Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền:

Kiến nghị xử lí hình sự đối với doanh nghiệp nợ đọng tiền BHXH

06/04/2013 06:31
Xuân Trung
(GDVN) - Ngày 5/3, trong buổi trả lời trực tuyến trước nhân dân cả nước về "Chương trình mục tiêu quốc gia việc làm và dạy nghề", Bộ trưởng Bộ LĐTB và XH Phạm Thị Hải Chuyền cho biết đã có công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lí hành vi nợ đọng tiền BHXH đối với các doanh nghiệp.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết, nợ đọng BHXH gần đây đang tăng rất lớn, chủ yếu nằm ở các doanh nghiệp ngoài quốc doanh trên 40%,  doanh nghiệp FDI là 14%, tình trạng này có nhiều nguyên nhân trong đó quan trọng nhất là ý thức trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc đóng BHXH cho người lao động, thậm chí có những doanh nghiệp đã thu tiền đóng BHXH của người lao động nhưng lại không đóng, dẫn đến việc khi người lao động đến thời gian được nghỉ, được hưởng chế độ thì phía BHXH lại nói là doanh nghiệp chưa nộp.

“Để giải quyết vấn đề này, năm 2012, chúng tôi đã có văn bản kiểm tra các doanh nghiệp có nợ đọng đồng thời yêu cầu địa phương đôn đốc tích cực để yêu cầu chủ  doanh nghiệp đóng. Chính vì vậy nợ đọng BHXH giảm 13,7% so với năm 2011”  Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền cho biết.

Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời trực tuyến với nhân dân cả nước sáng nay tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh Xuân Trung
Bộ trưởng Phạm Thị Hải Chuyền trả lời trực tuyến với nhân dân cả nước sáng nay tại Cổng thông tin điện tử Chính phủ. Ảnh Xuân Trung

Để xảy ra những hiện tượng trên, một trong những nguyên nhân chủ sử dụng lao động nợ đọng bảo hiểm là từ chính sách, do mức phạt chậm đóng BHXH chỉ chiếm 10% nhưng nếu vay bên ngoài lãi suất lên đến 15-20%/năm, vì vậy, doanh nghiệp chấp nhận nợ BHXH để có vốn quay vòng. Cần phải xử lý nghiêm những doanh nghiệp này. 

“Chúng tôi đã gửi công văn sang Bộ Tư pháp đề nghị xem xét các quy định pháp lý để có thể xử lý hành vi nợ đọng tiền BHXH mà người lao động đã đóng nhưng doanh nghiệp chưa đóng cho BHXH theo hướng hình sự” Bộ trưởng Chuyền nêu quan điểm.

Tuy nhiên, theo bà Chuyền, đối với những doanh nghiệp quá khó khăn thì cũng cần phải xem xét, có sự chia sẻ từ phía nhà nước cũng như người lao động.

Theo thống kê cả nước năm 2012, số tiền nợ đọng BHXH là trên 5.000 tỷ đồng, tập trung tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và  doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài nguyên nhân là do tình hình kinh tế - xã hội gặp nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp phá sản không có khả năng đóng BHXH, nguyên nhân khác là các chế tài xử lý vi phạm Luật BHXH hiện nay còn hạn chế, chỉ ở mức dân sự.

Chính vì vậy có nhiều ý kiến cho rằng cần xem xét nghiên cứu đưa việc xử lý nợ đọng bảo hiểm của doanh nghiệp từ dân sự sang hình sự nhằm bảo đảm quyền lợi chính đáng của người lao động. 
Xuân Trung