Mỹ bao vây Trung Quốc bằng loạt sân bay trên Thái Bình Dương

23/08/2013 06:29
Nguyễn Hường
(GDVN) - Mỹ sẽ xây dựng một loạt các sân bay nhỏ ở Thái Bình Dương trong kế hoạch bao vây Trung Quốc và có tác dụng hỗ trợ hoạt động của căn cứ chính.
Nằm trong kế hoạch chuyển hướng chiến lược tăng sự hiện diện quân sự ở châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ đang tìm cách bao vây Trung Quốc bằng kế hoạch thiếp lập một chuỗi các căn cứ không quân nhỏ trên Thái Bình Dương.
Không quân Mỹ đang có kế hoạch thuê 33 mẫu đất trên hòn đảo nhỏ ở Thái Bình Dương mang tên Saipan trong 50 năm để xây dựng một "sân bay chuyển hướng" trên nền một căn cứ không quân cũ có từ Thế chiến II, tạp chí Chính sách đối ngoại tiết lộ hôm 22/8. 

Mỹ sẽ xây dựng một loạt các sân bay nhỏ ở Thái Bình Dương trong kế hoạch bao vây Trung Quốc.
Mỹ sẽ xây dựng một loạt các sân bay nhỏ ở Thái Bình Dương trong kế hoạch bao vây Trung Quốc.

Máy bay phản lực Mỹ sẽ sử dụng sân bay nhỏ này trong trường hợp cần truy cập vào siêu căn cứ tại Guam hoặc khi các sân bay Tây Thái Bình Dương khác bị hạn chế hay từ chối cho truy cập, tờ báo trích dẫn một tài liệu quân sự về dự án cho biết.
Tài liệu còn tiết lộ rằng Không quân Mỹ đặc biệt muốn mở rộng sân bay quốc tế Saipan để phục vụ các kế hoạch chuyển hướng đổ bộ định kỳ, tập trận chung, hỗ trợ nhân đạo và phối hợp các nỗ lực cứu trợ thiên tai. Sân bay này nằm trong một căn cứ quân sự, từng được sử dụng bởi Nhật Bản và sau đó là Mỹ trong Thế chiến II. 
Các kế hoạch trên được cho là một phần của một chiến lược mới được gọi là Air-Sea Battle (Chiến thuật Không-Biển), trong đó Lầu Năm Góc sẽ phối hợp lực lượng không quân và hải quân hình thành lực lượng chống lại "hệ thống phòng thủ ngày càng đáng gờm của các quốc gia như Trung Quốc hay Iran", báo cáo cho biết. 
Mặc chiến lược Air-Sea Battle vẫn đang trong "giai đoạn lý thuyết" nhưng một phần của chiến lược này hiện đang được triển khai tại khu vực Thái Bình Dương, trong đó một phần quan trọng của chiến lược này là tạo ra các căn cứ nhỏ, vệ tinh trong Thái Bình Dương cho quân đội Mỹ có các điểm có thể trú ẩn nếu căn cứ chính bị tấn công bởi tên lửa đạn đạo của Trung Quốc. 
Trung Quốc có liên quan đến tranh chấp lãnh thổ với các đồng minh của Mỹ trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương, cụ thể là Philippines và Việt Nam ở Biển Đông và Nhật Bản ở Hoa Đông.
Trong khi Mỹ khẳng định rằng "trục" tới châu Á không liên quan tới Trung Quốc nhưng các chuyên gia nói rằng sự gia tăng hiện diện của quân đội Mỹ tại đây nhằm mục đích chống lại bất kỳ sự mở rộng của Trung Quốc trong tương lai trên Thái Bình Dương.
"Trung Quốc sẽ phải hành động kín đáo trên toàn bộ khu vực này bởi vì sức mạnh của Mỹ là có sẵn, có thể nhìn thấy rõ, không phải là lý thuyết, mà là đã có thực tế" - Anthony Cordesman của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế nhận định.
Trung Quốc cũng coi trọng tâm của Lầu Năm Góc tại Thái Bình Dương như một chiến lược để đối phó với sự gia tăng ảnh hưởng toàn cầu của nước này.
Nguyễn Hường