Khu công nghiệp Sài Đồng B “bức tử” sông Cầu Bây

29/10/2011 00:10
Nguyễn Tiến
(GDVN) - 14 năm hoạt động nhưng khu công nghiệp Sài Đồng B không có nhà máy xử lý nước thải và vô tư xả thải trực tiếp ra môi trường và giết chết 1 dòng sông.

"Bức tử" dòng sông

Theo tìm hiểu của Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, khu công nghiệp (KCN) Sài Đồng B (Long Biên, Hà Nội) được Thủ tướng Chính phủ giao cho Công ty Điện tử Hà Nội (Hanel) làm chủ đầu tư để đầu tư xây dựng và kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN từ năm 1996-1997.

Nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm, nhuốm một màu đen ngòm
Nước sông Cầu Bây đã bị ô nhiễm, nhuốm một màu đen ngòm

Từ khi hoàn thành và đưa vào khai thác đến nay, trung bình tại KCN này luôn có hơn 20 doanh nghiệp thuê đất làm nhà máy, xưởng sản xuất. Nhưng, 14 năm đi vào hoạt động, KCN này không hề có nhà máy xử lí nước thải. Toàn bộ nước thải công nghiệp từ hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp đang hoạt động tại đây đều được xả thẳng xuống sông Cầu Bây mà không qua bất kì công đoạn xử lý nào.

Sông Cầu Bây được bắt nguồn từ địa bàn quận Long Biên, qua Gia Lâm và cuối nguồn giáp với tỉnh Hưng Yên. Thực tế này đã khiến dòng sông vốn là nơi cung cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân sinh sống bên hai bờ sông bị nhiều ảnh hưởng.

Theo quan sát của phóng viên trong những ngày cuối tháng 10, đoạn sông Cầu Bây chảy qua phường Sài Đồng (Long Biên), xã Đông Dư (Gia Lâm, Hà Nội) đen ngòm, đậm đặc, mùi hôi thối bốc lên vô cùng khó chịu..

Ông Nguyễn Hữu Nhật, Phó chủ tịch UBND xã Đông Dư cho biết, địa bàn xã Đông Dư có sông Cầu Bây chảy qua, lại ở phía sau KCN Sài Đồng. Vì vậy, xã phải hứng chịu toàn bộ ảnh hưởng do nước thải được xả ra trực tiếp từ những nhà máy. Hiện tại nước sông có mầu tím đen, bốc mùi rất hôi thối.

Cơ quan chức năng kiểm tra rồi quên?

Trao đổi với phóng viên, nhiều người dân xã Đông Dư cho biết, trước khi KCN Sài đồng được xây dựng, nước sông Cầu Bây rất trong xanh, có thể sử dụng làm nước sinh hoạt. Nhưng sau khi KCN này đi vào hoạt động, nước sông đã trở nên ô nhiễm nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Minh Tiết, trưởng thôn Thượng Phú, xã Đông Dư cho biết, hiện có một thôn nằm sát bên bờ sông Cầu Bây. Trước đây, người dân thường tắm giặt, bơi lội ở sông, thậm chí nhiều gia đình còn gánh nước sông về đánh phèn dùng làm nước ăn.

Từ khi có KCN Sài Đồng thủy sản không còn, nước sông ô nhiễm, chuyển màu đen ngòm, đứng cách xa dòng sông hàng chục mét vẫn ngửi thấy mùi hôi thối. Dù người dân được khuyến cáo là phải dùng hệ thống lọc nước từ giếng khoan để sử dụng, tuy nhiên vẫn còn khoảng 40% người dân không có điều kiện mua hệ thống lọc nước.

Nhiều người dân ở thôn Thuận phú, xã Đông Dư phản ánh, rau muống trên sông trông rất xanh tốt, nhưng luộc lên nước đen ngòm. Trước đây, làng Đông dư là nơi cung cấp rau Mùi Tàu chủ yếu cho Hà Nội, nhưng hiện nay, rau mùi được tưới bằng nước sông bị úa lá, táp lá, vì vậy, dân làng đã bỏ trồng loại rau này. Người dân ở đây đều mong mỏi, cơ quan chức năng xem lại tình hình nước xả thải trên sông Câu Bậy để cải thiện môi trường sống cho bà con.

Ông Nguyễn Hữu Nhật, Phó chủ tịch UBND xã Đông Dư cho biết thêm, nước sông ô nhiễm đã ngấm vào mạch nước ngầm, ảnh hưởng đến sức khỏe của bà con. Hiện tại, địa bàn này chưa có nước sạch nên người dân vẫn buộc phải sử dụng nước giếng khoan vấn đề ô nhiễm nguồn nước đã ảnh hưởng trực tiếp đến người dân.

Theo khuyến cáo của đoàn khảo sát thuộc Trung tâm y tế dự phòng của TP, nước sông Cầu Bây, nước giếng khoan khu vực xã Đông Dư bước đầu được kết luận là có hàm lượng độc tố C5, chủng vi khuẩn gram âm tính gây nguy hiểm đến sức khỏe con người.

Các chuyên gia đã khuyến cáo người dân nên dùng hệ thống lọc nước để sử dụng, không nên sử dụng nước giếng khoan trực tiếp để giảm thiểu những tác hại đến sức khỏe. Nhưng kể từ khi đoàn kiểm tra đến tìm hiểu và khuyến cáo người dân đến nay đã vài năm trôi qua vẫn chưa có thêm cơ quan chức năng nào đến thị sát thực tế và có những hành động thiết thực nhằm cứu sông Cầu Bây và những người dân sinh sống ở khu vực này.

Ông Nhật cũng cho biết thêm, hiện nay, số lượng người chết vì ung thư nội tạng tại khu vực 2 bên bờ sông rất nhiều. Điều này khiến người dân vô cùng hoang mang…

còn nữa...

Nguyễn Tiến