Muốn tìm hiền tài phải dẹp chuyện “ông truyền, con nối, cháu kế”

19/01/2021 08:09
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Về việc chọn cán bộ, tôi từng nói rằng, không nên như chọn sỏi – tròn thì lấy, có góc cạnh thì bỏ”, ông Hoàng Nguyên Hồng bày tỏ.

Trong lịch sử 90 năm lãnh đạo đất nước, Đảng ta luôn xác định công tác cán bộ là khâu then chốt, là mắt xích quan trọng nhất quyết định sự thành bại của cách mạng. Vấn đề này tiếp tục được đông đảo nhân dân quan tâm khi mà cả nước chuẩn bị hướng tới sự kiện quan trọng nhất của năm 2021 - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí Điện tử Giáo dục Việt Nam, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên Cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương (chuyên gia nghiên cứu độc lập về Pháp chế, Kiểm tra và Thanh tra) nêu quan điểm, 5 năm qua, Bộ Chính trị, Trung ương đã có nhiều đổi mới trong công tác cán bộ, đặc biệt là việc xử lý nghiêm khắc với nhiều cán bộ lãnh đạo, cựu lãnh đạo gây thiệt hại cho kinh tế đất nước, gây ảnh hưởng xấu tới uy tín của Đảng với nhân dân.

Ông Hồng nói: “Mặc dù đã giành được những thành tựu đáng tự hào, chúng ta vẫn luôn phải nhìn thẳng vào sự thật để sửa chữa khuyết điểm, rút ra bài học để tránh những sai lầm khác. Đó là chuyện quy hoạch nhân sự phải được đặt ra thẳng thắn ở khóa XII, đâu đó có cảm tính không, có sự thao túng của nhóm lợi ích không? Có cán bộ nào chưa đủ độ chín cả tài và đức nhưng vẫn chui lọt vào những vị trí quan trọng không?

Chúng ta đã biết rằng, ngay ở nhiệm kỳ Đại hội XII này, Đảng ta đã rất quyết liệt xử lý cán bộ vi phạm, theo công bố thì đã có tới 113 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý phải chịu các hình thức kỷ luật khác nhau.

Trong số đó có rất nhiều cán bộ đảng viên từng giữ các chức vụ cao như ông Vũ Huy Hoàng – cựu Bộ trưởng Bộ Công thương; ông Nguyễn Xuân Anh – cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng; ông Tất Thành Cang – cựu Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh; ông Lê Thanh Hải – cựu Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh… và nhiều cựu cán bộ khác đã bị khởi tố, tạm giam và chờ ngày xét xử.

Những cán bộ có vấn đề, có sai phạm nhưng lại được che đậy và giới thiệu, đề bạt vào vị trí cao hơn cũng dần phải lộ diện, bị kỷ luật, thậm chí đã phải chịu án tù. Sự quyết liệt của Đảng đối với việc xử lý kỷ luật cán bộ sai phạm vừa giữ niềm tin của nhân dân, đồng thời cũng có tính răn đe với nhiều người khác”.

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên Cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương (chuyên gia nghiên cứu độc lập về Pháp chế, Kiểm tra và Thanh tra). Ảnh: nhân vật cung cấp.

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng - nguyên Chuyên viên Cao cấp Ủy ban Kiểm tra Trung ương (chuyên gia nghiên cứu độc lập về Pháp chế, Kiểm tra và Thanh tra). Ảnh: nhân vật cung cấp.

Là cán bộ có nhiều năm công tác tại Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Luật sư Hoàng Nguyên Hồng nêu ra nhận định, nhiều trường hợp giữ vị trí lãnh đạo cấp cao vẫn vi phạm là do quan liêu, làm liều, mất dân chủ và một số thì tham nhũng, nhận tiền hối lộ, gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới uy tín của tổ chức, uy tín chung của Đảng, phần nào khiến người dân bị giảm sút niềm tin. Nhưng rất mừng là sau đó những trường hợp sai phạm đều bị xử lý nghiêm minh, như vậy Đảng luôn giữ sự công minh, liêm chính.

Theo ông Hồng: “Để giải quyết rốt ráo, ngăn chặn tình trạng lợi dụng các quan hệ để tiến thân thì phải đánh giá cán bộ minh bạch và công bằng, thực chất và loại bỏ tình trạng ‘ông truyền, con nối, cháu kế’ và sự thao túng của nhóm lợi ích, thế lực ngầm.

Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã nhiều lần đề cập tới những tồn tại trong công tác cán bộ và khẳng định quyết tâm của Đảng kiên quyết ngăn chặn, loại bỏ những nhóm lợi ích, chạy quy hoạch, luân chuyển, để chọn được người thực tài vào các vị trí lãnh đạo quan trọng.

Với chiến lược nhốt quyền lực vào lồng cơ chế, luật pháp, từng bước thanh lọc và loại bỏ những phần tử không đủ tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo đảng, thoái hoá biến chất và đi lên bằng con đường chạy chức, chạy quyền, quan liêu, tham ô lãng phí ở địa phương và bộ, ngành ra khỏi bộ máy lãnh đạo”.

Song song với việc thanh lọc cán bộ, đảng viên thoái hoá, biến chất, Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương khoá XII đã tiến hành soạn thảo và ban hành nhiều văn bản về sinh hoạt đảng, trong đó đáng quan tâm là quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, người đứng đầu.

“Từ năm 2013, đặc biệt là từ 2017 trở lại đây, Đảng đã đạt được nhiều kết quả rất đáng ghi nhận trong công tác phòng chống tham nhũng. Sự quyết tâm của Bộ Chính trị, của Ban chấp hành Trung ương, mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã cụ thể hóa nhiều vấn đề, xử lý được nhiều vụ án lớn, củng cố niềm tin của nhân dân với sự lãnh đạo của Đảng. Đây là những kết quả nổi bật hơn so với khoá XI, tôi hy vọng rằng khóa XIII sẽ còn làm tốt hơn nữa”, ông Hồng bày tỏ.

Theo ông Hoàng Nguyên Hồng, một trong những vấn đề cần tiếp tục được chú trọng là phải tạo ra tính dân chủ thực sự ở từng Chi bộ, để các đảng viên dám nói ra chính kiến của mình. Nếu không nói thật thì sinh hoạt Đảng vẫn chỉ là hình thức, điều đó gây nguy hại lâu dài cho tổ chức, vì cái Đảng cần là những ý kiến đóng góp thật.

Nhìn lại những năm qua, việc trấn áp tham nhũng, quan liêu gây thiệt hại, lãng phí tiền của, tài nguyên... làm có bài bản và gây ấn tương tốt đối với đa số nhân dân.

Chia sẻ về quan điểm lựa chọn người tài ông Hồng cho biết: "Tư tưởng và quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện rất rõ mối quan hệ biện chứng về nhân quả, giữa việc và người.

Qua việc mà đào luyện, sàng lọc sẽ xuất hiện người tài đức, hiền lương. Vì thế phải từ việc thực tế mà tìm và chọn người tài đức cho phù hợp bất kể đó là vị trí lãnh đạo nào".

Cũng theo ông Hoàng Nguyên Hồng, chọn được cán bộ đúng với vị trí công việc là vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng rất lớn tới tiến trình xây dựng đất nước lâu dài.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng căn dặn lãnh đạo Đảng ta: “Cán bộ là cái dây chuyền của bộ máy. Nếu dây chuyền không tốt, không chạy thì động cơ dù có tốt, dù chạy toàn bộ máy cũng tê liệt.

Cán bộ là những người đem chính sách của Đảng, Chính phủ, của đoàn thể triển khai trong nhân dân, nếu cán bộ dở thì chính sách hay cũng không thể thực hiện được”.

Thời gian vừa qua có nhiều cán bộ cấp cao đương chức hoặc đã nghỉ hưu bị khởi tố, nhiều trường hợp đã bị kỷ luật nghiêm khắc (khai trừ ra khỏi Đảng), thậm chí phải chịu án tù giam.

Mới nhất dư luận đang tập trung sự chú ý vào việc khởi tố, xét xử cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng và cựu Vụ trưởng Phan Chí Dũng (Bộ Công thương) về tội vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát lãng phí, quy định tại điều 219 bộ luật Hình sự 2015. Trong vụ án này, hiện cựu Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang bị truy nã.

Các bị can trên bị khởi tố trong quá trình điều tra mở rộng vụ án vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí và vi phạm các quy định về quản lý đất đai liên quan đến dự án tại khu đất 2-4-6 Hai Bà Trưng (Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh).

Liên quan vụ án này, một loạt cán bộ khác đã bị khởi tố là Nguyễn Hữu Tín (nguyên Phó chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Đào Anh Kiệt (nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên – Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Trương Văn Út (Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên – Môi trường Thành phố Hồ Chí Minh), Lê Văn Thanh (Phó chánh văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh), Nguyễn Thanh Chương (Trưởng phòng Đô thị, Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh).

Ông Hồng nêu rõ: “Khi những dấu hiệu đủ căn cứ chứng minh có liên quan tới sai phạm thì khởi tố là việc làm cần thiết, thể hiện thái độ, quan điểm, tư tưởng của Đảng, Quốc hội, Chính phủ trong cuộc chiến tham nhũng, diệt giặc nội xâm.

Những kẻ thoái hoá, biến chất lợi dụng danh nghĩa đảng, nhà nước và công trình, dự án rút ruột tiền của của nhân dân, làm giàu nhanh và bất chính, cần nghiêm trị dù đương chức hay nghỉ hưu.

Khởi tố, điều tra, truy tố và xét xử những kẻ tham nhũng, quan liêu, lôi bè, kéo cánh dùng quyền uy cướp đất đai và làm hại dân, hại nước là nguyện vọng của nhân dân”.

Theo ông Hoàng Nguyên Hồng, nhiều lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã khẳng định cuộc chiến chống tham nhũng không có vùng cấm, bất cứ ai sai phạm đều phải chịu trách nhiệm.

Việc xử lý nghiêm khắc sai phạm của lãnh đạo cấp cao dù đương nhiệm hay đã nghỉ hưu, không cho phép “hạ cánh an toàn” tiếp tục củng cố thêm niềm tin của nhân dân với Đảng; đồng thời khẳng định chủ thuyết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhân dân là chủ của chính quyền và cán bộ là công bộc chứ không phải quan cách mạng.

Qua rất nhiều vụ việc trong những năm gần đây cho thấy đồng tiền và quyền lực chi phối nhiều quá, nên đạo làm người bị biến dạng. Việc những kẻ tham quyền, tiền, của để giàu nhanh rồi phải ngồi tù là sự báo ứng nhân quả.

Người xưa cảnh báo thế hệ trước làm sai thế hệ sau nhận hậu quả, nay thì chính người gây ra phải nhận hậu quả, thậm chí những người có liên quan trong gia đình cũng phải chịu sự trừng phạt.

Năng lực thấp, đạo đức kém, chỉ thích xu nịnh thì sẽ gây ra đại họa

Câu hỏi đặt ra là vì sao trong nhiều năm qua công tác tuyển chọn, đào tạo cán bộ luôn là vấn đề được quan tâm, nhưng vẫn xảy ra rất nhiều vi phạm đối với cán bộ ở cấp cao?

Luật sư Hoàng Nguyên Hồng phân tích:

Thứ nhất, là do người có vị trí lãnh đạo quản lý bỏ qua danh dự và trách nhiệm thực thi công vụ nhà nước và nhiệm vụ của người đảng viên.

Thứ hai, ý thức, sự liêm sỉ và năng lực điều hành yếu kém nên bị rơi vào vòng xoáy xu nịnh, đút lót... dẫn tới dễ thỏa hiệp và làm những điều sai trái.

Thứ ba, không ít cán bộ còn thói quan liêu, xa dân và thiếu tin dân mà như Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng từng đề cập là có những cán bộ nói mà không làm, nói nhiều làm ít. Chính bởi sự quan liêu nên mới không thực sự nghe dân và tin tiếng nói của dân thì hậu quả sẽ tiếp tục xảy ra.

Thứ tư, cần xem xét về công tác quy hoạch, chọn được đúng cán bộ có năng lực phù hợp với vị trí chưa? Luân chuyển cán bộ phải có năng lực, chính kiến, tránh đưa những kẻ ngậm miệng ăn tiền, không dám nói, chờ thời, nín thở mong đến hẹn để lên ghế mới.

Thứ năm, dân chủ trong Đảng và trong dân cần khuyến khích có thêm nhiều ý kiến thẳng thắn, công khai, không lo sợ bị quy chụp. Những kẻ như Vũ Nhôm, Đường Nhuệ… tồn tại suốt một thời gian dài trong xã hội ta chẳng phải là có bàn tay của cán bộ nhà nước hay sao?

Trong bài viết “Một số vấn đề cần được đặc biệt quan tâm trong công tác chuẩn bị nhân sự Đại hội XIII của Đảng”, Tổng Bí thư Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Không ít cán bộ trẻ thiếu bản lĩnh, ngại rèn luyện. Một bộ phận cán bộ phai nhạt lý tưởng, giảm sút ý chí, làm việc hời hợt, ngại khó, ngại khổ, thậm chí có người suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, có biểu hiện tự diễn biến, tự chuyển hóa".

Thực tế trong công tác cán bộ đã bộc lộ nhiều bất cập, đã hình thành và tạo ra xu hướng về tâm lý chạy đua, nảy sinh tư duy cơ hội, thực dụng, cố vươn lên cho được một ghế ngồi, một vị trí lãnh đạo bằng mọi giá trong đảng viên và kể cả ngoài xã hội.

Do đó, chúng ta phải quyết liệt ngăn chặn, xử lý triệt để vấn đề này trong nhiệm kỳ của Đại hội XIII. Câu hỏi đặt ra là ngăn chặn bằng cách nào?

Ông Hoàng Nguyên Hồng phân tích: “Nói như vậy nhưng thực hiện rất khó vì chúng ta phải tránh chuyện công thức hóa, hành chính hóa và quy trình hóa về tổ chức.

Bây giờ phải làm cho tất cả đảng viên thực sự chủ động, nhận thức rõ danh dự và trách nhiệm, tự do suy nghĩ và nói chính kiến của mình thì mới tạo được sức mạnh ngăn chặn tình trạng bè phái.

Để tránh tình trạng giới thiệu nhân sự (quy hoạch) như nhặt sỏi trong máng, hòn tròn lấy, hòn góc cạnh bỏ, chúng ta cần thực hiện nghiêm chỉnh lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh là lấy dân làm gốc, qua dân tìm người tài giỏi, tìm người tài đức trong đồng bào hiến kế phát triển đất nước. Cán bộ có tài, có đức đóng vai trò làm trọng, là cốt lõi đối với sự hưng thịnh của quốc gia, dân tộc”.

Cao Kim Anh