La Viện: Trung Quốc đã phải lật bài ngửa với cả “anh em ruột”

11/03/2013 06:59
Việt Dũng
(GDVN) -Tướng học giả Trung Quốc cho rằng, Bắc Triều Tiên đã gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc, lo ngại Trung Quốc bị bao vây bởi vũ khí hạt nhân
Tướng học giả Trung Quốc La Viện
Tướng học giả Trung Quốc La Viện

Tờ Thời báo Hoàn Cầu, Trung Quốc vừa đăng bài viết của La Viện, phó hội trưởng thường trực kiêm Tổng thư ký Hội xúc tiến văn hóa chiến lược Trung Quốc.

Bài viết cho biết, ngày 7/3/2013, Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã mở cuộc họp ra nghị quyết trừng phạt CHDCND Triều Tiên thử hạt nhân, Trung Quốc đã bỏ phiếu tán thành.

Trung Quốc có tham gia trừng phạt CHDCND Triều Tiên hay không thì phải xem CHDCND Triều Tiên có gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc hay không.

Bài báo khẳng định, CHDCND Triều Tiên đã gây thiệt hại cho lợi ích của Trung Quốc.

Trước hết, một khi Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân, sẽ làm cho môi trường an ninh hạt nhân xung quanh Trung Quốc tiếp tục xấu đi, thậm chí có thể gây phản ứng dây chuyền, các nước như Nhật Bản, Hàn Quốc sẽ hành động - xây dựng hệ thống phòng thủ tên lửa, thậm chí phát triển vũ khí hạt nhân.

La Viện cho rằng Trung Quốc đã bị các nước sở hữu tên lửa bao vây, nếu tiếp tục để cho các nước này trang bị thêm chiếc “răng” hạt nhân, ở góc độ an ninh hạt nhân của mình, không nước nào có thể khoan nhượng đối với tình hình này.

Hàn Quốc đã được phép tăng tầm phóng tên lửa
Hàn Quốc đã được phép tăng tầm phóng tên lửa

Thứ hai, hiện nay khả năng quản lý và bảo vệ về hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đều tương đối kém, một khi để xảy ra sự cố rò rỉ hạt nhân bất ngờ hoặc bị tấn công hạt nhân từ các nước thù địch thì phạm vi phóng xạ hạt nhân của họ sẽ lên tới 400-1.400 km, một phần lãnh thổ của Trung Quốc sẽ bị ô nhiễm hạt nhân.

Ngoài ra, một khi công nghệ và cơ sở hạt nhân rơi vào tay các phần tử khủng bố thì sẽ gây ra hậu quả mang tính thảm họa.

Thứ ba, một khi bị thế lực bên ngoài tấn công hoặc dồn ép, chính quyền CHDCND Triều Tiên sụp đổ, sẽ gây ra bất ổn mạnh mẽ cho bán đảo Triều Tiên, rất nhiều dân tị nạn sẽ tràn vào khu vực đông bắc Trung Quốc, tạo ra gánh nặng to lớn cho môi trường chính trị, kinh tế của khu vực biên giới Trung Quốc.

Trung Quốc không cần thiết phải gánh chịu hậu quả cho các hành động cẩu thả của CHDCND Triều Tiên, tác động xấu đến thời kỳ cơ hội chiến lược không dễ có của Trung Quốc.

Đối với vấn đề này, Trung Quốc phải “lật bài ngửa” với CHDCND Triều Tiên, Trung Quốc hiểu được mối quan tâm an ninh của CHDCND Triều Tiên, cũng muốn giúp Triều Tiên giải quyết mối quan tâm an ninh trong phạm vi cho phép.

Theo bài viết, nếu không có “sự nỗ lực nhiều năm qua” của Trung Quốc thì tình hình bán đảo Triều Tiên không biết sẽ như thế nào. Nhưng, CHDCND Triều Tiên cũng phải quan tâm tới lợi ích quốc gia của Trung Quốc, cho dù là ai, cho dù trước đây có là “đồng chí + anh em”, chỉ cần gây thiệt hại lợi ích quốc gia của Trung Quốc, thì Trung Quốc cũng phải “tính sổ” với người “anh em ruột”.

Tên lửa Patriot-3 của Nhật Bản, sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa từ khu vực xung quanh.
Tên lửa Patriot-3 của Nhật Bản, sẵn sàng ứng phó với các mối đe dọa từ khu vực xung quanh.

Nhưng, theo bài viết, Trung Quốc tiến hành trừng phạt Bắc Triều Tiên có mục đích rất rõ ràng, đó là yêu cầu Bắc Triều Tiên không nên gây thiệt hại cho lợi ích quốc gia của Trung Quốc. Đây là một lời khuyên thiện chí, chứ không phải hành động làm hại ác ý. Tính mục đích đó khác với một số nước.

La Viện nhấn mạnh, Trung Quốc chỉ muốn CHDCND Triều Tiền giải trừ hạt nhân, chứ không phải từ bỏ quyền.

Trung Quốc muốn CHDCND Triều Tiên từ bỏ kế hoạch phát triển vũ khí hạt nhân, hòa nhập vào cộng đồng quốc tế, đi lên con đường phát triển hòa bình. Vì vậy, trừng phạt chỉ có thể thích hợp chỉ có thể nhằm vào những lĩnh vực có liên quan đến chương trình phát triển vũ khí hạt nhân như nhân viên, nguồn vốn, vật liệu và công nghệ, chứ không thể gây hại dân thường, càng không thể gây thảm họa nhân đạo.

Cộng đồng quốc tế cũng cần chú ý tới mối quan tâm an ninh của CHDCND Triều Tiên, Bắc Triều Tiên sở hữu vũ khí hạt nhân là để tự bảo vệ. Vì vậy, đối thủ chính của họ - Mỹ đến nay hoàn toàn không cam kết không tiến hành tấn công “đánh đòn phủ đầu” đối với CHDCND Triều Tiên, trong khi đó Mỹ lại dành cho đối thủ của Bắc Triều Tiên – Hàn Quốc và Nhật Bản chiếc ô bảo vệ hạt nhân.

La Viện coi điều này là nguyên nhân đã gây ra mất cân bằng cho tình hình an ninh Đông Bắc Á, nên yêu cầu Mỹ phải cân nhắc. Hơn nữa, Mỹ-Hàn thường xuyên tiến hành diễn tập quân sự ở “cửa nhà” của CHDCND Triều Tiên, đã làm trầm trọng cảm giác khủng hoảng của CHDCND Triều Tiên.

Máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ triển khai ở Guam
Máy bay ném bom chiến lược B-52H của Mỹ triển khai ở Guam

Ngoài ra, nếu Bắc Triều Tiên từ bỏ vũ khí hạt nhân, cộng đồng quốc tế sẽ đền bù kinh tế cho họ như thế nào vẫn còn chưa rõ. Đặc biệt, trong khi CHDCND Triều Tiên thường xuyên tỏ ra thiện chí với Mỹ thì Mỹ lại cơ bản tương đối lạnh nhạt, thậm chí muốn lật đổ chính quyền của họ.

Đây là những nguyên nhân bên ngoài khiến cho vấn đề hạt nhân Triều Tiên chậm được giải quyết. Hiện nay, việc giải quyết vấn đề này ngoài trừ được tiến hành trong khuôn khổ hội đàm 6 bên do Trung Quốc đề xướng, thì hầu như còn chưa tìm được một kênh đàm phán có hiệu quả hơn.

Vì vậy, bất kể xuất phát từ sự tính toán bảo vệ lợi ích an ninh của Trung Quốc hay nguyện vọng tốt đẹp bảo vệ hòa hòa bình, ổn định ở khu vực Đông Bắc Á cho đến toàn thế giới, đều phải tiến hành “trạng thái 3 không” ở bán đảo Triều Tiên, đó là không có vũ khí hạt nhân, không có chiến tranh, không có bất ổn. Cộng đồng quốc tế cần nỗ lực cho mục tiêu này.

Việt Dũng