Lãnh đạo ĐHQGHN lên tiếng về kết luận của Thanh tra Chính phủ

20/06/2012 07:26
TC (tổng hợp từ Dân trí, Tuổi trẻ)
(GDVN) -  Trả lời về những kết luận của Thanh tra Chính phủ, GS.TSKH Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN cho rằng: “Kết luận của Thanh tra Chính phủ về liên doanh, liên kết đào tạo của ĐH QGHN như vậy là quy chụp, có nhiều điểm khuất tất”.
Thanh tra CP kiến nghị: Không công nhận 2.000 bằng cử nhân, thạc sĩ liên kết
Trong liên kết đào tạo tại ĐH QGHN, Thanh tra Chính phủ xác định có dấu hiệu vi phạm pháp luật. Đặc biệt, tại Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC), từ năm 2008 - 2010 trung tâm được ĐH QGHN cho thực hiện liên kết đào tạo hệ cử nhân (159 sinh viên) và thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA với 2035 học viên) với 2 đối tác nước ngoài là ĐH Griggs và ĐH Delaware. Hoạt động liên kết đào tạo đại học và sau đại học của ETC thu 283,355 tỷ đồng, đã chi cho các nội dung là 283,372 tỷ đồng.
Lễ trao bằng tốt nghiệp cho các khóa học của chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế liên kết giữa ETC và Đại học Griggs tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 12 và 13-3-2012 - Nguồn: http://www.etc.edu.vn/
Lễ trao bằng tốt nghiệp cho các khóa học của chương trình đào tạo thạc sĩ quản trị kinh doanh quốc tế liên kết giữa ETC và Đại học Griggs tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám ngày 12 và 13-3-2012 - Nguồn: http://www.etc.edu.vn/

Qua thanh tra quản lý tài chính ở ETC thấy vi phạm như ETC thực hiện hợp đồng liên kết đào tạo với ĐH Griggs có trụ sở tại Hoa Kỳ. ETC chi trả cho ĐH Griggs 177,8 tỷ đồng, khoảng 70% giá trị khối lượng công việc thực hiện trong khi đó ĐH Griggs chỉ thực hiện 30 - 40% khối lượng công việc hợp đồng. ETC không chuyển tiền cho ĐH Griggs mà lại chuyển tiền về một tài khoản trung gian không rõ ràng ở Singapore. Thanh tra Chính phủ có căn cứ bước đầu xác định tài khoản này có liên quan đến bà Nguyễn Quang Hòa Bình - Giám đốc ETC.
Việc hợp đồng liên kết đào tạo tuyển sinh, quản lý, tổ chức lớp học và dịch vụ. Qua kiểm tra hồ sơ, tài liệu hợp đồng tuyển sinh, quản lý, tổ chức lớp học thấy ETC vừa tổ chức tuyển sinh, quản lý lớp học vừa ký hợp đồng liên kết tuyển sinh, quản lý, tổ chức lớp học với 06 đơn vị có dấu hiệu vi phạm pháp luật.

Căn cứ những tài liệu hồ sơ tại ETC và các tài liệu xác minh tại các cơ quan liên quan, việc bà Nguyễn Quang Hòa Bình - giám đốc trung tâm ETC và ông Nguyễn Việt Anh - Phó giám đốc ETC lập hợp đồng mức phí trái với quy định tại Thông tư số 130 của Bộ Tài chính, có nhiều nội dung không làm nhưng vẫn thanh toán đủ số tiền cho công ty do chính họ làm giám đốc với số tiền trên 25 tỷ đồng có dấu hiệu vi phạm Điều 37 Luật Phòng, chống tham nhũng và Điều 278 và 281 Bộ Luật hình sự.
Cũng qua kiểm tra Hợp đồng thuê xe ô tô với Công ty cổ phần đầu tư, ứng dụng và phát triển công nghệ mới là Công ty do giám đốc và ban lãnh đạo ETC quản lý, điều hành để thuê thường xuyên 2 xe ô tô Mecedes R350 và xe Mitsubishi. Trong đó ô tô Mecedes R350 phục vụ giám đốc là trái quy định tiêu chuẩn của nhà nước. Số tiền chỉ chi cho thuê xe trong 2 năm 2008 - 2010 là 1,018 tỷ đồng.
Thanh tra cũng kết luận, việc Giám đốc ĐHQGHN ký quyết định bổ nhiệm bà Nguyễn Quang Hòa Bình và ông Nguyễn Việt Anh có dấu hiệu vi phạm quy định tại tiết b, khoản 1, Điều 37 của Luật phòng chống tham nhũng.
Qua kiểm tra tại ĐH Kinh tế - ĐH QGHN, Thanh tra phát hiện đối với hai lớp đào tạo thạc sĩ chuyên ngành quản lý công của dự án “Nâng cao chất lượng hoạch định và thực hiện chính sách giảm nghèo vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi” do đối tác nước ngoài tài trợ cho Chương trình 135 giai đoạn II, TTCP xác định trong danh sách học viên có 15 người không thuộc đối tượng được cử. TTCP cũng xác định việc tuyển sinh, hoạt động giảng dạy do ETC ký kết hợp đồng tổ chức liên kết đào tạo hệ ĐH, sau ĐH là trái quy định, đề nghị đình chỉ tuyển sinh và chấm dứt hoạt động giảng dạy. Trong số liên kết chỉ có một số trường có thứ hạng, còn lại hầu hết đối tác liên kết chưa được xếp hạng hoặc có thứ hạng thấp hơn các trường của Việt Nam. Kết quả thanh tra cho thấy, việc dễ dãi từ khâu tuyển sinh, đánh giá kết quả học tập và cấp bằng vi phạm các quy định của pháp luật Việt Nam, hạ thấp chất lượng đào tạo, không phải thi đầu vào, không giảng dạy bằng tiếng nước ngoài, không làm và bảo vệ luận văn… Đặc biệt, tất cả các chương trình Liên kết đào tạo sau đại học không có thời gian nghiên cứu học tập ở trường nước ngoài theo quy định. Từ năm 2006 đến năm 2010 đã có hàng ngàn bằng thạc sỹ được cấp cho người học Việt Nam qua hình thức đào tạo này. Về quản lý tài chính trong liên kết đào tạo (trong và ngoài nước) ở ĐH QGHN: Quy định các đơn vị trực thuộc trích tỷ lệ % số thu kinh phí và dịch vụ nộp về văn phòng ĐH QGHN, thu 0,15% kinh phí ngân sách nhà nước để chi dịp Tết Tân Mão 2011. Việc ETC thanh toán chi phí cho ĐH Griggs vào tài khoản trung gian ở Singapore, việc hợp đồng liên kết tuyển sinh, quản lý, tổ chức lớp học và dịch… cần được xem xét để xử lý nghiêm khắc, đúng quy định của pháp luật. TTCP cũng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo Bộ Giáo dục - đào tạo xem xét quyết định không công nhận bằng cử nhân, thạc sĩ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo với ETC đã cấp cho học viên với tổng số hơn 2.000 bằng...
Trụ sở Đại học Quốc gia Hà Nội (Nguồn ảnh: vnu.edu.vn)
Trụ sở Đại học Quốc gia Hà Nội (Nguồn ảnh: vnu.edu.vn)

Kết thúc cuộc thanh tra này, ngoài các kiến nghị trên TTCP kiến nghị thanh tra toàn diện việc liên kết đào tạo quốc tế, có biện pháp xử lý đối với các chương trình chưa có giấy phép nhưng vẫn tuyển sinh và đào tạo từ năm 2006 đến nay. Kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo kiểm điểm, xác định trách nhiệm của giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội trong việc ban hành văn bản trái quy định, cấp phép cho các đơn vị trực thuộc liên kết nước ngoài trái thẩm quyền, vi phạm điều kiện tuyển sinh, quy chế đào tạo sau ĐH... Về kinh tế, TTCP kiến nghị giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội có trách nhiệm nộp 21,373 tỉ đồng thu trái quy định; yêu cầu Ủy ban Dân tộc có trách nhiệm thu hồi kinh phí 15 học viên không đúng đối tượng học lớp thạc sĩ quản lý công tại Trường ĐH Kinh tế, trị giá 9.900 USD/người, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31/7/2012. TTCP chuyển hồ sơ, tài liệu liên quan đến việc thực hiện hợp đồng của ETC với Công ty cổ phần đầu tư phát triển giáo dục và du lịch sinh thái - Vietedu, Công ty Cổ phần giáo dục tiến bộ toàn cầu và Công ty cổ phần đầu tư, ứng dụng và Phát triển công nghệ mới có dấu hiệu vi phạm Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng, Điều 278 và Điều 281 Bộ Luật hình sự cho Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng Bộ Công an tiếp tục điều tra làm rõ và xử lý theo pháp luật. Đồng thời xác minh làm rõ các hợp đồng còn lại của ETC với các đơn vị là Công ty cổ phần đào tạo Asem link, Viện Đào tạo và ứng dụng công nghệ - NIIT và trường CĐ Điện lực TPHCM."Kết luận như vậy là quy chụp, có nhiều điểm khuất tất" Trong khi đó, trả lời trên báo điện tử Dân trí, GS.TS Vũ Minh Giang, Phó Giám đốc ĐHQGHN lại cho rằng, đến thời điểm này Đại học Quốc gia Hà Nội (ĐH QGHN) chưa nhận được bản kết luận của Thanh tra Chính phủ về việc liên doanh, liên kết mà chỉ biết kết luận trên báo chí đăng tải. “Chúng tôi không biết cụ thể thế nào về kết luận của Thanh tra vì chưa có bản kết luận đó. Nhưng xem trên báo chí tôi thấy kết luận rất quy chụp, rất bất bình thường, có nhiều điểm khuất tất và cần thảo luận lại toàn bộ nội dung. Kết luận ở đây không am hiểu hệ thống giáo dục Việt Nam, thẩm quyền ĐH QGHN, vận dụng quy định của Việt Nam áp dụng với các trường ĐH nước ngoài… Dẫn quy chế đào tạo của Việt Nam xem xét chuyện đầu vào của trường đại học nước ngoài như vậy không đúng. Quy chế đào tạo của Việt Nam là vận dụng cho Việt Nam chứ không vận dụng cho đào tạo nước ngoài. Nếu vận dụng như vậy rất buồn cười” - ông Giang cho hay. Cũng theo ông Giang, thường các trường ĐH nước ngoài đều thiết kế hai chương trình đào tạo bậc thạc sĩ là định hướng nghiên cứu và định hướng thực hành. Làm luận văn chỉ dành cho thạc sĩ định hướng nghiên cứu, còn chương trình định hướng thực hành cần dành thời lượng cho các môn học và nội dung thực hành nên chỉ viết tiểu luận tốt nghiệp. Kết luận nói không theo quy định của Việt Nam như vậy không am hiểu. Tới đây Việt Nam sẽ triển khai theo hướng này. Về việc đảm bảo quyền lợi cho hơn 2.000 học viên tại Trung tâm Công nghệ đào tạo và Hệ thống việc làm (ETC) mà Thanh tra Chính phủ kiến nghị xem xét không công nhận bằng cử nhân, thạc sỹ do đối tác nước ngoài liên kết đào tạo, ông Giang cho biết: “ĐH QGHN có trách nhiệm làm rõ kết luận của Thanh tra vì có nhiều khuất tất. ĐH QGHN có trách nhiệm với quyết định của mình”.
Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc diễn biến mới nhất về vụ việc này....
TC (tổng hợp từ Dân trí, Tuổi trẻ)