Không tìm thấy bất thường trong vụ “mặt đường phát nổ” ở Sài Gòn

01/11/2013 17:20
Ngọc Luân
(GDVN) - Đó là kết luận chính thức của Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM về hiện tượng kỳ lạ “mặt đường phát nổ” diễn ra tại quận Bình Thạnh – TP. HCM gây hoang mang dư luận vừa qua. Các đơn vị có liên quan cho biết, trong vài ngày tới, nếu hiện tượng này ngưng hẳn, không còn xuất hiện dấu hiệu bất thường nữa thì sẽ tiến hành giải tỏa, tái lập lại mặt đường, trả lại sinh hoạt bình thường cho người dân.

Tin từ Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM vào chiều nay, ngày 1/11/2013, cho biết, sau hơn 3 ngày tích cực khảo nghiệm, truy tìm nguyên nhân của hiện tượng khác thường: “mặt đường phát nổ” tại quận Bình Thạnh – TP. HCM, các nhà khoa học của thành phố đã không phát hiện có điều gì bất thường trong lòng “hố đen”.

Mặt đường Bình Lợi - quận Bình Thạnh bỗng nhiên phát nổ, tóe lửa như miệng núi lửa
Mặt đường Bình Lợi - quận Bình Thạnh  bỗng nhiên phát nổ, tóe lửa như miệng núi lửa

Theo đó, kết quả khảo sát, thu thập và phân tích tổng cộng 18 mẫu vật, trong đó có 7 mẫu đất, 3 mẫu nước và 8 mẫu khí tại hiện trường, cho thấy:

1.      Trong mẫu đất không phát hiện ra các loại khí gây cháy nằm lẫn, thành phần của mẫu đất chủ yếu là các chất vô cơ thông thường như: silic, nhôm, sắt… và không phát hiện thấy có thành phần nào cao bất thường.

2.      Trong mẫu nước không phát hiện các thành phần khí gây cháy nằm lẫn.

3.      Riêng trong mẫu khí, phát hiện thấy có khí mê-tan với hàm lượng cao, nhưng cũng không đáng kể: từ 0,2 đến 2%. Đồng thời kết quả đo đạc và phân tích không khí xung quanh khu vực hiện trường đều cho thông số bình thường, nằm trong giới hạn cho phép.

Bên cạnh đó, kết quả khảo sát địa chất tại hiện trường bằng thiết bị Georadar của Khoa Vật lý địa cầu - Trường Đại học Khoa học tự nhiên cũng không phát hiện thấy các lỗ hổng tại khu vực gây cháy.

Qua nhiều ngày tích cực khảo nghiệm, phân tích, các nhà khoa học của TP. HCM không tìm thấy điều gì bất thường trong các mẫu vật tại hiện trường
Qua nhiều ngày tích cực khảo nghiệm, phân tích, các nhà khoa học của TP. HCM không tìm thấy điều gì bất thường trong các mẫu vật tại hiện trường

Theo ông Phan Minh Tân – Giám đốc Sở Khoa học Công nghệ TP. HCM, nhiều khả năng hiện tượng cháy nổ là do khí mê-tan phát sinh và tích tụ cục bộ trong lòng đất. Và, theo dự đoán do lượng khí không nhiều và có khả năng đã được giải phóng hết nên không còn ghi nhận được hiện tượng này lần nào nữa. Tuy nhiên, ông Tân cũng cho biết, việc xác định chính xác nguyên nhân của việc mặt đường gây cháy nổ này cũng rất khó khăn, vì sau lần cháy cuối cùng được ghi nhận vào lúc 8h, ngày 29/10/2013, đến nay, tại hiện trường các nhà khoa học không ghi nhận được thêm hiện tượng bất thường nào nữa.

Đại diện Sở Khoa học Công nghệ cũng cho biết, đã cắt cử cán bộ chuyên môn phối hợp với lực lượng tại chỗ của chính quyền địa phương nhằm tiếp tục giám sát chặt chẽ hiện trường thêm 2 ngày nữa. Sau thời điểm này, nếu không phát hiện có gì bất thường tại đây, cơ quan chức năng sẽ tiến hành giải tỏa, tái lập mặt đường, nhằm trả lại sinh hoạt bình thường cho nhân dân trong khu vực.

Nếu sau 2 ngày tới, không ghi nhận được hiện tượng bất thường nào nữa, mặt đường sẽ được tái lập, trả lại sinh hoạt bình thường.
Nếu sau 2 ngày tới, không ghi nhận được hiện tượng bất thường nào nữa, mặt đường sẽ được tái lập, trả lại sinh hoạt bình thường.

Như thông tin trước đó trên Báo Giáo Dục Việt Nam, trong 2 ngày 28 và 29/10/2013, mặt đường Bình Lợi - ngay trước số nhà 236 - phường 13 - quận Bình Thạnh – TP. HCM bất ngờ xuất hiện hiện tượng kỳ lạ “mặt đường phát nổ”, tóe lửa, và bốc khói nghi ngút như miệng núi lửa.

Sau khi phun trào, tại hiện trường đã để lại một cái “hố đen”sâu hơn nửa mét và có đường kính khoảng 20cm, dưới lòng hố mọi người liên tục nghe thấy tiếng nổ to - nhỏ phát ra liên tiếp, xen kẻ nhau. Nhiệt độ mặt đất quanh hiện trường cũng cao lên bất thường, có lúc được ghi nhận hơn 50 độ C và nước trong lòng “hố đen” này cũng sôi lên, sủi bọt sùng sụt.  Hiện tượng khác lạ này đã gây hoang mang đối với bà con nhân dân sống trong khu vực này, cũng như là một thách đố không nhỏ đối với các nhà khoa học TP. HCM


Ngọc Luân