Mỹ lo ngại quan hệ Nhật-Hàn căng thẳng ảnh hưởng hợp tác quân sự

03/08/2014 11:28
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ muốn thúc đẩy hợp tác Nhật-Hàn để tăng cường vai trò ảnh hưởng, đối phó Trung Quốc, duy trì trật tự an ninh ở Đông Á, hoan nghênh vai trò của Nhật Bản...
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear
Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ, Đô đốc Samuel Locklear

Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương Quân đội Mỹ Samuel Locklear ngày 29 tháng 7 cho rằng, tình hình căng thẳng trong quan hệ giữa các đồng minh của Mỹ là Nhật Bản và Hàn Quốc đang gây tổn hại cho hợp tác quân sự, trong đó có hợp tác phòng thủ tên lửa, cho dù họ đều đối mặt với mối đe dọa từ CHDCND Triều Tiên.

Ông Samuel Locklear nói với phóng viên rằng, vấn đề chính trị giữa hai nước Đông Á này đã gây trở ngại cho chia sẻ tin tức tình báo, đồng thời còn ảnh hưởng đến khả năng triển khai "hành động quân sự tin cậy" giữa họ. Ông nói, đây là một trở ngại đối với cả Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hai năm trước, Seoul đã rút khỏi thỏa thuận chia sẻ tin tức tình báo quân sự định ký kết với Tokyo, hơn nữa từ khi chính quyền "dân tộc chủ nghĩa" lên cầm quyền ở Nhật Bản, quan hệ hai nước trở nên tồi tệ hơn.

Hàn Quốc cho rằng, Nhật Bản thiếu ăn năn đối với hành động tàn bạo trước và trong Chiến tranh thế giới thứ hai. Tình hình hiện nay đã làm trầm trọng hơn sự phẫn nộ của Hàn Quốc đối với vấn đề này.

Mỹ nóng lòng thúc đẩy hợp tác giữa các đồng minh khu vực châu Á-Thái Bình Dương, bởi vì họ kỳ vọng tăng cường vai trò ảnh hưởng ở châu Á-Thái Bình Dương để răn đe CHDCND Triều Tiên và đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc. Lực lượng quân đồn trú của Mỹ ở Nhật Bản và Hàn Quốc tổng cộng là 80.000 quân.

Quan chức Nhật Bản đến Hàn Quốc (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)
Quan chức Nhật Bản đến Hàn Quốc (nguồn Tin tức Tham khảo, TQ)

Trong một cuộc họp báo ở Lầu Năm Góc, Đô đốc Samuel Locklear cho rằng: "Đối với tôi, một điểm rất quan trọng là, Nhật Bản và Hàn Quốc đều nhận thức được họ có rất nhiều lợi ích an ninh chung, những lợi ích an ninh chung này sẽ được lợi từ hợp tác quân sự song phương và ba bên".

Ông nói: "Họ đều rất quan tâm tới CHDCND Triều Tiên, vì vậy chúng tôi khuyến khích Nhật Bản và Hàn Quốc áp dụng hành động vượt qua bất đồng chính trị giữa hai bên, như vậy chúng ta sẽ có thể áp dụng hành động đem lại một môi trường an ninh tốt hơn ở Đông Á".

Samuel Locklear cho rằng, hai nước đều có khả năng phòng thủ tên lửa rất đáng tin cậy, nhưng do hạn chế chia sẻ tình báo, không thể trao đổi với nhau, điều này đã làm suy yếu khả năng bảo vệ quốc gia và không phận của họ.

Bài báo cho rằng, CHDCND Triều Tiên định kỳ bắn thử tên lửa, pháo và hỏa tiễn, nhưng số lần thử vũ khí năm 2014 cao hơn nhiều so với năm trước.

Lần thử nghiệm gần nhất của họ diễn ra vào ngày 26 tháng 7, khi đó họ đã bắn thử một quả tên lửa tầm ngắn. Ngày 27 tháng 7 là ngày kỷ niệm tròn 61 năm ký kết thỏa thuận đình chiến của chiến tranh Triều Tiên.

CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa (nguồn VOA)
CHDCND Triều Tiên bắn tên lửa (nguồn VOA)

Locklear nói, khát vọng của CHDCND Triều Tiên đối với vũ khí hạt nhân vẫn đe dọa nghiêm trọng an ninh toàn cầu.

Đối với vấn đề tên lửa của CHDCND Triều Tiên, Đô đốc Locklear cảnh báo: "(Cộng đồng quốc tế) ngày càng nhắm mắt làm ngơ đối với vấn đề này, điều này gây lo ngại. Khả năng tên lửa và vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên đang tăng lên một cách vững chắc".

Tướng Samuel Locklear còn bày tỏ ủng hộ đối với việc Nhật Bản dỡ bỏ lệnh cấm quyền tự vệ tập thể, cho rằng: "Việc này đang được thúc đẩy bằng phương thức minh bạch, được thế giới hiểu. Lực lượng Phòng vệ cần phát huy vai trò lớn hơn".

Theo tờ “Sankei Shimbun” Nhật Bản, mặc dù Hàn Quốc vẫn còn bất đồng với Nhật Bản trong vấn đề lịch sử như nô lệ tình dục…, nhưng quan chức Nhật Bản khẳng định, hai bên có dấu hiện cải thiện quan hệ, đến đầu tháng 8, Chính phủ Nhật Bản có kế hoạch tổ chức hội đàm Ngoại trưởng Nhật-Hàn, tạo điều kiện cho thực hiện hội đàm cấp cao Nhật-Hàn.

Đông Bình