Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) đang xem xét khả năng thực hiện nhiệm vụ này trên một con tàu hoặc giàn khoan ngoài khơi.

Có tới hơn 1.300 tấn vũ khí hóa học Syria cần được tiêu hủy.
Có tới hơn 1.300 tấn vũ khí hóa học Syria cần được tiêu hủy. 

Tại thời điểm này, đây là phương án khả thi nhất về mặt kỹ thuật. Trên thực tế, biện pháp này đã từng được thực hiện nhưng ở quy mô nhỏ, Reuters dẫn lời một quan chức OPCW cho biết.
Các quốc gia khác, đặc biệt là Nhật Bản từng xử lý vũ khí hóa học trên biển cho rằng đây là một hoạt động quy mô lớn và phức tạp chưa từng có. Có tới hơn 1.300 tấn vũ khí hóa học cần được tiêu hủy. 
Ralf Trapp, một chuyên gia về giải trừ vũ khí hóa học độc lập, cho rằng kho dự trữ hóa học Syria phức tạp hơn nhiều so với việc tiêu hủy vũ khí hóa học của Nhật Bản trên biển sau Thế chiến II và lo ngại nó có thể gây ảnh hưởng tới môi trường.
Các vũ khí của Nhật Bản là một sản phẩm hoàn chỉnh, không tạo ra chất thải lỏng, ông nói. Ngược lại, phần lớn kho dự trữ của Syria là vật liệu "tiền thân" được lưu trữ để sản xuất vũ khí ở giai đoạn sau. Chúng sẽ được đốt hoặc vô hiệu hóa chúng bằng các hóa chất khác trong một quá trình được gọi là thủy phân, sẽ tạo ra một lượng lớn chất lỏng độc hại.
Reuters dẫn lời một quan chức Mỹ cho biết, nhiều chuyên gia đang nghiêng về phương án phá hủy chúng trên một con tàu. 
Trong khi đó, cuộc nội chiến tại Syria có thể gây khó khăn cho việc vận chuyển vũ khí hóa học từ nhiều kho khác nhau tới địa điểm cần tiêu hủy. Những ngày qua, quân đội Syria đã mở một chiến dịch lớn truy quét các phiến quân ở khu vực ven biển Latakia. Động thái này cũng đã được dự đoán là nhằm để mở đường vận chuyển vũ khí hóa học ra biển.
Nguyễn Hường