Mỹ đang thành lập "mạng lưới phòng ngự liên bang" ở châu Á

16/02/2015 07:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Hoa Kỳ muốn tăng cường hợp tác quân sự với Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Singapore, Đài Loan, Malaysia và Myanmar.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam, hình minh họa.
Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Martin Dempsey thăm Việt Nam, hình minh họa.

Tờ Trung ương Nhật báo, cơ quan ngôn luận của Quốc dân đảng Đài Loan ngày 15/2 bình luận, Mỹ muốn tiếp tục duy trì vai trò chủ đạo của mình trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đã và đang tích cực thúc đẩy chiến lược xoay trục sang châu Á, đồng thời thúc đẩy kế hoạch phát triển đối tác chiến lược xuyên suốt Thái Bình Dương.

Trọng điểm các hoạt động của Mỹ đầu tiên là tăng cường quan hệ đồng minh quân sự với Nhật Bản, Úc, Hàn Quốc, Philippines và Thái Lan. Thứ hai, Washington từng bước tham gia vào vấn đề an ninh bán đảo Triều Tiên, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và Hoa Đông làm nổi bật vai trò chủ đạo của mình. Thứ ba, Hoa Kỳ muốn tăng cường hợp tác quân sự với Ấn Độ, Indonesia, Việt Nam, Singapore, Đài Loan, Malaysia và Myanmar.

Ngoài ra người Mỹ sẽ tiếp tục tích cực tham gia các diễn đàn an ninh khu vực châu Á - Thái Bình Dương như đàm phán 6 bên về vấn đề hạt nhân bán đảo Triều Tiên, hội nghị thượng đỉnh Đông Á, diễn đàn an ninh ASEAN, hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN +, diễn đàn an ninh biển ASEAN, đối thoại An ninh Shangri-la.

Giai đoạn hiện nay Hoa Kỳ đang chuẩn bị xây dựng "mạng lưới phòng ngự liên bang" ở châu Á, đốc thúc các quốc gia châu Á có các biện pháp "phòng ngự theo mô hình liên bang", đoàn kết hợp tác các đồng minh đối tác ở châu Á - Thái Bình Dương trong 6 lĩnh vực: Cứu trợ nhân đạo, chia sẻ và tư vấn tình báo, chính sách an ninh biển, tác chiến dưới nước, phòng chống tên lửa và an ninh mạng.

5 mục tiêu cũng là nguyên tắc chung Mỹ đặt ra cho các nước khu vực châu Á cùng chia sẻ bao gồm, thứ nhất là bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ. Thứ hai, phòng ngừa cường quyền khu vực trỗi dậy với tư tưởng thù địch. Thứ ba, bảo vệ tự do hàng hải, thương mại thông suốt. Thứ tư, cấm mở rộng vũ khí hủy diệt quy mô lớn. Thứ năm, ủng hộ dân chủ, pháp trị và nhân quyền.

Hôm 7/1 vừa qua, ba nước đồng minh Mỹ - Nhật - Hàn đã ký biên bản ghi nhớ về hợp tác trao đổi tin tức tình báo do Mỹ đứng ra điều phối. Đồng thời Mỹ quyết định đặt căn cứ duy tu bảo dưỡng chiến đấu cơ thế hệ mới F-35 tại Nhật Bản. Hoa Kỳ cũng lần lượt ký các hiệp ước hợp tác quốc phòng và đóng quân đồn trú tại Philippines, Úc, luân chuyển lực lượng quân sự đồn trú tại châu Á.

Đồng thời với chiến lược cân bằng châu Á - Thái Bình Dương và xây dựng "mạng lưới phòng thủ liên bang", Hoa Kỳ cũng vẫn tiếp tục bị các nhân tố khác chi phối, co kéo, bao gồm cục diện chiến sự kéo dài ở Trung Đông, khủng hoảng Ukraine, tâm lý ghét chiến tranh của người dân Mỹ, quan hệ Mỹ - Nga căng thẳng như thời Chiến tranh Lạnh, ngân sách quốc phòng cắt giảm...

Tuy nhiên đại đa số quốc gia châu Á có xu hướng lựa chọn chính sách cân bằng, không lựa chọn theo phe nào, hoặc Trung Quốc hoặc Hoa Kỳ. Ví dụ Singapore hợp tác quân sự mật theiets với Mỹ, nhưng từ chối thành đồng minh chính thức của Mỹ. Úc tuy là đồng minh của Mỹ, nhưng 70% nười Úc phản đối can thiệp quân sự vào tranh chấp Trung - Nhật...

Vì vậy theo cơ quan nghiên cứu của Quốc dân đảng Đài Loan, cục diện châu Á - Thái Bình Dương 2015 sẽ càng trở nên phức tạp, cường quyền nổi lên trong khu vực, khuếch trương quân sự nước lớn, kinh tế phụ thuộc lẫn nhau ngày càng sâu sắc. Đại đa số các nước châu Á sẽ lựa chọn chính sách 2 tay, "kinh tế thân Trung Quốc, an ninh dựa Hoa Kỳ".

Hồng Thủy