Kim Jong-un đang thách thức Tập Cận Bình trong vấn đề Triều Tiên?

03/05/2013 06:58
Hồng Thủy (Nguồn: DW)
(GDVN) - Động thái này của Bình Nhưỡng được giới phân tích Đài Loan xem như Kim Jong-un đang thách thức quyền kiểm soát của Tập Cận Bình đối với tình hình bán đảo Triều Tiên.
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Nhà lãnh đạo Kim Jong-un
Tờ Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên hôm 27/4 đăng bài xã luận khẳng định, dựa vào "nước lớn" không thể giúp bảo vệ chủ quyền, chỉ có năng lực hạt nhân lớn mạnh mới giúp quân đội ngăn chặn quân xâm lược. Thông điệp của tờ báo này được giới truyền thông Trung Quốc lý giải là "nước lớn" mà Bình Nhưỡng ám chỉ là Mỹ, trong khi chủ quyền nước nhỏ muốn bảo vệ là Hàn Quốc, ý bài báo này, Bình Nhưỡng cảnh báo Seoul là "cái ô Mỹ" không thể giúp Seoul bảo vệ được chủ quyền. Tuy nhiên giới phân tích thời sự Đài Loan cho rằng truyền thông Trung Quốc dường như đang cố tình tuyên truyền sai lệch những điều Bình Nhưỡng muốn nói. Thực tế Bắc Triều Tiên muốn cảnh báo với Trung Quốc rằng, Bình Nhưỡng kiên trì độc lập tự chủ và không có chuyện Triều Tiên phải nhượng bộ vì những áp lực từ Trung Quốc. Vụ Bắc Triều Tiên xử một công dân Mỹ gốc Hàn Quốc 15 năm lao động cải tạo với tội danh lật đổ chính quyền Bình Nhưỡng và cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter dự kiến đi Triều Tiên cho thấy khả năng Bình Nhưỡng muốn đối thoại trực tiếp với Mỹ mà không phải thông qua Trung Quốc. Bài xã luận của Rodong Sinmun cũng khẳng định rõ, chỉ có dùng sức mạnh hạt nhân đối trọng với uy hiếp hạt nhân mới có thể bảo vệ mình. Bình Nhưỡng vẫn tin rằng Triều Tiên là mục tiêu đánh đòn phủ đầu hạt nhân của Mỹ, nên không thể nói xuông "qua đường ngoại giao" để bảo vệ chủ quyền và sự tồn vong của chế độ. Động thái này của Bình Nhưỡng được giới phân tích Đài Loan xem như Kim Jong-un đang thách thức quyền kiểm soát của Tập Cận Bình đối với tình hình bán đảo Triều Tiên. Trong khi giới chức ngoại giao Mỹ - Hàn - Trung đã và đang thực hiện những chuyến ngoại giao con thoi liên tục nhằm tìm cách kiểm soát tình hình bán đảo Triều Tiên thì Bình Nhưỡng dường như cũng muốn chủ động cải thiện quan hệ đối ngoại của mình. Ngày 1/5, một quan chức chính phủ Hàn Quốc cho hay, Bình Nhưỡng sẽ không tiếp đặc sứ Trung Quốc về vấn đề hạt nhân  Triều Tiên, đó sẽ là một bước ngoặt trong cục diện bán đảo. Kể từ khi Triều Tiên phóng thử tên lửa hồi tháng 12 năm ngoái, dường như hoạt động liên lạc giữa giới chức cấp cao Trung - Triều đã có một thời gian gián đoạn. Thời cố Chủ  tịch Kim Jong-il, Bình Nhưỡng và Bắc Kinh vẫn duy trì một kênh liên lạc thường xuyên, nhưng 16 tháng nay từ khi Kim Jong-un lên cầm quyền, hoạt động giữa giới chức 2 bên trở nên ít hẳn. Sự lạnh nhạt của Bình Nhưỡng với Bắc Kinh còn thể hiện ra mặt trong vụ động đất tại Nhã An, Tứ Xuyên vừa qua. 48 tiếng sau trận động đất, Triều Tiên mới gửi điện thăm hỏi, nhưng không phải Kim Jong-un ký điện mà để cho Thủ tướng Triều Tiên đại diện Bình Nhưỡng thăm hỏi Bắc Kinh, động thái chưa từng có tiền lệ trong quan hệ song phương.

Hồng Thủy (Nguồn: DW)