

Mỹ đã lên án hoạt động cung cấp tên lửa chống hạm tiên tiến cho Syria của Nga khi nói rằng động thái này được tiến hành nhằm mục đích khuyến khích lực lượng Tổng thống Bashar al-Assad tiếp tục chiến đấu trong một cuộc nội chiến đẫm máu.
![]() |
Các quan chức Mỹ lo ngại rằng Tổng thống Assad có thể được khuyến khích bởi quyết định của Nga. |
"Đó là một quyết định đáng tiếc nhất vì nó sẽ khuyến khích chế độ này và kéo dài sự đau khổ. Vì vậy, nó là một quyết định không đúng lúc và rất đáng tiếc" - Tướng Martin Dempsey, Chủ tịch Tham mưu trưởng liên quân Mỹ cho biết.
Tướng Dempsey không trực tiếp đề cập tới tên lô vũ khí mới được tin là Nga vừa cung cấp cho chính phủ Syria. Tuy nhiên, chính phủ Moscow đã lên tiếng bác bỏ cáo buộc và cho rằng Nga lâu nay chỉ thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng đã ký kết từ trước với phía Syria.
Các tuyên bố trên được đưa ra sau khi tờ New York Times dẫn lời một quan chức Mỹ giấu tên cho rằng Nga gần đây đã chuyển giao một lô hàng tên lửa Yakhont tiên tiến cho chính phủ Syria, dù thời gian giao hàng chính xác không được tiết lộ.
Các tên lửa chống hạm Yakhont có tốc độ nhanh hơn 2,5 lần tốc độ âm thanh, tầm bắn 300 km, mang đầu đạn 200 kg. Theo Nick Brown, biên tập viên tại Quan sát Quốc phòng Quốc tế của IHS Jane, loại tên lửa này rất khó phát hiện và cực khó bắn hạ. Bởi vậy, nó có thể giúp gia tăng đáng kể sức mạnh cho quân đội Syria khi muốn đẩy lùi các chiến hạm phương Tây ra khỏi bờ biển của nó.
Sự chuyển giao vũ khí của Nga, theo giới phân tích, có thể trở thành động lực cho các nhà lập pháp trong Quốc hội Mỹ trong quyết định mở rộng vai trò của họ tại Syria, đặc biệt là sau khi chính phủ của Tổng thống Barack Obama thừa nhận rằng lực lượng của Tổng thống Assad có khả năng đã sử dụng vũ khí hóa học.
![]() |
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã bác cáo buộc Nga chuyển giao vũ khí tiên tiến cho Syria. |
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Thượng viện Mỹ, Robert Menendez, cho biết, Washington có thể sẽ bảo vệ lợi ích quốc gia bằng cách hỗ trợ phe đối lập tại Syria về mặt vũ trang. Tuy nhiên, nhiều quan chức Mỹ vẫn còn tỏ ra lo ngại với phương án này vì lo sợ vũ khí có thể rơi vào tay những kẻ khủng bố liên kết với al-Qaeda đang tham chiến tại Syria.
Trong khi đó, Tổng thống Obama hôm 17/5 cho biết ông sẽ xem xét lựa chọn cả về ngoại giao và quân sự để gây áp lực với chính quyền Tổng thống Assad, nhưng nhấn mạnh rằng nếu Mỹ đơn độc hành động thì sẽ không đủ sức để giải quyết cuộc khủng hoảng Syria.
Cuộc nội chiến kéo dài hơn 2 năm qua tại Syria không chỉ cướp đi sinh mạng của khoảng 80.000 người, làm 1,5 triệu người phải rời bỏ nhà cửa mà còn có nguy cơ tạo ra khủng hoảng cho cả khu vực với sự tham gia của các nước láng giềng.
Israel đã tiến hành một số cuộc không kích trên lãnh thổ Syria với tuyên bố nhằm mục tiêu vào các lô hàng vũ khí chuyển giao cho Hezbollah tại Li Băng, đồng minh của Tổng thống Assad và kẻ thù của Tel Aviv.
![]() |
Mặc dù rất nhiều nỗ lực quốc tế đã được thực hiện nhưng hòa bình vẫn còn rất mong manh với Syria. |
bình luận (0)