Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ hợp tác với Mỹ tích cực và chủ động hơn

21/01/2013 07:34
Đông Bình
(GDVN) - Nhật đang tỏ rõ quyết tâm có quyền tự vệ tập thể, tăng cường hợp tác với Mỹ, tăng cường khả năng quốc phòng để bảo vệ lãnh thổ, lãnh hải.
Trung đoàn nhảy dù duy nhất của Nhật Bản vừa tổ chức diễn tập
Trung đoàn nhảy dù duy nhất của Nhật Bản vừa tổ chức diễn tập

Tờ “China News” Trung Quốc vừa có bài viết dẫn các nguồn tin cho rằng, Mỹ và Nhật Bản đang tiến hành bàn bạc, trao đổi về việc sửa đổi Phương châm hợp tác quốc phòng hai nước nhằm mở rộng hợp tác quân sự, ứng phó với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên và sức mạnh quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc.

Trong khuôn khổ hợp tác mới, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản sẽ đóng vai trò tích cực hơn. Có nhà phân tích cho rằng, theo đó, nhà cầm quyền Nhật Bản sẽ tìm được lý do tốt nhất để sửa đổi Hiến pháp hòa bình của họ.

Phương châm quốc phòng Nhật-Mỹ được đưa ra đầu tiên vào năm 1978. Năm 1997, hai nước xây dựng “Phương châm hợp tác quốc phòng mới”, nội dung chủ yếu tập trung vào tình hình xung quanh của Nhật Bản.

Phạm vi sửa đổi lần này rộng hơn, ngoài coi hai nước láng giềng Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên là “đối tượng”, còn mở rộng tới việc cùng gánh vác các vấn đề an ninh quốc tế với Mỹ.

Theo bài báo, ngày 17/1, tại Tokyo, các quan chức quốc phòng và ngoại giao Mỹ và Nhật Bản đã thảo luận về việc điều chỉnh hợp tác quân sự, chủ đề tập trung vào sự trỗi dậy về sức mạnh quân sự của Trung Quốc, đồng thời đã bàn bạc về phương châm ứng phó với tình hình căng thẳng ở đảo Senkaku.

Xe tăng Type 10 tiên tiến nhất của Nhật Bản
Xe tăng Type 10 tiên tiến nhất của Nhật Bản

Nội dung sửa đổi còn đề xuất phải tăng cường các biện pháp ứng phó với vấn đề hạt nhân Triều Tiên và nghiên cứu phát triển tên lửa, trong đó một nhiệm vụ then chốt là đòi hỏi Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ đánh chặn tên lửa.

Ngoài tình hình xung quanh Nhật Bản, bản sửa đổi cũng quyết định để cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tham gia nhiều hơn các vấn đề an ninh quốc tế. Như tích cực hơn trong hoạt động giữ gìn hoà bình quốc tế, hợp tác chặt chẽ hơn với quân Mỹ trên các phương diện ứng phó với tin tặc mạng, công nghệ hàng không vũ trụ, cứu nạn và ứng phó với cướp biển.

Có nguồn tin cho rằng, từ việc ký kết đến thực hiện, Nhật Bản cần thời gian 2 năm để chuẩn bị. Trước khi tiến hành như vậy, nhà cầm quyền Nhật Bản phải tìm cách “cởi trói” Hiến pháp, để cho Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản thực hiện nhiệm vụ theo thỏa thuận song phương.

Ngày 17/1, ông Yoshimasa Hayashi, cựu Bộ trưởng Quốc phòng, nay là Bộ trưởng Nông lâm thủy sản Nhật Bản nói với tờ Yomiuri Shimbun rằng: “Đảng Tự do Dân chủ cho rằng, cần thiết phải đẩy nhanh sửa đổi Hiến pháp, mục đích là để cho Lực lượng Phòng vệ có quyền tự vệ tập thể”.

Ngày 10/1/2011, tàu khu trục của Hải quân Mỹ và tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành diễn tập quân sự liên hợp trên biển
Ngày 10/1/2011, tàu khu trục của Hải quân Mỹ và tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản tiến hành diễn tập quân sự liên hợp trên biển

Ngày 17/1, khi đến Tokyo thăm Nhật Bản, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Campbell cũng công khai cho biết: “Hy vọng thấy được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đảm đương nhiệm vụ lớn hơn”.

Ông nói: “Mỹ hy vọng thông qua hợp tác rộng mở hơn, thấy được Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản phát huy vai trò, điều này mới có thể làm cho thể chế đồng minh Nhật-Mỹ có hiệu suất hơn”.

Trong thời điểm tranh chấp đảo Senkaku Trung-Nhật leo thang, Nhật-Mỹ bàn thúc đẩy hợp tác quốc phòng cũng được một số quan điểm cho là truyền đi thông điệp “ra tay giúp đỡ” của Mỹ.

Tuy nhiên, Campbell cho biết, trong vấn đề đảo Senkaku, Mỹ sẽ không lựa chọn đứng về bên nào. “Mỹ quan tâm đến hành vi biển của các nước có liên quan, nhưng thái độ của chúng tôi là lặng lẽ quan sát, hy vọng các nước có liên quan thông qua con đường ngoại giao để giải quyết vấn đề”.

Máy bay vận tải XC-2 do Nhật Bản sản xuất.
Máy bay vận tải XC-2 do Nhật Bản sản xuất.
* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ nguồn từ báo Giáo Dục Việt Nam.
Đông Bình