Lãnh đạo có tâm có tầm sẽ không sợ lấy phiếu tín nhiệm

21/11/2014 07:35
Ngọc Quang
(GDVN) - Nhiều Đại biểu Quốc hội tiếp tục đề nghị chỉ nên lấy phiếu tín nhiệm ở hai mức, thậm chí còn phải nói rõ là “không tín nhiệm”.

Nên lấy phiếu 2 lần trong một nhiệm kỳ

Báo cáo giải trình, tiếp thu trước Quốc hội nội dung dự thảo Nghị quyết 35 về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn chiều 20/11, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết: Giữ nguyên 3 mức đánh giá “tín nhiệm cao”, “tín nhiệm”, “tín nhiệm thấp” và chỉ tổ chức lấy phiếu tín nhiệm một lần trong một nhiệm kỳ.

Tuy nhiên, nhiều đại biểu đã bày tỏ quan điểm không đồng tình với quy định chỉ lấy phiếu tín nhiệm một lần trong cả nhiệm kỳ như trong dự thảo. Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội) cho biết, rất nhiều cử tri đề nghị mỗi nhiệm kỳ nên lấy phiếu tín nhiệm 2 lần.

“Lần thứ nhất là cuối năm thứ 2 nhiệm kỳ và lần thứ 2 là cuối năm thứ 4 nhiệm kỳ. Quá trình giãn ra đủ để những người được lấy phiếu tín nhiệm phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Lấy phiếu tín nhiệm lần 2 tương tự như tái giám sát các cuộc giám sát của đoàn đại biểu Quốc hội. Lần thứ nhất lấy phiếu tín nhiệm, lần thứ 2 tái giám sát để xem các vị đã tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội ra sao, chuyển biến như thế nào", ông Hà phân tích.

Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội). Ảnh: TTBC.
Đại biểu Chu Sơn Hà (đoàn Hà Nội). Ảnh: TTBC.

Cũng theo Đại biểu Chu Sơn Hà, lần đầu lấy phiếu tín nhiệm nên là cuối năm thứ 2 của nhiệm kỳ. Lúc này, các Bộ trưởng, trưởng ngành đã có đủ thời gian để nắm bắt công việc và thực hiện nhiệm vụ do Quốc hội giao.

"Hai năm tiếp theo, căn cứ vào kết quả tín nhiệm, những người được lấy phiếu tín nhiệm sẽ khắc phục, đẩy mạnh thực hiện nhiệm vụ. Và lần lấy phiếu tín nhiệm thứ hai được tổ chức vào cuối năm thứ 4 để lấy kết quả phục vụ cho đại hội Đảng các cấp. Đây là một kênh quan trọng để người dân có căn cứ đánh giá năng lực, phẩm chất đạo đức cán bộ”, ông Hà nhận nói.

Đại biểu Bùi Thị An (Hà Nội): "Nếu chỉ thực hiện một lần mỗi nhiệm kỳ thì sự theo dõi, đánh giá các chức danh không liên tục, người được lấy phiếu không khắc phục được khiếm khuyết của mình. Lãnh đạo có tầm có tâm sẽ coi lấy phiếu là cơ hội để khắc phục khuyết điểm chứ không có gì nặng nề".

Đồng quan điểm trên, Đại biểu Trịnh Trịnh Thế Khiết (đoàn Hà Nội) cũng đề nghị lấy phiếu tín nhiệm hai lần mỗi nhiệm kỳ vào năm thứ 2 và thứ 4. Việc lấy phiếu có tác động lớn với các đại biểu, tín nhiệm cao sẽ phát huy hiệu quả tốt hơn, nếu chưa cao sẽ giúp họ cố gắng hơn.

“Khi tiếp xúc cử tri, đa số cử tri cho rằng chỉ nên quy định ở hai mức, quy định như vậy sẽ có tác động mạnh mẽ đối với người được lấy phiếu”, ông Khiết nhấn mạnh.

Cả ba mức đều khẳng định... tín nhiệm

Trao đổi với phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, GS. Nguyễn Minh Thuyết – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã nhận định, hình thức lấy phiếu ở ba mức (tín nhiệm cao – tín nhiệm – tín nhiệm thấp) là không đúng về mặt kỹ thuật, vì “tín nhiệm thấp” vẫn được hiểu là tín nhiệm. Vì vậy, Quốc hội cần phải có mục ghi rõ là “không tín nhiệm”.

GS Thuyết phân tích: “Theo tôi, không nên lấy phiếu tín nhiệm tới 50 chức danh. Nhiều vị trí không trực tiếp điều hành bộ máy hành pháp, tư pháp như các chức danh bên Quốc hội, thậm chí toàn thể đại biểu Quốc hội, nên để cử tri đánh giá. Nếu để cử tri đánh giá, cử tri sẽ gây sức ép lên đại biểu và đại biểu buộc phải đòi hỏi Chính phủ thực hiện các giải pháp có hiệu quả cao trong điều hành kinh tế xã hội…

Còn để thực hiện bỏ phiếu tín nhiệm đối với những chức danh bên hành pháp, tư pháp thì vào đầu kỳ họp, Quốc hội phát phiếu thăm dò cho đại biểu; nếu có từ 20% đại biểu trở lên đề nghị bỏ phiếu (bất) tín nhiệm đối với người giữ chức danh nào đó thì Quốc hội sẽ tiến hành phiên chất vấn để nghe người giữ chức danh đó giải trình, rồi thảo luận và biểu quyết xem có tiến hành bỏ phiếu (bất) tín nhiệm đối với người đó không. Nếu có trên 50% đại biểu Quốc hội nhất trí thì Quốc hội sẽ tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm; và nếu bị 2/3 tổng số đại biểu bất tín nhiệm thì người đó bị Quốc hội bãi nhiệm. Đối với những người đang thực hiện tốt nhiệm vụ của mình, không bị đại biểu yêu cầu bỏ phiếu (bất) tín nhiệm thì không cần đưa ra lấy phiếu như hiện nay”.

Cùng chung quan điểm này, bà Lê Thị Nga - Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp (đại biểu đoàn Thái Nguyên) cho rằng, quy định 3 mức tín nhiệm dẫn đến hệ quả, chưa cần tiến hành lấy phiếu đã mặc định kết quả là tất cả các chức danh đều được tín nhiệm, việc lấy phiếu chỉ còn có ý nghĩa xác định tín nhiệm cao, vừa, hay thấp.

“Sau cả năm thực thi nhiệm vụ, có những lĩnh vực chuyển biến tích cực, có lĩnh vực chưa chuyển biến nhiều, thậm chí một số mặt có dấu hiệu đi xuống, vậy thì dựa trên căn cứ thực tiễn nào, căn cứ khoa học và pháp lý nào mà Quốc hội lại ấn định là tất cả những người đứng đầu đều mặc nhiên được tín nhiệm trước khi lấy phiếu?", bà Nga đặt vấn đề.

Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: TTO.
Đại biểu Quốc hội Lê Thị Nga. Ảnh: TTO.

Từ phân tích trên, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp đề nghị, cần phải có mức phiếu “không tín nhiệm” để phù hợp với quy định đánh giá cán bộ “không hoàn thành nhiệm vụ” thể hiện tại Điều 29 Luật cán bộ, công chức.

“Nếu không có quy định “không tín nhiệm” thì vô hình chung đã hạn chế quyền của đại biểu Quốc hội, hạn chế luôn cả quyền của cử tri vì lá phiếu đánh giá là thực hiện sự ủy nhiệm của cử tri. Đại biểu không có cách nào để thể hiện chính kiến của mình vì nếu ghi thêm chữ “không tín nhiệm” thì phiếu trở thành không hợp lệ. Chỉ cần quy định 2 mức đánh giá tín nhiệm và không tín nhiệm”, bà Nga nhấn mạnh.

Ngọc Quang