Mỹ sẽ giảm ưu thế về chiến đấu cơ tàng hình vì bị đánh cắp công nghệ?

19/12/2012 06:30
Việt Dũng (nguồn báo Quang Minh)
(GDVN) - Mặc dù Nga, Trung Quốc đi sau Mỹ về công nghệ máy bay tàng hình, nhưng họ đang tiến bộ, mối đe dọa sẽ đến sớm hơn so với dự báo của Tình báo Mỹ.
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga
Máy bay chiến đấu tàng hình thế hệ thứ năm T-50 của Nga

Tạp chí “Không quân” (Air Force) Mỹ kỳ 12 đã đăng bài viết “Here Comes Adversary Stealth” của tổng biên tập tạp chí này, ông John A. Tirpak.

John A. Tirpak cho rằng, máy bay chiến đấu tàng hình được Trung Quốc và Nga lần lượt cho bay thử tuy tình hình năng tàng hình vẫn còn bị nghi ngờ, hơn nữa rất nhiều chỗ còn chưa đạt tiêu chuẩn của máy bay chiến đấu thế hệ thứ năm như định nghĩa của Mỹ, nhưng họ đã tạo ra thách thức cho Mỹ về ưu thế máy bay tàng hình độc quyền hơn 30 năm qua.

Đối với máy bay T-50 của Nga, chuyên gia không quân Mỹ cho rằng, cánh quạt động cơ của T-50 có thể trở thành bộ phản xạ radar rất lớn, vì vậy khi dò tìm ở phía trước thì không thể đảm bảo tàng hình hoàn toàn.

Trong khi đó, lỗ thông hơi động cơ ở đuôi của nó lại hầu như không tính tới thiết kế cơ bản có thể dò tìm thấp – cơ bản không có đặc trưng “hình răng cưa” điển hình của máy bay chiến đấu tàng hình Mỹ.

Hơn nữa, ngoài chờ đợi trang bị máy bay T-50, Nga cũng đã ký thỏa thuận với công ty Sukhoi đặt mua 48 máy bay Su-35, phiên bản cải tiến cuối cùng của dòng Su-27 Flanker – một bước quá độ trước khi trang bị máy bay chiến đấu kiểu mới.

Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc
Máy bay chiến đấu tàng hình J-20 Trung Quốc

John A. Tirpak chỉ ra, máy bay chiến đấu J-20 của Trung Quốc có ngoại hình tương tự F-22, dù nó chỉ giống ở thân trước. Cửa nạp của J-20 hầu như đã bắt chước F-35.

Cánh và đuôi máy bay thì hoàn toàn khác với máy bay chiến đấu khác, còn lỗ thông hơi động cơ cũng không được thiết kế đặc biệt để giảm mặt cắt ngang của radar, dù có thể nhìn thấy kết cấu hình răng cưa. Điều đáng chú ý là giảm mặt cắt ngang hướng vào radar ở phía trước.

Xét về độ dài và vị trí trọng tâm của J-20, nó hầu như hoàn toàn không phải là máy bay chiến đấu linh hoạt. Loại máy bay vừa to vừa dài này có thể được thiết kế làm máy bay tấn công tàng hình, chứ không phải là để chiến đấu cự ly gần.

Vì vậy, có người cho rằng, J-20 thực chất là một loại máy bay tấn công tàng hình, mục tiêu thiết kế chính là tính năng tàng hình của nó đủ để bảo đảm tiếp cận mục tiêu, nhanh chóng rút lui sau khi phóng xong tên lửa.

Những tính năng này cho thấy, J-20 sẽ đóng vai trò tấn công các căn cứ hoặc chống hạm. Điều này cũng phù hợp logic, bởi vì khi tiến hành các hành động đường không ở khu vực chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, Mỹ phải dựa vào tàu sân bay và các căn cứ tuyến đầu.

Ngoài ra, nguyên tắc quân sự của Trung Quốc nhấn mạnh làm suy yếu ưu thế của Mỹ trong giai đoạn đầu xung đột, chẳng hạn hệ thống tình báo, theo dõi và trinh sát, các căn cứ tuyến đầu.

Tại một cuộc triển lãm thương mại vũ khí, Tập đoàn Thành Đô đã trưng bày mô hình J-20 mở khoang vũ khí, đã để lộ mô hình tên lửa không đối không, hầu như giống với máy bay F-22.

Nếu mô hình này là chính xác, thì J-20 cũng sẽ thực hiện nhiệm vụ đánh chặn, có thể phóng loạt tên lửa đối với cụm máy bay tấn công lao đến của đối phương, hoặc làm sát thủ tiêu diệt máy bay cảnh báo sớm E-3, máy bay do thám cỡ lớn ISR hoặc máy bay tiếp dầu trên không. Các nguồn tin từ Trung Quốc cho biết, J-20 sẽ hình thành sức chiến đấu ban đầu vào năm 2018.

J-20 bay thử lần đầu tiên vào tháng 1/2011, đúng vào thời gian Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khi đó, ông Robert M. Gates thăm Trung Quốc. Đến tháng 9/2012, khi những hình ảnh bay thử của J-31 (có lúc gọi là J-21 hoặc F-60) của Tập đoàn chế tạo máy bay Thẩm Dương xuất hiện trên mạng, đúng vào trước mấy ngày thăm Trung Quốc của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Leon Panetta.

Với sự trùng hợp liên tục như vậy, Trung Quốc dường như muốn truyền đi một thông điệp là, các doanh nghiệp hàng không của họ có đủ nguồn lực, có thể đồng thời nghiên cứu phát triển 2 loại máy bay chiến đấu tàng hình trở lên và sẽ thách thức Mỹ trên lĩnh vực này.

Trong tất cả các máy bay tàng hình không phải của Mỹ, J-31 giống F-22 nhất về bề ngoài. Ngoài ra, vị trí trọng tâm của J-31 cho thấy nó có “tính cơ động xuất sắc” –  theo tuyên truyền "tự tung tự tác' của báo chí TQ.

Báo Mỹ: Máy bay chiến đấu J-31 không có khả năng gấp cánh
Báo Mỹ: Máy bay chiến đấu J-31 không có khả năng gấp cánh

Trên thực tế, một hình ảnh xuất hiện trên mạng vào tháng 9/2011 đã tiết lộ thông tin nó rất giống F-22. Nhưng, nhìn vào chính diện phía trước, cửa nạp siêu âm không có tấm ngăn cách của J-31 lại rõ ràng mô phỏng F-35.

Tỷ lệ nhận biết từ các hình ảnh nhìn trước hiện có còn chưa đủ để phán đoán cánh quạt động cơ của J-31 phải chăng được giấu ở trong thân máy bay, như F-22, F-35 và B-2 hay không. Lỗ thông hơi động cơ của J-31 cũng hầu như rất ít tính tới tạo hình tàng hình hoặc thiết kế tàng hình.

Bánh đáp của J-31 tương tự với máy bay F-14 Tomcat truyền kỳ của Hải quân Mỹ, đặc điểm là bánh trước đã áp dụng bánh đôi. Từ những đặc điểm tổng hợp này có thể thấy, J-31 có thể là máy bay phiên bản hải quân, có thể có khả năng cất/hạ cánh trên tàu sân bay.

Nhưng, điều khác với máy bay hải quân Mỹ là, J-31 hiện nay rõ ràng không thể gấp cánh.

Đối với máy bay chiến đấu tàng hình Trung Quốc, Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương Mỹ, thượng tướng Herbert J. Carlisle cho biết, Trung Quốc “trước hết đã đạt được tiến bộ về nâng cao khả năng và chất lượng”, tức là ưu thế công nghệ tàng hình 30 năm qua của Không quân Mỹ sẽ gặp thêm đối thủ trong tương lai.

Báo Mỹ: Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-22 phải được kiểm nghiệm lâu dài mới có trình độ tác chiến thực tế.
Báo Mỹ: Máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và F-22 phải được kiểm nghiệm lâu dài mới có trình độ tác chiến thực tế.

Đồng thời, Carlisle cho rằng: “Về khả năng tàng hình, Trung Quốc lạc hậu so với chúng tôi…, nhưng họ đang nghiên cứu chế tạo và đạt được những thứ có ngoại hình tương tự, chúng tôi đương nhiên không thể dừng lại ở vị trí trước đây”. “Chúng tôi buộc phải trở nên tốt hơn”.

Trong phần lớn trường hợp, các quan chức Mỹ xem nhẹ những máy bay chiến đấu mới này, cho rằng việc thiết kế bề ngoài có đặc tính tàng hình so với khả năng thăm dò tầm thấp thực sự là có khoảng cách rất lớn. Đây là điều tất yếu. Tính năng tàng hình có giá trị chiến đấu thực tế cần có một loạt kỹ chiến thuật, huấn luyện và kỹ năng với rất nhiều nội dung.

Từ thiết kế bản vẽ đến hình thành sức chiến đấu, máy bay F-22 Raptor đã mất tới 20 năm, trong thời gian đó, nó cũng đã phải trải qua rất nhiều thất bại với giá đắt. Tương tự, máy bay mới F-35 cũng mất rất nhiều năm nghiên cứu phát triển.

Trong giai đoạn thử nghiệm của hệ thống tàng hình ban đầu, rất nhiều mặt như vật liệu, điện tử và bộ cảm biến đều phải được nghiên cứu đi, nghiên cứu lại, càng chưa nói tới việc tích hợp các thiết bị này. Nắm chắc các khâu quan trọng như chế tạo, bảo trì và bay thử cũng cần rất nhiều thời gian, tiền bạc và sự nhẫn nại.

Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 ném bom đường kính nhỏ GBU-39
Máy bay chiến đấu tàng hình F-22 ném bom đường kính nhỏ GBU-39

Cho dù những đối thủ thách thức tàng hình này còn chưa đủ lập tức tạo ra mối đe dọa, nhưng mối đe dọa lại đến sớm hơn so với dự đoán của các cơ quan tình báo Mỹ. Trên thực tế, cùng với sự phổ biến nhanh chóng của công nghệ máy tính và tình báo mạng, có người dự đoán khả năng ưu thế về máy bay tác chiến của Mỹ có lẽ giảm đi nhiều do nguy cơ bị đánh cắp công nghệ.

Việt Dũng (nguồn báo Quang Minh)