Mỹ dùng tàu sân bay Ronald Reagan cảnh cáo Bắc Triều Tiên, thị uy Trung Quốc

25/09/2015 14:52
Việt Dũng
(GDVN) - Động thái này diễn ra đồng thời với việc UAV và máy bay chiến đấu tiên tiến nhất của Mỹ đến thăm Hàn Quốc, bối cảnh là Bắc Triều Tiên có thể phóng vệ tinh.

Cảnh cáo CHDCND Triều Tiên

Tờ "Thời báo Hoàn Cầu" Trung Quốc ngày 25 tháng 9 dẫn hãng tin Yonhap Hàn Quốc ngày 24 tháng 9 đưa tin, tàu sân bay động cơ hạt nhân USS Ronald Reagan Mỹ lượng giãn nước 104.200 tấn sẽ đến cảng Busan, Hàn Quốc vào trung tuần tháng 10.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ

Thời điểm này trùng hợp với việc máy bay không người lái và máy bay chiến đấu F-22 của Không quân Mỹ thăm Hàn Quốc, là lời cảnh cáo đối với việc CHDCND Triều Tiên ám chỉ thực hiện các hành động như phóng vệ tinh.

Hải quân Mỹ ngày 23 tháng 9 cho biết, tàu sân bay USS Ronald Reagan ngày 17 tháng 9 đã đi vào khu vực tác chiến triển khai tác chiến. Ngày 24 tháng 9, quan chức Quân đội Hàn Quốc cho biết, ngày 18 tháng 10, tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ xuất hiện ở lễ diễu binh tròn 70 năm thành lập hải quân tổ chức ở khu vực cảng Busan.

Quan chức Hải quân Hàn Quốc cho biết, tàu sân bay USS George Washington vào tháng 5 đã quay trở về Mỹ để tiếp nhiên liệu và đổi mới thiết bị. Sau đó, Quân đội Mỹ đã thay thế nó bằng việc sử dụng tàu sân bay USS Ronald Reagan.

Hải quân Mỹ cho biết, điều động tàu sân bay USS Ronald Reagan là một trong những cách Mỹ thể hiện ý chí kiên quyết đối với khu vực và đồng minh.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ và tàu săn ngầm Nhật Bản
Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ và tàu săn ngầm Nhật Bản

Có phân tích cho rằng, CHDCND Triều Tiên ám chỉ sẽ phóng vệ tinh vào thời điểm tròn 70 năm thành lập Đảng Lao động Triều Tiên (ngày 10 tháng 10). Mỹ lần này điều vũ khí chiến lược hạt nhân tới Hàn Quốc là để cảnh cáo đối với CHDCND Triều Tiên.

Nguồn tin từ Quân đội Hàn Quốc cho biết, Mỹ điều vũ khí chiến lược như tàu sân bay USS Ronald Reagan đến Hàn Quốc là để phô trương sức mạnh to lớn của đồng minh Hàn-Mỹ với CHDCND Triều Tiên.

Theo báo Pháp ngày 24 tháng 9, Hạm đội 7 Hải quân Mỹ luôn duy trì sức chiến đấu ở khu vực Đông Bắc Á, tập trung vào hạm đội tàu sân bay có quân cảng ở Yokosuka, Nhật Bản.

Được biết, tàu sân bay USS Ronald Reagan ngày 31 tháng 8 rời khỏi căn cứ San Diego, bang California, Mỹ để đến căn cứ Yokosuka, tỉnh Kanagawa, Nhật Bản. Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, ngày 2 tháng 10, tàu sân bay USS Ronald Reagan sẽ đến căn cứ này.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ

Tàu sân bay USS Ronald Reagan cũng từng tham gia cứu nạn trong thời gian động đất lớn ngày 11 tháng 3 năm 2011 ở Nhật Bản.

Tư lệnh lực lượng chiến đấu Hạm đội 7, thiếu tướng John Alexander cho biết: “Đồng minh Mỹ-Nhật sẽ vững chắc hơn, trở thành nền tảng của hòa bình và ổn định của khu vực Tây Thái Bình Dương”.

Tư lệnh Hải quân Mỹ ở Nhật Bản, thiếu tướng Matthew Carter tháng 8 cũng cho biết, triển khai tàu sân bay ở căn cứ Yokosuka Nhật Bản có lợi cho nhanh chóng ứng phó với các tình huống bất ngờ ở dải khu vực từ Tây Thái Bình Dương đến Ấn Độ Dương.

Ngăn chặn Trung Quốc

Trang mạng sina Trung Quốc ngày 15 tháng 9 cũng có bài viết cho rằng, trong bối cảnh Trung-Mỹ xảy ra va chạm ở quần đảo Trường Sa, Mỹ triển khai tàu sân bay tiên tiến hơn ở châu Á gây ra các loại đồn đoán, không ít quan điểm cho rằng hành động này của Mỹ có ý vị sâu xa, rõ ràng nhằm thị uy với Trung Quốc.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ
Tàu sân bay USS Ronald Reagan CVN 76 của Hải quân Mỹ

Thời cơ thay thế tàu sân bay lần này của Mỹ có sự khác biệt khá lớn so với năm 2008, môi trường an ninh châu Á-Thái Bình Dương đã có sự thay đổi tương đối lớn.

Trong đó, sự thay đổi lớn nhất là Mỹ thúc đẩy chiến lược tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương, mức độ đầu tư vào khu vực là chưa từng có, đặc biệt, màu sắc quân sự ngăn chặn, kiềm chế Trung Quốc rất đậm đặc.

Hợp tác quân sự, an ninh giữa Mỹ và các đồng minh, đối tác ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng gia tăng do gặp nhau về lợi ích và nhu cầu, nhất là khi Trung Quốc đang ngang nhiên áp đặt yêu sách chủ quyền vô lý, bất hợp pháp, ra sức bành trướng vũ lực và gây ảnh hưởng ở các vùng biển xung quanh, trong đó có yêu sách “đường lưỡi bò” ở Biển Đông - PV. 

Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Trung Quốc tiến hành quân sự hóa Biển Đông, đe dọa nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, đe dọa nghiêm trọng hòa bình, an ninh và ổn định khu vực.
Việt Dũng