Lao động nước ngoài đóng Bảo hiểm xã hội là một chính sách văn minh

22/07/2017 14:09
Diệu Linh
(GDVN) - Theo quy định, lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam được tham gia Bảo hiểm xã hội từ 1/1/2018.

Không lo đóng trùng 

Việc đóng Bảo hiểm xã hội cho những lao động này chỉ được thực hiện khi có Nghị định hướng dẫn và áp dụng đối với các quốc gia có ký hiệp định song phương về Bảo hiểm xã hội với Việt Nam.

Theo quy định tại Khoản 2, Điều 2 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Lao động nước ngoài đóng Bảo hiểm xã hội tại Việt Nam là một chính sách văn minh. ảnh minh họa: HG.
Lao động nước ngoài đóng Bảo hiểm xã hội tại Việt Nam là một chính sách văn minh. ảnh minh họa: HG.

Quy định này có hiệu lực thực hiện từ 1/1/2018. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) có sử dụng nhiều người lao động nước ngoài vẫn băn khoăn về việc có bắt buộc thực hiện ngay từ thời điểm trên hay không và lao động nào thuộc diện bắt buộc tham gia?

Đại diện Công ty nước ngoài (Khu công nghiệp Tân Thuận, quận 7, Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng, để thực hiện quy định này, cần phải phân loại người lao động xem họ thuộc diện di chuyển nội bộ doanh nghiệp (quyết định bổ nhiệm, điều động sang làm việc tại Việt Nam) hay thuộc diện ký kết hợp đồng lao động để làm việc tại Việt Nam.

Cả hai trường hợp này đều được cấp giấy phép lao động, song nếu có quyết định bổ nhiệm, điều động làm việc tại Việt Nam, nghĩa là người đó đã được công ty mẹ đảm bảo các chế độ ở nước sở tại. Đối tượng này nếu đóng Bảo hiểm xã hội tại Việt Nam là sẽ đóng 2 lần.

Lao động nước ngoài đóng Bảo hiểm xã hội là một chính sách văn minh ảnh 2

Quy định chi hoạt động quản lý Bảo hiểm xã hội Việt Nam

Một doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam chia sẻ, việc thực hiện Bảo hiểm xã hội đối với người nước ngoài làm việc tại Việt Nam giống như người lao động Việt Nam, chính là nhằm bảo vệ quyền lợi người lao động.

Tuy nhiên, nếu đóng Bảo hiểm xã hội ở cả 2 nước là không cần thiết, bởi phần lớn lao động nước ngoài chỉ làm việc ngắn hạn tại Việt Nam (3 - 4 năm), nên hiệu quả rất thấp, thậm chí có thể tạo gánh nặng cho doanh nghiệp và người lao động.

Chính vì vậy, đại diện công ty này cho rằng, nên thay đổi quy định “bắt buộc” thành “tự nguyện” trong việc tham gia Bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài.

Chia sẻ về những băn khoăn, thắc mắc trên, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam – ông Trần Đình Liệu cho biết, việc đóng Bảo hiểm xã hội cho lao động người nước ngoài làm việc tại Việt Nam chỉ được thực hiện khi hội đủ các điều kiện cần thiết, như phải có nghị định hướng dẫn và chỉ áp dụng đối với những quốc gia có ký hiệp định song phương về Bảo hiểm xã hội với Việt Nam.

Hiện nay, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đang chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, đơn vị liên quan xây dựng dự thảo nghị định quy định về thực hiện chính sách Bảo hiểm xã hội đối với người lao động là người nước ngoài để trình Chính phủ.

Bảo hiểm xã hội Việt Nam sẽ tham gia góp ý đối với từng nội dung cụ thể nhằm tổ chức thực hiện thống nhất.

Phó Tổng Giám đốc Trần Đình Liệu cũng khẳng định, việc tham gia Bảo hiểm xã hội cho người lao động nước ngoài là xu thế hội nhập, là đòi hỏi từ thực tế nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động cũng như góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Riêng đối với những trường hợp di chuyển trong nội bộ doanh nghiệp và đang tham gia Bảo hiểm xã hội ở nước sở tại thì sẽ không thuộc đối tượng tham gia Bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Không gia hạn giấy phép lao động, được hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần

Theo dự thảo Nghị định được lấy ý kiến rộng rãi về việc áp dụng đóng Bảo hiểm xã hội đối với người lao động nước ngoài tại Việt Nam:

Người lao động nước ngoài nêu trên phải tham gia 5 chế độ Bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội, như: Ốm đau, thai sản, chế độ tai nạn lao động - bệnh nghề nghiệp, hưu trí, tử tuất.

Dự thảo Nghị định cũng quy định mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc hàng tháng trên quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội của người lao động như sau: 3% vào quỹ ốm đau và thai sản, tối đa bằng 1% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mức cụ thể do Chính phủ quy định, 14% vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Đặc biệt, người lao động nước ngoài cũng được hưởng chế độ Bảo hiểm xã hội một lần, khi: Hết thời hạn của hợp đồng lao động hoặc hết thời hạn của giấy phép lao động mà không tiếp tục làm việc theo hợp đồng lao động hoặc không làm thủ tục để gia hạn giấy phép lao động, nếu có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

Dự thảo Nghị định cũng quy định: Tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội là mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác theo quy định của pháp luật về lao động.

Trường hợp tiền lương tháng cao hơn 20 lần mức lương cơ sở thì tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội bằng 20 lần mức lương cơ sở.

Về mức đóng Bảo hiểm xã hội bắt buộc, lao động nước ngoài đóng hàng tháng đóng bằng 8% mức tiền lương tháng vào quỹ hưu trí và tử tuất.

Lao động người Việt Nam đóng 10,5 % mức lương, gồm: 8 % vào quỹ Bảo hiểm xã hội, 1,5 % vào quỹ Bảo hiểm y tế và 1 % vào quỹ Bảo hiểm thất nghiệp.

Trường hợp người lao động không làm việc và không hưởng tiền lương từ 14 ngày làm việc trở lên trong tháng thì không đóng bảo hiểm xã hội tháng đó.

Thời gian này không được tính để hưởng bảo hiểm xã hội, trừ trường hợp nghỉ việc hưởng chế độ thai sản.

Diệu Linh