Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:

"Lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ đánh giá khách quan, công tâm"

20/05/2013 10:32
Mai Nguyễn
(GDVN) - “Từ kết quả lấy phiếu tín nhiệm, mỗi đại biểu sẽ thấy được trách nhiệm để tiếp tục nâng cao năng lực, phẩm chất đạo đức của mình, đáp ứng được sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân” – Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh.
Phát biểu khai mạc kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá XIII diễn ra vào sáng 20/5, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nói, kỳ họp thứ 5 (quốc hội khóa XIII) được tiến hành trong thời điểm tình hình kinh tế thế giới đã phục hồi nhưng vẫn còn nhiều khó khăn. Bên cạnh đó nền kinh tế trong nước đã có sự tăng trưởng, lạm phát ổn định, kim ngạch xuất khẩu tăng, an sinh xã hội được đảm bảo, chủ quyền lãnh thổ được giữ vững… Nhưng kinh tế vĩ mô vẫn chưa đảm bảo, tình hình kinh tế còn khó khăn, nợ xấu còn chậm được giải quyết, hàng tồn vẫn kho lớn, doanh nghiệp còn giải thể nhiều, việc làm và thu nhập của một bộ phận người lao động còn gặp nhiều khó khăn…
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng
“Tình hình đó đòi hỏi chúng ta phải đoàn kết một lòng để thực hiện thắng lợi kinh tế năm 2013, tạo đà cho những năm sau”. Chủ tịch Quốc hội cho rằng tại kỳ họp này Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến nhiều nội dung rất quang trọng, tác động đến mọi mặt của đời sống nhân dân.
Cũng liên quan đến nhân sự, ngày 23.5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ đọc Tờ trình và sau đó Quốc hội sẽ thực hiện miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ tài chính đối với ông Vương Đình Huệ (được phân công giữ chức Trưởng Ban Kinh tế TƯ).
Đặc biệt là việc tiếp tục cho ý kiến dự thảo sửa đổi Luật Hiến pháp 1992 sửa đổi trên cơ sở tiếp tục lấy ý kiến của mọi tầng lớp nhân dân. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, việc lấy ý kiến nhân dân được xác định là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, các cấp trong tổ chức chính trị. Việc lấy ý kiến đã trở thành đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, được tổ chức dưới nhiều hình thức thích hợp. “Đồng bào chiến sĩ trong ngoài nước đã tham gia góp ý sửa luật hiến pháp, đóng góp nhiều ý kiến thiết thực. Ủy ban dư thảo sửa hiến pháp ghi nhận những ý kiến đóng góp, thể hiện ý kiến của nhân dân, tiếp thu giải trình đầy đủ thấu đáo trong quá trình lấy ý kiến”. Cũng tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét những nội dung xoay quanh Luật đất đai sửa đổi. Đây là luật rất quan trọng vì nó tác động đến mọi mặt kinh tế và đời sống của nhân dân. Tại kỳ họp thứ 4 vừa qua, Quốc hội đa dành nhiều thời gian cho ý kiến về Luật đất đai sửa đổi, tổ chức lấy ý kiến rộng rãi nhân dân, các ngành, các cấp, các tổ chức doanh nghiệp. Thường vụ Quốc hội các đại biểu tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân, đảm bảo tính khả thi, khắc phục những bất cập của luật hiện nay. Tại kỳ họp này, một vấn đề quan trọng khác được Chủ tịch Quốc hội đề cập trong buổi khai mạc kỳ họp là việc tổ chức lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội bầu hoặc phê chuẩn. Đây là đổi mới quan trọng trong đời sống chính trị đất nước nhằm thực hiện chủ trương của Đảng, các quy định của pháp luật, đề cao quyền làm chủ của nhân dân thông qua việc thực hiện quyền giám sát của Quốc hội đối với những cán bộ chủ chốt của Đảng và Nhà nước. “Trên cơ sở nghiên cứu, nắm bắt đầy đủ thông tin, tuân thủ quy trình, thủ tục lấy phiếu tín nhiệm, Quốc hội sẽ dành thời gian thảo luận, đánh giá một cách thận trọng, khách quan, công tâm, thể hiện mức độ tín nhiệm đối với các vị được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm. Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ giúp người được lấy phiếu tín nhiệm thấy được mức độ tín nhiệm của mình để tiếp tục phấn đấu, rèn luyện phẩm chất, năng lực, nâng cao hiệu quả hoạt động. Đây sẽ là một nội dung hoạt động quan trọng, thường niên của Quốc hội” – Chủ tịch nói. Ngoài ra kỳ họp thứ 5 này Quốc hội còn xem xét các báo cáo bổ sung của Chính phủ về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước. Thông qua 10 dự án luật, nghị quyết, điều chỉnh chương trình xây dựng luật pháp lệnh và cho ý kiến 7 dự án luật khác. Quốc hội còn dành thời gian giám sát chuyên đề chống lãng phí. Xem xét một số kết quả giám sát và giải quyết kiến nghị của cử tri tại kỳ họp này.
Tờ Lao động dẫn nguồn tin: Tại kỳ họp này, sẽ có 9 phiên họp toàn thể tại hội trường được truyền hình, phát thanh trực tiếp tới cử tri và nhân dân cả nước. Đây là những phiên thảo luận những vấn đề mà cử tri và nhân dân quan tâm, bao gồm: Thảo luận về dự án Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, kết quả giám sát việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong sử dụng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ cho đầu tư xây dựng cơ bản, giai đoạn 2006-2012; Thảo luận về Luật Đất đai; Thảo luận về báo cáo kết quả giám sát việc giải quyết kiến nghị cử tri; Thảo luận về đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước năm 2012; việc triển khai thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2013; Các phiên chất vấn và trả lời chất vấn.
Mai Nguyễn