Mỹ muốn các bên cùng vạch mặt cường quốc bất chấp luật pháp quốc tế ở Biển Đông

21/11/2015 06:05
Hồng Thủy
(GDVN) - Khi chúng ta thấy trường hợp một cường quốc mà ứng xử trái với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế, chúng tôi hy vọng bạn bè và các đối tác, đồng minh...

Đài VOA Hoa Kỳ ngày 20/11 cho biết, các quan chức Nhà Trắng khẳng định rằng, việc giữ gìn trật tự dựa trên nguyên tắc ở Biển Đông sẽ được Tổng thống Barack Obama tiếp tục nêu ra tại cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo ASEAN cũng như Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á tổ chức ở Kuala Lumpur, Malaysia ngày hôm nay 21/11.

Dan Kritenbrink, Cố vấn chính sách châu Á của Hoa Kỳ, ảnh: Cogit Asia.
Dan Kritenbrink, Cố vấn chính sách châu Á của Hoa Kỳ, ảnh: Cogit Asia.

Cố vấn chính sách châu Á của Hoa Kỳ, Dan Kritenbrink đã nói: "Chúng tôi có lợi ích quốc gia trong việc bảo đảm tự do hàng hải, thương mại hợp pháp không bị cản trở, giải quyết hòa bình các tranh chấp, bao gồm cả việc thông qua cơ quan tài phán quốc tế theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS)". Ý kiến này được ông nêu ra tại hội nghị thượng đỉnh APEC.

Trước đó ở Manila, Philippines, Tổng thống Obamâ cũng kêu gọi Trung Quốc giảm căng thẳng trên Biển Đông bằng cách ngừng ngay các hoạt động bồi lấp, xây dựng và quân sự hóa đảo nhân tạo (bất hợp pháp) trong khu vực (Bắc Kinh nhảy vào) tranh chấp ở Biển Đông.

"Khi chúng ta thấy trường hợp một cường quốc mà ứng xử trái với những quy tắc và chuẩn mực quốc tế, chúng tôi hy vọng bạn bè và các đối tác, đồng minh của chúng tôi trong khu vực cùng đứng dậy với chúng tôi để chỉ ra các hành vi đó", Kritenbrink kêu gọi.

Phó cố vấn An ninh quốc gia Hoa Kỳ Ben Rhodes cho biết, việc kêu gọi các nước ASEAN có liên quan đến Biển Đông cung cấp các diễn đàn phù hợp cho đôi thoại, thương lượng vấn đề này là rất quan trọng. "Chúng tôi tin rằng Hội nghị Thượng đỉnh Đông Á cần có một diễn đàn để giải quyết các vấn đề chính trị và an ninh, cũng như các vấn đề kinh tế."

Tạp chí Nikkei Asian Review ngày 21/11 cũng xác nhận, Biển Đông sẽ tiếp tục làm nóng diễn đàn Hội nhị Thượng đỉnh Đông Á sau APEC. Tổng thống Hoa Kỳ Obama và Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường sẽ cùng tham dự hội nghị này diễn ra trong hôm nay và ngày mai 22/11.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tham dự hội nghị, dự kiến ông tiếp tục nêu bật vấn đề điểm nóng trên Biển Đông. Phản ứng của ASEAN cũng sẽ được theo dõi chặt chẽ. Tuy nhiên sẽ khó có một bước đột phá nào của cộng đồng này. Dự thảo tuyên bố chung có thể sẽ đề cập đến tự do an ninh hàng hải ở Biển Đông, nhưng nhiều khả năng né tránh việc Trung Quốc bồi lấp đảo nhân tạo (bất hợp pháp).

Về thái độ của Nga, tờ Tsrus.cn ngày 20/11 dẫn lời Thủ tướng Dmitry Medvedev bên lề diễn đàn APEC trả lời câu hỏi Moscow có ủng hộ phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ kiện đường lưỡi bò nếu Philippines chiến thắng hay không, ông Medvedev cho biết:

"Chúng tôi thực sự không phải là một bên tranh chấp, nhưng tranh chấp vẫn tồn tại. Chúng tôi trước hết cho rằng cần giải quyết vấn đề thông qua đàm phán hữu nghị, phương pháp này tốt hơn so với tất cả các phương pháp khác. Hiển nhiên bất cứ kết quả đàm phán nào cũng có thể ó tranh cãi. Do đó chúng tôi không đứng về bên nào trong các bên. Hy vọng vấn đề được giải quyết thông qua đàm phán giữa các bên liên quan".

Ông Medvedev nhấn mạnh vai trò của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 trong giải quyết các vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Hồng Thủy