Mỹ đã chi 1,1 tỷ USD chống IS, nhưng chiến dịch có thể kéo dài 30 năm

08/10/2014 06:59
Nguyễn Hường
(GDVN) - Mỹ đã chi hơn 1 tỷ USD cho nhiệm vụ ném bom nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria, nhưng ước tính cuộc chiến này sẽ kéo dài tới 30 năm.

Theo báo cáo của Lầu Năm Góc, Mỹ đã chi hơn 1 tỷ USD cho nhiệm vụ ném bom nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Iraq và Syria. Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Quốc phòng Leon Panetta cảnh báo rằng cuộc chiến chống lại phong trào Hồi giáo cực đoan này có thể mất đến 30 năm. 

F/A-18F Super Hornet của Hải quân Mỹ.
F/A-18F Super Hornet của Hải quân Mỹ. 

Kể từ giữa tháng Sáu, Lầu Năm Góc đã chi 1,1 tỷ USD cho cuộc chiến chống khủng bố IS, trong đó Hải quân Mỹ đã tiêu tốn 62 triệu USD bằng cách bắn 185 quả tên lửa, gồm có 47 tên lửa hành trình Tomahawk. 

Không quân Mỹ đã ném khoảng 1.000 quả bom thông minh và tên lửa trong nhiệm vụ của mình, thông tấn AP dẫn báo cáo CENTCOM nói. 

Các quan chức Mỹ nói rằng chiến dịch đã tiêu tốn trung bình khoảng 7 đến 10 triệu USD mỗi ngày kể từ tháng Sáu. Các chi phí leo thang sau khi Mỹ bắt đầu ném bom vị trí của IS ở Iraq vào đầu tháng 8 và sau đó mở rộng đến Syria trong tháng 9.

Báo cáo cũng xác nhận ước tính của Trung tâm chiến lược và đánh giá ngân sách (CSBA), một cơ quan cố vấn có trụ sở tại Washington có quan hệ với Lầu Năm Góc, cho biết một tuần trước rằng các chiến dịch chống IS có thể đã tiêu tốn từ 780 đến 930 triệu USD.  
 
Chi phí cho chiến dịch chống khủng bố IS của Mỹ ở Syria và Iraq được hỗ trợ bởi một liên minh gồm 40 quốc gia. Mặc dù đã tiêu tốn lượng tiền không nhỏ, nhưng chiến dịch này tỏ ra không hiệu quả khi các tay súng IS vẫn chiếm được thành phố chiến lược Kobani của người Kurd nằm trên biên giới Syria với Thổ Nhĩ Kỳ vào đêm qua.  

Cuộc chiến chống IS có thể mất một thời gian khá dài, theo cựu giám đốc Lầu Năm Góc Leon Panetta, người đã nói rằng nó có thể kéo dài tới 30 năm trong một cuộc phỏng vấn với USA Today. 

Ông Panetta, người có cuốn hồi kỳ "Trận đánh xứng đáng" sắp xuất bản, chỉ trích Tổng thống Barack Obama vội vã rút quân khỏi Iraq vào năm 2011. 

 

Nguyễn Hường