Lãnh đạo Bệnh viện 354 trả lời về vụ "mất tích xác chết"

08/06/2011 23:47
(GDVN) – Bệnh viện 354 thừa nhận đã không đánh số, gắn thẻ cụ thể cho từng thi thể khi được tiếp nhận bảo quản tại Nhà tang lễ nên để xảy ra sự việc đáng tiếc.

(GDVN) – Bệnh viện 354 thừa nhận đã không đánh số, gắn thẻ cụ thể cho từng thi thể khi được tiếp nhận bảo quản tại Nhà tang lễ nên để xảy ra sự việc đáng tiếc này…

{iarelatednews articleid='4216,4204'}

Trao đổi với phóng viên Báo giáo dục Việt Nam cuối giờ chiều ngày 8/6, Thượng tá Nguyễn Ngọc Du – Chủ nhiệm chính trị Bệnh viện 354 đã nhận trách nhiệm về sự việc hy hữu xảy ra tại Nhà tang lễ của bệnh viện này.

Theo ông Du, khi người nhà đưa tử thi tới thì nhân viên Nhà tang lễ sẽ làm thủ tục tiếp nhận và đưa vào tủ bảo ôn được đánh số (Nhà tang lễ của bệnh viện 354 có 4 tủ xác). Sau khi tiếp nhận thi thể, hai bên sẽ làm thủ tục hợp đồng hẹn ngày làm tang lễ. Khi tổ chức tang lễ, chỉ khi người nhà vào xác nhận xác của người nhà mình thì thi thể mới được đưa ra ngoài, tiến hành thay quần áo và hóa trang.

alt
Buổi làm việc giữa lãnh đạo bệnh viện với đại diện gia đình có thi hài "bị mất tích" sáng ngày 8/6.
"Trường hợp gia đình ông Trần Mai cũng được tiến hành như vậy. Ông Mai cũng công nhận ngày 7/6 chính ông và một người con dâu cụ Huân vào nhận xác bà cụ, và cả hai đều nhận đó đúng là thi hài cụ Huân. Sau đó, nhân viên mới đưa cụ sang phòng khác để trang điểm. Đặc biệt là tôi không thể hiểu nổi vì sao, sau khi cụ được trang điểm xong thì khoảng thời gian đợi liệm, cụ được đưa ra ngoài khu tổ chức tang lễ trong thời gian tối thiểu cũng là 20 phút. Để con cháu nhìn mặt cụ lần cuối trước khi làm lễ nhập quan vậy mà con cháu cụ lại không phát hiện ra là nhầm đươc. Đây là điều quá là lạ”, ông Du nói.

Ông Du cho biết, khi nhận lại thi thể thì giữa Ban quản lý nhà xác và gia đình cũng có biên bản bàn giao thi thể. Tuy nhiên, trả lời câu hỏi của Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về việc có đánh dấu hay đeo số vào cụ thể từng thi thể và cho gia đình biết số thứ tự đó hay không thì ông Du thừa nhận tại nhà xác của Nhà tang lễ không thực hiện điều này mà chỉ đưa xác vào các tủ bảo ôn đã được xếp theo số thứ tự.

Qua sự việc này, lãnh đạo bệnh viện 354 sẽ thành lập hội đồng bao gồm các ban họp rút kinh nghiệm, xem xét, đánh giá và đưa ra kết luận đối với bộ phận nào, cá nhân nào có thiếu sót, sai sót thì sẽ xử lý tùy theo mức độ. Và sau sự việc này, Bệnh viện sẽ phải xem xét lại các biện pháp bảo quản cũng như tiếp nhận tử thi. Đồng thời, lãnh đạo bệnh viện sẽ phải rút kinh nghiệm sâu sắc.

Cũng theo lời ông Du, trong việc này có một phần trách nhiệm thuộc về phía Ban quản lý Nhà tang lễ. Bệnh viện sẽ đứng ra làm mọi thủ tục để giải quyết cho 2 gia đình để làm sao đảm bảo được chu đáo cho hai bên gia đình.

Theo nguồn tin riêng của PV Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, đến chiều ngày 8/6, qua những hình ảnh chụp thi thể trước khi khâm liệm, gia đình ông Vũ Ngọc Khánh (con trai cụ Nguyễn Thị Thơm) xác nhận thi thể mà gia đình ông Mai đã hỏa tang đúng là cụ Thơm.

Vợ của ông Trần Mai cho biết: “Gia đình tôi cũng có lỗi mà bên bệnh viện 354 chỉ có lỗi quản lý chưa khoa học. Sự việc vốn là: gia đình tôi có cử cô con dâu của cụ (cụ Trần Thị Huân) vào nhận thi thể của cụ vì lúc sống cụ và cô này rất hợp nhau. Và gia đình tôi cũng có xem tuổi thì thấy tuổi của cô hợp tuổi cụ nên mới cử cô ấy vào. Nhưng chẳng hiểu sao cô ấy lại nhầm.

Cũng có lẽ tại khi mất rồi, hình dạng của cụ cũng có thể bị biến dạng chút ít và cô con dâu vào nhìn thấy có thi hài giống mẹ mình quá như thế thì khóc lóc nên cũng không đủ tỉnh táo để nhận ra mẹ mình mà bị nhầm lẫn với cụ bên gia đình kia.

Gia đình tôi sống phúc đức, hai cụ lúc còn sống đều là cán bộ lão thành. Giờ lại xảy ra việc như thế này là việc không may. Đúng là lỗi từ gia đình tôi. Lúc nãy nhà tôi (ông Trần Mai) có điện về bảo gia đình bên kia cũng đã đồng ý việc trao đổi hài cốt giữa hai gia đình. Tôi bớt lo đi bao nhiêu. Gia đình có tang buồn, giờ gặp chuyện buồn này cứ rối tung lên”.

Tuệ Minh

Nam Phong