"Làm đại biểu Quốc hội là một nghề khó"

22/05/2011 00:13
Tham nhũng đang là vấn đề bức xúc của cả xã hội này nên đề cập tới chống tham nhũng nghĩa là ứng viên đã “gãi” đúng chỗ ngứa của cử tri.
Tham nhũng đang là vấn đề bức xúc của cả xã hội này nên đề cập tới chống tham nhũng nghĩa là ứng viên đã “gãi” đúng chỗ ngứa của cử tri.
{iarelatednews articleid='2635,2891,2890'} 
Ông Nguyễn Sĩ Dũng
Ông Nguyễn Sĩ Dũng
Hôm nay (22/5), cử tri cả nước sẽ đi bỏ phiếu bầu ra các vị đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XIII và ĐB HĐND các cấp để đại diện cho mình thực hiện quyền lực nhà nước. Trước thềm cuộc bầu cử, TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, người phát ngôn Tiểu ban Tuyên truyền Hội đồng Bầu cử trung ương trả lời về những kỳ vọng đổi mới của Quốc hội khóa tới.
“Truyền thông và mạng xã hội đang phát triển mạnh mẽ cũng sẽ góp phần tạo thêm những kênh tương tác mới giữa ĐB với cử tri. Mọi lời nói, việc làm của ĐB; mọi mong muốn, gửi gắm, ý kiến, đòi hỏi của cử tri… cứ lên Internet tra Google là chúng ta có thông tin ngay” - TS Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng QH (ảnh), nhận định.
Làm ĐBQH là một nghề khó
. Thưa ông, công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đã hoàn tất. Hôm nay, cử tri sẽ bỏ phiếu bầu ra QH khóa XIII. Đến lúc này, có thể thấy những hy vọng gì ở QH khóa tới?
+ Hy vọng dễ thấy nhất là tính chuyên nghiệp của QH sẽ được nâng cao.
Trước hết, qua danh sách ứng viên, ta thấy tỉ lệ tái cử cao hơn tương đối so với khóa trước. Nghề làm ĐBQH là một nghề khó. Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ: Trong lúc làm nghề gì cũng phải học cả, thì làm nghề ĐB, hôm trước trúng cử, hôm sau đã phải làm. Mà như vậy thì chỉ có thể học qua công việc và kinh nghiệm. Tại quốc gia có truyền thống nghị trường như Mỹ, một thượng nghị sĩ muốn trở nên thật sự hiệu năng cũng phải mất hai nhiệm kỳ (12 năm!). Như vậy, các ĐB khóa mới trúng cử với tỉ lệ tái cử cao thì năng lực thể chế từ khóa XII sẽ đọng lại nhiều hơn.
Thứ hai, với việc Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử được thành lập và tích tụ kinh nghiệm hoạt động của trung tâm từ khóa trước, khả năng nâng cao năng lực cho các vị ĐBQH thông qua đào tạo là khá hiện thực. Các ĐB có thể là những người rất có trình độ và đã trải qua nhiều vị trí công tác, qua trường đời. Nhưng vào QH, họ cần được trang bị nhiều kỹ năng chuyên biệt: kỹ năng đại diện, kỹ năng lắng nghe và trình bày lại với cử tri; kỹ năng tương tác với cử tri cũng như với các cơ quan chức năng; kỹ năng phát biểu, kỹ năng tranh luận tại nghị trường; kỹ năng lobby… và cả kỹ năng sử dụng các thủ tục, quy trình nghị trường để tác động vào nghị trình, vào chính sách. Tôi tin là khóa mới, Trung tâm Bồi dưỡng đại biểu dân cử sẽ có sự hỗ trợ đắc lực cho các vị ĐBQH.
. Nhiều ý kiến nhận xét rằng ĐBQH khóa XII phát biểu đã chững chạc hơn khóa trước. Vậy có hy vọng những tiến bộ, mạnh dạn hơn ở khóa XIII?
+ Tỉ lệ ứng viên có trình độ học vấn cao cho phép chúng ta hy vọng vào điều đó. Dường như, tỉ lệ các ứng cử viên có bằng cấp trên đại học là cao nhất từ trước đến nay. Với nền học vấn cao, ĐB sẽ xử lý tốt hơn những vấn đề ngày càng phức tạp mà QH đang phải bàn bạc, quyết định.
Ngoài ra, thái độ của cử tri bây giờ cũng tích cực hơn và trình độ cũng cao hơn trước nhiều. Ta thấy cử tri xuất hiện trên báo chí với những đòi hỏi mạnh dạn hơn. Cử tri tích cực giám sát thì chế độ trách nhiệm trước cử tri sẽ được vận hành.
Vừa rồi, qua báo chí, ta thấy nhiều cử tri không được mời nhưng vẫn mạnh dạn tham dự các cuộc tiếp xúc cử tri và có ý kiến rất thẳng thắn. Một số ứng viên cũng đã công khai số điện thoại, địa chỉ nhà riêng, email của mình cho cử tri. Đây là cơ sở quan trọng để cử tri có thể giữ mối liên lạc với các ĐB của mình khi họ trúng cử. Cử tri - ĐB dân cử tương tác được với nhau thì sẽ thiết lập được chế độ trách nhiệm và kể cả những khuyến khích cần thiết. Cứ thế, chuỗi tương tác sẽ tác động mạnh mẽ lên cả hệ thống, tạo bước chuyển biến mới trong nền quản trị quốc gia.
Lãnh đạo sẽ có thông tin nhiều chiều
. Các thông tin về công tác chuẩn bị nhân sự QH khóa XIII cho thấy lần đầu tiên, tất cả ủy viên Bộ Chính trị sẽ đều tham gia QH. Ủy ban Thường vụ QH cũng đều là ủy viên trung ương trở lên. Điều này sẽ tác động thế nào đến quá trình ra quyết định, chính sách ở QH?
+ Tất cả ủy viên thường vụ QH là trung ương thì nghị quyết của Đảng sẽ vào chính sách nhanh hơn, thể chế hóa nhanh hơn. Do đặc điểm thể chế, nên các cơ quan của QH mà người đứng đầu là ủy viên trung ương thì tiếng nói của nó cũng sẽ mạnh mẽ hơn, có trọng lượng hơn.
Về việc tất cả ủy viên Bộ Chính trị đều tham gia QH thì lợi ích dễ thấy nhất là các nhà lãnh đạo cao nhất của đất nước sẽ có được thông tin nhiều chiều hơn qua các cuộc tranh luận tại nghị trường. Đây là điều rất tốt. Có nhiều thông tin hơn và với những thông tin đa chiều hơn thì lãnh đạo dễ sáng suốt hơn.
. Nhiệm kỳ vừa rồi đã chứng kiến việc QH không thông qua một số dự án do Chính phủ trình sang. Với việc tăng số lượng đảng viên cao cấp trong QH thì khóa tới, liệu còn xảy ra những việc như vậy?
+ QH là nơi quyết định theo đa số. Quan trọng là phải thuyết phục được đa số các vị ĐB ủng hộ. Một số dự án chưa được QH thông qua là do cơ quan trình dự án chưa đưa ra được phương án mà đa số các vị ĐB chấp nhận. Như vậy, quan trọng là phải tiếp thu được ý kiến của các vị ĐBQH và phải có sự sửa đổi, bổ sung dự án một cách phù hợp.
Tăng số lượng đảng viên cao cấp thì các đảng viên đó vẫn phải đại diện cho lợi ích của cử tri ở các vùng miền khác nhau. Và vì vậy vẫn phải thuyết phục được các vị ĐB là đảng viên cao cấp đó nếu một dự án muốn được thông qua.
Chống tham nhũng: Đã hứa thì phải tích cực làm
. Ở khóa XII, nhiều nhà lãnh đạo, cả Chính phủ, QH đều nêu một mong muốn về đồng thuận xã hội. Với cách làm nhân sự cho QH khóa XIII, mong muốn này có đạt được không?
+ Đồng thuận xã hội phụ thuộc vào nhân sự chỉ một phần. Phần lớn hơn nằm ở chỗ khác. Chúng ta sẽ có được đồng thuận xã hội khi đông đảo người dân và các tầng lớp xã hội được dự phần trong quá trình ban hành chính sách, pháp luật và trong việc thụ hưởng những thành quả mà quá trình phát triển mang lại.
. Tiếp xúc cử tri, không hẹn mà gặp, ứng viên nào cũng tỏ rõ quyết tâm chống tham nhũng. Làm thế nào để cam kết ấy thể hiện thành hành động?
+ Tâm lý chung thì ứng viên phải gãi đúng chỗ ngứa của cử tri. Tham nhũng đang là vấn đề bức xúc của cả xã hội này, nên đề cập tới thì ứng viên đã “gãi” đúng chỗ. Vấn đề là đã hứa với cử tri thì phải tích cực đấu tranh chống tham nhũng. Việc này đòi hỏi không chỉ sự thông minh, tài giỏi mà còn cả sự dũng cảm. Ngoài ra, đây là một công việc lâu dài.
Và sự giám sát của cử tri là rất quan trọng ở đây. Bởi vì chế độ trách nhiệm trước cử tri là điều kiện không thể thiếu để vận hành nền dân chủ đại diện. Không có một QH chung chung mà là những ĐBQH cụ thể được từng cử tri lựa chọn, ủy quyền cho họ thực thi quyền lực nhà nước.
. Xin cảm ơn ông.

Đảm bảo sự giải trình liên tục

. Số thành viên Chính phủ ứng cử vào QH khóa XIII có vẻ ít hơn trước. Đang có ý kiến khác nhau về vấn đề này. Ông nghĩ thế nào?
+ Theo tôi, các thành viên Chính phủ nên tham gia QH. Chúng ta thiết kế nhà nước theo mô hình Chính phủ chịu trách nhiệm trước QH, chứ không phải mô hình cả Chính phủ và QH đều chịu trách nhiệm trước dân. Mà như vậy thì sự tham gia của các thành viên Chính phủ vào QH là rất quan trọng.
Có như vậy mới bảo đảm sự tương tác giữa Chính phủ và QH và sự giải trình liên tục của Chính phủ với QH trong quá trình hình thành chính sách, pháp luật. Vấn đề là những người thuộc cấp dưới của Chính phủ (các quan chức hành chính) thì không nên tham gia nhiều vào QH vì sẽ xảy ra xung đột lợi ích. (Rõ ràng, các vị này không có vị thế để giám sát Chính phủ).
Theo Nghĩa Nhân/Pháp luật TPHCM