Mỹ sẽ tăng gấp đôi tên lửa đánh chặn diệt tên lửa DF-41 Trung Quốc?

15/11/2012 07:59
Việt Dũng
(GDVN) - Báo TQ đã nhấn mạnh như vậy, nhất là đã làm nổi bật khả năng cảnh báo sớm tên lửa và khả năng đánh chặn tốc độ cao của tên lửa Mỹ-Nhật.
Hình ảnh này được cho là tên lửa xuyên lục địa DF-41 lắp nhiều đầu đạn của Trung Quốc
Hình ảnh này được cho là tên lửa xuyên lục địa DF-41 lắp nhiều đầu đạn của Trung Quốc

Ngày 12/11, Viện nghiên cứu phân tích Quốc phòng Ấn Độ có bài viết cho rằng, gần đây Trung Quốc đã phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa cơ động thế hệ mới – tên lửa DF-41, nghe nói nó có tầm phóng lên tới 14.000 km, có thể được lắp đầu đạn hạt nhân.

Dự đoán, hiện nay Trung Quốc sở hữu 30-40 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể chạm tới đất liền của Mỹ, những tên lửa này đều là những tên lửa trang bị 1 đầu đạn (đầu đạn đơn), vì vậy tổng số đầu đạn tương ứng của chúng là 30-40. Một khi tên lửa DF-41 được trang bị hàng loạt, số lượng tên lửa đánh chặn của Mỹ sẽ tăng lên gấp đôi.

Tên lửa DF-41 đã mở rộng kho dự trữ tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện có của lực lượng Pháo binh 2 Trung Quốc. Trung Quốc hiện đã trang bị hàng loạt tên lửa DF-5A kiểu cũ và tên lửa DF-31, tên lửa DF-31A có tính cơ động.

Trong ba loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa hiện có, tên lửa DF-31 có tầm phóng khoảng 7.200-8.000 km, chỉ có thể chạm tới Alaska và chỉ lắp 1 đầu đạn. Hai loại tên lửa khác cũng đều là những tên lửa lắp 1 đầu đạn, có thể phát động tấn công đối với bất cứ khu vực nào trên đất Mỹ.

Có tin cho rằng, tên lửa đạn đạo DF-31A có khả năng lắp nhiều đầu đạn (đa đầu đạn), có thể lắp 3 đầu đạn, nhưng làm như vậy sẽ phải “hy sinh” tầm phóng của tên lửa, làm cho nó không thể chạm tới lãnh thổ Mỹ.

Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa DF-31A, Pháo binh 2, Quân đội Trung Quốc

Hiện nay, Trung Quốc có khả năng phóng tên lửa lắp 1 đầu đạn tới lãnh thổ Mỹ. Nhưng, về khoa học kỹ thuật và diện tích bao phủ, khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ không ngừng tăng lên, Trung Quốc lo ngại tình hình này sẽ làm giảm khả năng răn đe mà nước này đang cố gắng chứng tỏ.

Gần đây, Trung Quốc phóng thử tên lửa DF-41 lắp 10 đầu đạn, tầm phóng đạt 14.000 km, chính là một phần nỗ lực nhằm cải thiện khả năng răn đe của họ. Trung Quốc đang tích cực làm cân bằng khả năng tên lửa giữa hai nước Trung-Mỹ, duy trì khả năng răn đe của mình.

Dự đoán, Trung Quốc sở hữu 30-40 tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể chạm tới lãnh thổ nước Mỹ. Trong đợt tấn công đầu tiên của Mỹ, những tên lửa sống sót sẽ bị hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đánh chặn, tiến tới làm giảm khả năng đáp trả của Trung Quốc.

Các loại phân tích về hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ cho thấy, khi đối mặt với tấn công “bão hòa” (dày đặc), kết hợp với sự tấn công của thiết bị đáp trả và tên lửa lắp nhiều đầu đạn, hiệu lực của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ sẽ ít nhiều bị giảm.

Tên lửa đạn đạo DF-31, Pháo binh 2, Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo DF-31, Pháo binh 2, Trung Quốc

Theo bài báo, Trung Quốc có công nghệ phát triển và trang bị tên lửa lắp nhiều đầu đạn, có khả năng đáp trả đối với hệ thống phòng thủ tên lửa. Trong tình hình đó, rất nhiều chuyên gia cho rằng, Trung Quốc sẽ tiếp tục thúc đẩy xây dựng khả năng răn đe tối thiểu, đồng thời nâng cao khả năng sống sót và hiệu quả của tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Mặt khác, khi cân nhắc Mỹ tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa, trong tương lai, Trung Quốc có thể sẽ nỗ lực tăng cường lực lượng hạt nhân của họ. Việc phóng thử tên lửa DF-41 gần đây là một trong những nỗ lực đó của Trung Quốc. Đi sâu triển khai nghiên cứu khả năng này sẽ rất quan trọng đối với công nghệ phòng thủ tên lửa của Mỹ và những nỗ lực “trả thù” của Trung Quốc.

Mỹ triển khai radar quy mô lớn, tăng mạnh khả năng phòng thủ tên lửa

Mỹ đã bắt đầu triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa của họ, bảo vệ nước Mỹ không bị tên lửa tấn công. Gần đây, có tin cho biết, với tính cách là một phần của chương trình phòng thủ tên lửa, Mỹ sẽ triển khai một hệ thống radar sóng ngắn X-band ở miền nam Nhật Bản.

Trước đó, Mỹ đã triển khai một radar sóng ngắn  X-band ở căn cứ Shariki, thành phố Tsugaru, tỉnh Aomori, Nhật Bản. Mỹ sẽ còn triển khai radar sóng ngắn X-band trên biển và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa phòng thủ tầm trung ở Thái Bình Dương (có thể là Bắc Thái Bình Dương).

Radar GBR-P của hãng Raytheon bố trí trên đảo Kwajalein, thuộc quần đảo Marshall
Radar GBR-P của hãng Raytheon bố trí trên đảo Kwajalein, thuộc quần đảo Marshall

Mỹ cũng đã triển khai radar sóng ngắn GBR-P ở đảo Kwajalein, Nam Thái Bình Dương, đã triển khai radar AN/FPS-115 phiên bản nâng cấp ở căn cứ không quân Beale, California, đồng thời có sự hỗ trợ của các radar phiên bản nâng cấp ở Fglindales – Anh và Thule – Greenland.

Ngoài ra, Mỹ và Nhật Bản còn triển khai một số tàu chiến Aegis trang bị tên lửa đánh chặn SM-3 ở duyên hải Trung Quốc. Những tàu chiến Aegis này được trang bị radar sóng ngắn S-band và thiết bị sóng ngắn X-band, vừa có thể đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay đoạn cuối (giai đoạn gần tới mục tiêu), vừa có thể đánh chặn những tên lửa lắp 1 đầu đạn và nhiều đầu đạn với các loại tầm phóng.

Ngoài việc đánh chặn tên lửa đạn đạo tầm ngắn và tầm trung, những hệ thống này còn có thể dò tìm và theo dõi tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, đồng thời truyền những thông tin chi tiết về mục tiêu và quỹ đạo cho các hệ thống khác trong hệ thống phòng thủ tên lửa, để đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa bay đoạn giữa (giai đoạn giữa đường).

Ngoài những bộ cảm biến này, Mỹ cũng đã triển khai hệ thống theo dõi và giám sát trong không gian – đó là các vệ tinh do thám, dùng để “quét” các mục tiêu. Những bộ cảm biến ngoài không gian vũ trụ này có thể phát hiện ra tên lửa bay đoạn đầu (giai đoạn đẩy lên) do phóng ra tia bức xạ (ngoài sóng ngắn cường độ cao), đồng thời có thể truyền thông tin tới các bộ cảm biến khác và hệ thống kiểm soát hỏa lực.

Radar Cobra Dane (L-band)
Radar Cobra Dane (L-band)

Những “trận địa” bộ cảm biến này cho thấy, khả năng dò tìm, theo dõi và nhận biết đạn nhử mồi (mồi nhử) của Mỹ đã được cải thiện rất lớn. Tất cả các bộ cảm biến của radar Mỹ, ngoài những radar có từ sớm như AN/FPS-132 (UHF), radar Cobra Dane (L-band) và radar SPY-1 (S-band), thì đều thuộc radar X-band, giúp thu được những thông tin về mục tiêu có độ phân giải cao, từ đó phân biệt được mồi nhử, mãnh vỡ tên lửa và đầu đạn thực tế.

Tuy nhiên, kẻ tấn công có thể sẽ sử dụng thiết bị chống lại tín hiệu radar và hồng ngoại. Vì vậy, để nhận biết tốt hơn mồi nhử, hệ thống cảnh báo sớm và theo dõi còn phải có bộ cảm biến quang học. Trong tương lai, khả năng của hệ thống theo dõi và giám sát không gian (vẫn đang ở giai đoạn kiểm chứng) sẽ được cải thiện, giúp nó có thể theo dõi mục tiêu và nhận biết mồi nhử tốt hơn, tiến tới tăng cường hiệu lực của hệ thống phòng thủ tên lửa Mỹ.

Triển khai bộ cảm biến trên mặt đất và hệ thống trong không gian sẽ giúp cho hệ thống kiểm soát hỏa lực có thêm nhiều thời gian phản ứng hơn. Khả năng nhận biết mồi nhử được cải thiện, quá trình đánh chặn được bắt đầu sớm, sẽ làm cho mô hình đánh chặn “bắn-quan sát-bắn” (shoot-look-shoot) trở thành hiện thực (tức có khả năng), tiến tới làm giảm nhu cầu về số lượng tên lửa đánh chặn, giảm gánh nặng cho hệ thống đánh chặn đoạn cuối (đánh chặn tên lửa bay gần tới mục tiêu).

Hệ thống phòng thủ trên biển của Mỹ - tàu chiến Aegis phóng tên lửa đánh chặn SM-3
Hệ thống phòng thủ trên biển của Mỹ - tàu chiến Aegis phóng tên lửa đánh chặn SM-3

Công nghệ đánh chặn là một lĩnh vực quan trọng khác cần được cải thiện. Thiết bị đánh chặn động năng của tên lửa đánh chặn tầm trung áp dụng dẫn đường đầu dẫn đoạn cuối quang học hai băng tần (thị giác và hồng ngoại).

Để nâng cao độ chính xác và hiệu quả nhận biết mục tiêu đoạn cuối (giai đoạn tới đích) – điều này sẽ nâng cao tỷ lệ “tiêu diệt tên lửa bắn phát một” cho tên lửa đánh chặn – trong tương lai có thể sẽ ứng dụng đầu dẫn double model. Tỷ lệ tiêu diệt tên lửa phát một tương đối cao có thể tiếp tục làm giảm nhu cầu đối với số lượng tên lửa đánh chặn.

Dự kiến, trong tương lai tỷ lệ chất đốt của động cơ tên lửa sẽ được cải thiện, nâng cao tốc độ trung bình, ngoài ra tên lửa sẽ còn trang bị thêm phần mềm và hệ thống kiểm soát tư thế tiên tiến hơn, từ đó cải thiện hệ thống kiểm soát của tên lửa. Tất cả những cải tiến và điều chỉnh về tính năng này đều sẽ khiến cho những nỗ lực duy trì khả năng răn đe tin cậy của Trung Quốc càng trở nên phức tạp.

Radar AN/SPY-1 trên tàu chiến Aegis, Hải quân Mỹ
Radar AN/SPY-1 trên tàu chiến Aegis, Hải quân Mỹ

DF-31 khiến cho Mỹ cần gấp đôi tên lửa đánh chặn

Trung Quốc rất có thể phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tấn công nước Mỹ từ hai hướng, đó là Bắc Cực (quỹ đạo vùng cực địa) hoặc vùng rìa cực Bắc Thái Bình Dương. Bất kể phát động tấn công Mỹ từ hướng nào, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc đều phải vượt qua phạm vi triển khai tên lửa đánh chặn ở Alaska và California, tình hình cụ thể tùy thuộc vào khu vực mục tiêu do Trung Quốc tấn công.

Mỹ triển khai bộ cảm biến phòng thủ tên lửa (radar mặt đất X-band và tàu chiến Aegis) ở Nhật Bản và khu vực xung quanh, có thể dò tìm và theo dõi bất cứ hoạt động phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa nào của Trung Quốc trong giai đoạn đầu mới phóng lên.

Có tin cho biết, radar AN/SPY-1 có thể theo dõi tên lửa đạn đạo trong phạm vi 1.000 km, radar sóng ngắn THAAD GBR (AN/TPY-2) X-band có thể được sử dụng làm radar triển khai tuyến trước (tiền tuyến), khi phát hiện ra hoạt động phóng tên lửa mang tính đe dọa, sẽ tiến hành cảnh báo sớm cho hệ thống M-3.

Radar AN/FPS-115 được triển khai ở căn cứ Beale, California, Mỹ
Radar AN/FPS-115 được triển khai ở căn cứ Beale, California, Mỹ

Tuy nhiên, việc phát hiện ra độ cao của tên lửa phóng lên đoạn đầu tùy thuộc vào cự ly từ radar đến điểm phóng. Nếu tên lửa phóng ở khu vực gần bờ, thuộc phạm vi bao trùm của hệ thống SM-3, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có khả năng sẽ bị phát hiện trong giai đoạn đẩy lên.

Để đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa ở giai đoạn đầu, có khả năng sẽ phải nâng cao tốc độ của tên lửa đánh chặn, đồng thời có thể sẽ cần đến phầm mềm dẫn đường điều chỉnh.

Trong 10-15 năm tới, quân Mỹ hy vọng trang bị tên lửa đánh chặn (do Mỹ-Nhật hợp tác nghiên cứu chế tạo) cho tàu chiến Aegis. Được biết, loại tên lửa đánh chặn này có thể tích lớn hơn, tốc độ nhanh hơn. Theo đánh giá, loại tên lửa này có tốc độ rất nhanh, về nguyên tắc đủ để đánh chặn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa.

Vì vậy, để né tránh tàu chiến Aegis, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa của Trung Quốc có khả năng sẽ được phóng từ khu vực ở sâu trong nội địa Trung Quốc và ở quỹ đạo vòng quanh vùng cực địa. Việc phóng tên lửa từ trong khu vực nội địa còn có thể làm tăng tỷ lệ sống sót cho tên lửa Trung Quốc khi bị Mỹ tập kích đường không.

GEO-1 là vệ tinh do thám hồng ngoại tiên tiến nhất thế giới hiện nay của Mỹ
GEO-1 là vệ tinh do thám hồng ngoại tiên tiến nhất thế giới hiện nay của Mỹ

Để chọc thủng hệ thống phòng thủ tên lửa mạnh, báo chí TQ cho rằng, tên lửa Trung Quốc cũng cần sử dụng các biện pháp đáp trả thích hợp (lắp mồi nhử cho thiết bị đáp trả radar và hồng ngoại, đầu đạn MRW và tên lửa đa đầu đạn). Nhưng, cùng với khả năng nhận biết mồi nhử của Mỹ từng bước cải thiện, hiệu quả của những biện pháp đáp trả này sẽ không ngừng giảm xuống.

Hiện nay, Trung Quốc đã triển khai 2 loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa: tên lửa DF-5A kiểu cũ phóng giếng và tên lửa cơ động DF-31A sử dụng nhiên liệu rắn. Trước đó, Trung Quốc đã phóng thử tên lửa DF-41 có tầm phóng tới 14.000 km. Tuy DF-5A và DF-31A thuộc tên lửa 1 đầu đạn, nhưng tên lửa DF-41 lại là loại tên lửa nhiều đầu đạn, có thể lắp 10 đầu đạn.

Hiện nay, dự đoán, Trung Quốc sở hữu 30-40 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa có thể chạm tới nước Mỹ, những tên lửa này đều là tên lửa trang bị 1 đầu đạn, vì vậy tổng số đầu đạn của nó cũng tương ứng là 30-40.

Giả dụ tỷ lệ tiêu diệt đầu đạn đơn của tên lửa đánh chặn triển khai ở Alaska và California là 0,3, thì để đánh chặn một đầu đạn cần có 4 quả tên lửa đánh chặn. Vì vậy, Mỹ cần tổng cộng 120-160 quả tên lửa đánh chặn.

Tuy nhiên, một khi tên lửa DF-41 có thể lắp 10 đầu đạn được đưa vào trang bị hàng loạt, số lượng tên lửa đánh chặn cần triển khai của Mỹ sẽ tăng gấp đôi. Nếu Trung Quốc thực hiện các biện pháp đáp trả và sử dụng mồi nhử, thì Mỹ cần có nhiều tên lửa đánh chặn hơn.

Mỹ triển khai thêm radar cảnh báo sớm tên lửa ở miền nam Nhật Bản
Mỹ triển khai thêm radar cảnh báo sớm tên lửa ở miền nam Nhật Bản

Nhưng, như trên đã nói, khả năng nhận biết mồi nhử và hiệu quả đánh chặn tên lửa của Mỹ liên tục được cải thiện, có thể triệt tiêu phần nào những nỗ lực của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể áp dụng các biện pháp đáp trả đối với Mỹ, trong đó có tăng cường khả năng răn đe dưới nước (dưới biển). So với tên lửa triển khai trên mặt đất, hệ thống phòng thủ tên lửa ứng phó với tên lửa đạn đạo được phóng từ tàu ngầm sẽ có độ khó lớn hơn.

Tên lửa phóng từ tàu ngầm sẽ làm gia tăng độ khó cho hệ thống theo dõi, rút ngắn thời gian phản ứng của hệ thống phòng thủ tên lửa. Hạm đội tàu ngầm hạt nhân chiến lược trang bị tên lửa đạn đạo của Trung Quốc vẫn đang ở trong giai đoạn phát triển ban đầu, do bị ảnh hưởng bởi vấn đề công nghệ, hoạt động tuần tra của tất cả những tàu ngầm hạt nhân trang bị tên lửa đạn đạo đều chưa được ghi chép thành tư liệu, hồ sơ.

Cùng với việc giải quyết những vấn đề này và trang bị hàng loạt tàu ngầm kiểu mới lớp Tấn, khả năng răn đe dưới biển của TQ có vẻ được cải thiện. Trung Quốc sẽ triển khai 4 tàu ngầm lớp Tấn, mỗi chiếc tàu ngầm có thể trang bị 16 quả tên lửa JL-2 (Cự Lãng 2), mỗi quả tên lửa JL-2 được lắp một đầu đạn.

Tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2 Trung Quốc
Tên lửa đạn đạo phóng ngầm JL-2 Trung Quốc

Tên lửa JL-2 còn có thể lắp nhiều đầu đạn (3 đầu đạn), làm cho tổng số đầu đạn lắp cho những tên lửa này lên tới con số 192. Nhưng, ít nhất trong ngắn hạn, do bị tác động ảnh hưởng bởi các vấn đề như công nghệ, nhân viên, huấn luyện và kinh nghiệm, Trung Quốc sẽ không có khả năng răn đe dưới biển có hiệu quả.

Những nỗ lực tăng cường khả năng phòng thủ tên lửa của Mỹ sẽ làm giảm khả năng “trả thù” hạt nhân của Trung Quốc, từ đó làm cho sự răn đe hạt nhân của Trung Quốc vô hiệu/bất lực. Điều này buộc Bắc Kinh sẽ phải thông qua cải thiện cơ cấu lực lượng hạt nhân, triển khai nhiều hơn tên lửa đạn đạo nhiều đầu đạn và đầu đạn cơ động, tăng cường cả về chất lượng và số lượng.


Việt Dũng