Mỹ phát động tấn công ngoại giao nhằm thẳng vào Trung Quốc?

11/10/2013 14:06
Đông Bình
(GDVN) - Mỹ đang phát động đợt tấn công ngoại giao, ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.
Tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của tên lửa HQ-9 Trung Quốc
Tên lửa phòng không FD-2000, phiên bản xuất khẩu của tên lửa HQ-9 Trung Quốc

Ngày 10 tháng 10, mạng "Tin tức Trung Quốc" đăng bài viết cho rằng, tổng hợp các nguồn tin, ngày 26 tháng 9, Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố, lựa chọn hệ thống phòng không HQ-9 Trung Quốc làm hệ thống phòng không tầm xa thế hệ tiếp theo, tổng trị giá hợp đồng đạt 3 tỷ USD.

Có phân tích cho rằng, Thổ Nhĩ Kỳ tuy đã tuyên bố tên lửa HQ Trung Quốc giành chiến thắng trong tranh thầu, nhưng sức ép đến từ các nước phương Tây như Mỹ ngày càng gia tăng, phủ bóng đen lên giao dịch hàng quân sự hầu như thông thường này.

Triển vọng xuất khẩu HQ-9 khó đoán, có thể bị thất bại

Đối với việc Thổ Nhĩ Kỳ nhập khẩu tên lửa HQ-9 của Trung Quốc, các nước phương Tây như Mỹ và NATO dồn dập bày tỏ quan ngại. Ngày 30 tháng 9, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ cho biết: "Giao dịch này vẫn chưa được xác định cuối cùng, hiện chỉ là danh sách lựa chọn, Trung Quốc đứng ở đầu bảng. Chúng tôi còn phải nghiên cứu các điều kiện có liên quan. Nhưng, không còn nghi ngờ gì nữa, Thổ Nhĩ Kỳ trước hết là nước thành viên NATO".

Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Yilmaz sau đó cũng cho biết, hệ thống phòng thủ tên lửa HQ-9 do Trung Quốc chế tạo báo giá hợp lý nhất, nhưng giao dịch này vẫn chưa được quyết định cuối cùng.

Ông cho hay, Thổ Nhĩ Kỳ hy vọng hệ thống này có thể liên doanh sản xuất và tiến hành chuyển nhượng một phần công nghệ, đây là điều mà Mỹ, Nga và các nước EU không thể thực hiện. Ngoài ra, theo báo Trung Quốc, không tồn tại vấn đề hệ thống tên lửa của Trung Quốc không tương thích với NATO.

Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Quân đội Trung Quốc
Hệ thống tên lửa phòng không HQ-9 của Quân đội Trung Quốc

Báo chí các nước phân tích, mặc dù công ty Trung Quốc giành chiến thắng trong đấu thầu chế tạo hệ thống phòng thủ tên lửa và phòng không tầm xa cho Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng hợp đồng này cuối cùng có thể thực hiện được hay không vẫn còn phải chờ quan sát. Trước đây, không ít buôn bán vũ khí giữa Israel và Trung Quốc đã bị hủy bỏ do sự can thiệp của Mỹ.

Truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ dẫn nguồn tin quân sự cho rằng, Mỹ rất tức giận đối với quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ. Đối với Thổ Nhĩ Kỳ, sức ép đến từ Mỹ rất lớn, hơn nữa sức ép mới vừa bắt đầu. Không loại trừ khả năng Mỹ làm thất bại giao dịch hàng hóa quân sự này trong thời điểm cuối cùng.

Tờ "Nhật báo Vienna" Áo cho rằng, một số quan chức ngoại giao NATO bày tỏ lo ngại về cách làm của Thổ Nhĩ Kỳ, cho rằng, một khi đưa hệ thống của Trung Quốc gia nhập vào hệ thống phòng thủ của NATO sẽ gây ra quan ngại về an ninh mạng, an toàn dữ liệu sẽ bị đe dọa. Tờ "The Sunday Times" Anh cho biết, Mỹ rất bất bình đối với việc đồng minh NATO của họ lại mua vũ khí của doanh nghiệp Trung Quốc - tổ chức xuất khẩu công nghệ tên lửa cho Iran, bị Mỹ trừng phạt, và Mỹ đang phát động đợt tấn công ngoại giao, ngăn chặn Thổ Nhĩ Kỳ mua hệ thống phòng thủ tên lửa của Trung Quốc.

Vì sao gây nhiều quan ngại?

Ngày 8 tháng 10, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh cho rằng, hợp tác giữa công ty Trung Quốc và Thổ Nhĩ Kỳ là hợp tác thương mại vũ khí bình thường giữa hai nước, hy vọng các bên khách quan xem xét, không nên chính trị hóa cạnh tranh thương mại bình thường.

Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9
Hệ thống tên lửa phòng không tầm xa HQ-9

Theo báo Trung Quốc, đây là hợp tác mua bán vũ khí bình thường, tại sao lại được quan tâm nhiều như vậy? Hơn nữa, 3 tỷ USD không phải được coi là đơn hàng "lớn" trong thương mại quân sự thế giới.

Đối với vấn đề này, theo bài báo, công nghệ tên lửa phòng không tầm xa tiên tiến là một lĩnh vực có mức độ độc quyền cao nhất trong công nghệ vũ khí thông thường. Trên phạm vi thế giới, loại tên lửa có thể có năng lực phòng không chiến lược chỉ có tên lửa Patriot của Mỹ, S-300 của Nga và những dòng phái sinh. Trung Quốc xâm nhập thị trường này, có thể nói là lần đầu tiên đã phá vỡ sự độc quyền của Mỹ, Nga về công nghệ này.

Ngoài ra, chuyên gia quân sự Trung Quốc Trần Hổ cho rằng, chính vì trước đây tồn tại độc quyền trong lĩnh vực này, cho nên xuất khẩu loại vũ khí trang bị này là chương trình có tỷ lệ lợi nhuận cao nhất, thu nhiều tiền nhất trong thương mại vũ khí quốc tế.

Trần Hổ cho rằng, từ khi Liên Xô tan rã và bước vào thời đại nước Nga, trong những vũ khí xuất khẩu cho nước ngoài của Nga, chương trình kiếm được nhiều tiền nhất, có trị giá lớn nhất chính là tên lửa S-300. Tương tự, hệ thống tên lửa phòng không Patriot của Mỹ có thị phần tương đối cao.

Ngoài hai nguyên nhân "phá vỡ độc quyền công nghệ" và "bước vào lĩnh vực hút tiền", còn có một nhân tố quan trọng chính là đấu đá chiến lược quốc tế. Loại vũ khí này thường sẽ làm một công cụ và thủ đoạn quan trọng thực hiện mục đích chính trị, ngoại giao.

Đối với việc Trung Quốc xuất khẩu hệ thống tên lửa phòng không cho Thổ Nhĩ Kỳ, Trần Hổ nhấn mạnh, trên thực tế người khác quan tâm càng nhiều, lên tiếng càng nhiều, càng cho thấy ảnh hưởng từ việc làm của Trung Quốc đối với những lợi ích có thể đem lại trong tương lai, đối với môi trường xung quanh và cục diện thế giới càng lớn.

Hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo
Hệ thống tên lửa phòng không Patriot do Mỹ chế tạo

Mổ xẻ HQ-9: Đẹp má, giá rẻ, chất lượng chưa kiểm chứng

Theo báo Trung Quốc, "tên lửa HQ-9 là hệ thống vũ khí tên lửa phòng không tầm xa, thế hệ thứ ba, có thể tiến hành tác chiến phòng không trong mọi điều kiện thời tiết, trong điều kiện tập kích đường không tập trung và gây nhiễu điện tử mạnh, có thể đánh chặn các loại máy bay, vũ khí bay không người lái, vũ khí dẫn đường chính xác, có năng lực tấn công nhiều đợt và chống tấn công bão hòa mạnh!"

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Lý Kiệt trả lời phỏng vấn cho rằng, ưu thế tính năng lớn nhất của tên lửa HQ-9 chính là tầm bắn xa, có thể mở rộng năng lực phòng không khu vực, tốc độ phản ứng nhanh, độ nhạy cảm và độ chính xác "khóa" mục tiêu tương đối tốt, có ưu thế rất lớn trên phương diện đối phó với các mục tiêu tấn công.

Báo Trung Quốc cho rằng, HQ-9 sở dĩ lần này có thể trúng thầu, cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng tính năng loại tên lửa này đáp ứng được nhu cầu. Trước khi tranh thầu, Trung Quốc cũng đã tiến hành rất nhiều thử nghiệm, khẳng định loại tên lửa này có tính năng tốt. Ngoài ra, Trung Quốc báo giá ít nhất, thấp hơn 1 tỷ USD so với các đối thủ cạnh tranh như tên lửa Patriot của Mỹ, S-300 của Nga, trong chuyển giao công nghệ cũng linh hoạt hơn, đồng thời còn sẵn sàng đầu tư xây dựng khu kỹ thuật tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Hệ thống tên lửa phòng không S-300 Nga
Hệ thống tên lửa phòng không S-300 Nga

Lý Kiệt tự tin cho rằng, vũ khí trang bị của Trung Quốc có "uy tín tương đối tốt", "hàng đẹp giá rẻ", tuy đơn đặt hàng không nhiều, nhưng biểu hiện chung là có giá trị. Sau khi mua tên lửa HQ-9, Thổ Nhĩ Kỳ chắc chắn sẽ tiến hành cải tiến. Tên lửa HQ-9 có biểu hiện "xuất sắc" khi đánh chặn tên lửa hành trình, nhưng năng lực đánh chặn tên lửa đạn đạo chiến thuật hơi yếu, trong tương lai còn phải cải tiến và nâng cao.

Tờ "Die Welt" Đức cho rằng, nói thuần túy về việc sử dụng thực tế, quyết định của Thổ Nhĩ Kỳ có thể hiểu được, công ty Trung Quốc rõ ràng bỏ thầu thuận lợi, hơn nữa là nước duy nhất sẵn sàng chuyển giao công nghệ tập trung. Nhưng, về chính trị, quyết định này có thể rất đắt, các đối tác NATO như Mỹ sẽ bất đi niềm tin đối với Thổ Nhĩ Kỳ.

Giáo sư Trương Triệu Trung, Đại học Quốc phòng Trung Quốc ngày 8 tháng 10 cho rằng, tên lửa HQ-9 Trung Quốc ngoài giá rẻ, tính năng cũng "rất tin cậy", là "hàng đẹp giá rẻ tiêu chuẩn". Đối với Thổ Nhĩ  Kỳ, nước kề sát khu vực bất ổn Trung Đông, loại vũ khí này có thể đáp ứng nhu cầu.

Hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 châu Âu
Hệ thống tên lửa phòng không Aster-30 châu Âu
Đông Bình