"Không thể nào có thiết bị soi vi khuẩn dễ như quảng cáo Vim"

10/09/2012 13:10
Thành Chung - Hải Sơn
(GDVN) - "Vi khuẩn không thể nào nhìn được trực tiếp mà phải lấy mẫu về, nuôi cấy trong bộ phận để nó hiện lên... rồi dùng các thiết bị soi vào, phóng lên để quan sát... Không thể có thiết bị soi như trong quảng cáo Vim được, làm như thế thì đơn giản quá...", PGS.TS Đỗ Quang Trung nhấn mạnh.
Đoạn clip quảng cáo của nhãn hàng nước tẩy rửa bồn cầu Vim với hình ảnh người mẹ dùng tay chà sát trong lòng bồn cầu để chứng minh hiệu quả diệt khuẩn "tuyệt vời" của sản phẩm tiếp tục gây nhiều tranh cãi với độc giả và người tiêu dùng. Đa phần mọi người đều khẳng định, hình ảnh trên gây cho người xem thấy “ghê ghê” vì quảng cáo này thường phát vào đúng những lúc bữa cơm đang ngon lành, nhất là vào buổi trưa và buổi tối.
Những loại nước tẩy bồn cầu này có thực sự chỉ tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại?
Những loại nước tẩy bồn cầu này có thực sự chỉ tiêu diệt các loại vi khuẩn có hại?

Cũng từng theo dõi đoạn quảng cáo này, PGS.TS Đỗ Quang Trung - Trưởng phòng thí nghiệm Hóa môi trường, Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên (ĐHQGHN) nhìn nhận, đoạn quảng cáo này đúng là phản cảm với nhiều hành động thái quá.
Theo PGS.TS Đỗ Quang Trung, về nguyên tắc các chất có trong dung dịch nước tẩy rửa sẽ có những tác động nhất định đến con người. "Tuy nhiên quan trọng nhất trong đó là hàm lượng, tức là người ta phải tính xem các tỷ lệ các chất đó đến bao nhiêu để đảm bảo không gây hại với con người chứ không phải thích dùng bao nhiêu thì dùng được", PGS.TS Trung cho biết. Sau khi xem các chất có trong thành phần được ghi bên ngoài vỏ bao bì của dung dịch tẩy rửa bồn cầu Vim như: Sodium Hypochlorite, Lauric Acid, Sodium Hydroxide, Amine Oxide..., PGS.TS Đỗ Quang Trung nhấn mạnh: Riêng việc trên bao bì của Vim không ghi đầy đủ tỷ lệ, hàm lượng thành phần các chất là sai với nguyên tắc chung. "Nhà sản xuất không ghi đầy đủ tỷ lệ thành phần các chất hay hàm lượng trên bao bì như của sản phẩm của Vim này là chưa đúng. Ví dụ chất Sodium Hypochlorite (nước Javen) là bao nhiêu phần trăm, bao nhiêu mmg... anh phải ghi rõ ra để người ta mới kiểm chứng được xem có đúng như thế không. Chẳng hạn, trường hợp anh công bố là 5% nhưng thực tế sản xuất anh chỉ dùng có 1% thì ai biết được, vì thế ở đây nên phải ghi rõ ràng hàm lượng, tỷ lệ phần trăm ra. Ngay trong các loại nước uống đóng chai thì cũng đều phải ghi rõ ràng hàm lượng các chất có trong đó", PGS.TS Đỗ Quang Trung cho hay. PGS.TS Đỗ Quang Trung cũng bày tỏ, việc ghi tỷ lệ thành phần, hàm lượng là rất quan trọng: "Bởi khả năng sử dụng, đảm bảo tính khử sạch vi khuẩn chính là nằm ở những chất trong đó. Và hơn nữa, việc ghi rõ ràng hàm lượng này cũng đảm bảo sự không gây hại đối với người sử dụng". PGS.TS Đỗ Quang Trung cũng đánh giá, việc người phụ nữ trong đoạn quảng cáo của Vim sử dụng tay không để dùng sản phẩm, rửa bồn cầu và quẹt tay xuống bồn cầu như vậy là không đúng với chính hướng dẫn sử dụng, quá phản cảm và tạo ấn tượng xấu với người tiêu dùng.
Dù có thành phần nhưng tỷ lệ phần trăm các chất này là bao nhiêu, trên bao bì của nước tẩy rửa Vim lại không hề có.
Dù có thành phần nhưng tỷ lệ phần trăm các chất này là bao nhiêu, trên bao bì của nước tẩy rửa Vim lại không hề có.

Liên quan đến thiết bị chiếu vi khuẩn được sử dụng trong đoạn quảng cáo Vim, PGS.TS Đỗ Quang Trung khẳng định, không thể nào lại có thể có loại thiết bị soi, phát hiện vi khuẩn dễ dàng như vậy được. "Vi khuẩn không thể nào nhìn được trực tiếp như con gà, con chó... mà muốn nghiên cứu phải lấy mẫu về, nuôi cấy trong bộ phận nào đó để nó hiện lên... rồi dùng các thiết bị soi vào, phóng lên để quan sát... Còn không thể có thiết bị soi vi khuẩn như trong quảng cáo Vim được. Làm như thế thì việc phát hiện vi khuẩn lại đơn giản quá...", PGS.TS Đỗ Quang Trung chia sẻ.
Độc giả phát hiện ra những quảng cáo nào phản cảm, những sảm phẩm kém chất lượng thuộc nhãn hàng của Unilever xin gửi về địa chỉ: toasoan@giaoduc.net.vn,hoặc BẤM VÀO ĐÂY để phản hồi!
Thành Chung - Hải Sơn