Mảnh vỡ vệ tinh cũ của Đức có thể sẽ rơi xuống Trung Quốc

23/10/2011 19:47
Nguyễn Hường (Theo Rian)
(GDVN) - 30 mảnh vỡ nặng tổng cộng 1,7 tấn của vệ tinh ROSAT (Đức) có thể sẽ rơi xuống phía nam thành phố 7,5 triệu dân Trùng Khánh, Trung Quốc.

Thông tin trên vừa mới được tiết lộ trên trang Spaceflight101 dựa trên dữ liệu tính toán của các nhà nghiên cứu thuộc Bộ Tư lệnh Chiến lược Mỹ.

Theo thông báo trước đó của cơ quan vũ trụ DLR của Đức, các nhà khoa học tại DLR đã không còn có thể kết nối liên lạc với vệ tinh ROSAT sau khi vệ tinh này chạm tới khí quyển của Trái Đất vào lúc 6 giờ GMT ngày 23/10.

Tất cả 30 mảnh vỡ có tổng trọng lượng là 1,7 tấn của vệ tinh cũ có thể rơi xuống Trái Đất với vận tốc lên tới 450 km/h vào bất cứ lúc nào. Đa số các mảnh vỡ rơi xuống Trái Đất là các tấm gương chịu nhiệt của kính thiên văn và các phần hỗ trợ chúng được làm bằng hợp chất carbon composite.

Theo các nhà nghiên cứu vụ trụ của Nga, các mảnh vỡ của ROSAT sẽ không ảnh hưởng tới nước Nga hay rơi xuống châu Âu, châu Phi hoặc châu Úc. Tuy nhiên, vị trí rơi chính xác của chúng vẫn chưa thể xác định được.

Trong tháng 9, các mảnh vỡ của một vệ tinh cũ của Mỹ cũng đã rơi xuống khu vực nam Thái Bình Dương nhưng không gây thiệt hại gì về người và tài sản.

ROSAT được đưa vào quỹ đạo năm 1990 để tìm kiếm các lỗ đen và các ngôi sao neutron. ROSAT đã kết thúc nhiệm vụ vào năm 1999.
Nguyễn Hường (Theo Rian)