Mỹ thừa nhận chiến hạm đang trên đường đến Biển Đông phòng thủ yếu

17/01/2013 15:16
Lê Dũng
(GDVN) - Trong tháng 5/2012, báo cáo nghiệm thu của Hải quân Mỹ cho biết USS Freedom không vượt qua được 14/28 cuộc thử nghiệm
USS Freedom lúc mới được hạ thủy năm 2008
USS Freedom lúc mới được hạ thủy năm 2008

Hải quân Mỹ dự định sẽ đưa một trong những chiến hạm mới nhất của nước này - USS Freedom ra nước ngoài hoạt động mặc dù Lầu Năm Góc đã chính thức thừa nhận rằng hệ thống vũ khí của con tàu này có vấn đề và không chắc chắn  được rằng nếu có tình huống chiến đấu thì nó có thể sống sót hay không.

USS Freedom
USS Freedom

USS Freedom - là một trong những chiến hạm tác chiến ven bờ (Littoral Combat Ship) mới nhất được trang bị cho Hải quân Hoa Kỳ. Cách đây không lâu nó đã không vượt qua được các cuộc thử nghiệm liên quan đến khả năng phòng thủ và tấn công.

USS Freedom được hoàn thành vào năm 2008, nó được thiết kế để tấn công các hạm đội tàu chiến của đối phương trong các tình huống tác chiến. USS Freedom được đánh giá là một trong nhiều tàu chiến có khả năng cơ động nhanh nhất trong biên chế của Hải quân Mỹ.

USS Freedom sau khi được hoàn thành đầy đủ đã có đơn giá lên đến 670,4 triệu USD, tuy nhiên con tàu đắt đỏ này vẫn không đáp ứng được các thử nghiệm khắt khe của Hải quân Mỹ.

USS Freedom
USS Freedom

Trong tháng 5/2012, báo cáo nghiệm thu của Hải quân Mỹ cho biết USS Freedom không vượt qua được 14/28 cuộc thử nghiệm trong đó có các chức năng của hệ thống chữa cháy, thông tin liên lạc, điện tử và động cơ kéo. 8 tháng sau đó, sau khi kiểm tra tiếp con tàu vẫn không giải quyết được các yêu do Hải quân Mỹ đặt ra.

J. Michael Gilmore - Giám đốc phụ trách các vấn đề liên đới và thử nghiệm chiến dịch của Bộ Quốc phòng Mỹ tiết lộ rằng những điều ông lo ngại ở USS Freedom đã được đề ra trong một nghiên cứu thường niên được Quốc Hội Mỹ công bố vào hôm thứ Ba vừa qua.

J. Michael Gilmore cho rằng chiến hạm USS Freedom khó có thể sống sót trong các tình huống chiến đấu trong chiến tranh hải quân hiện đại. Ông J. Michael Gilmore cũng đã bày tỏ những quan ngại của mình vào năm 2011 khi đó ông dự đoán USS Freedom không thể tham gia chiến trận với đối phương bởi nó còn có quá nhiều hạn chế.

USS Freedom
USS Freedom

Theo J.Michael Gilmore, các pháo hạm cỡ nòng 30 và 57 mm được bố trí trên boong chiến hạm USS Freedom đã hoạt động một cách không tin cậy. Nó khó hoạt động hiệu quả khi chạy ở tốc độ cao dẫn đến khả năng phòng thủ kém.

J.Michael Gilmore cho biết mặc dù biết USS Freedom  còn tồn tại nhiều điểm yếu và rất dễ bị tiêu diệt nhưng Hải quân Mỹ vẫn quyết định đưa nó ra nước ngoài hoạt động trong 8 tháng tới. Con tàu này đang trên đường đến Singapore, nơi Tổng thống Obama đã cam kết trong nỗ lực duy trì sự hiện diện lớn hơn của Mỹ tại khu vực châu Á.


Cho đến bây giờ thủy thủ đoàn trên con tàu này vẫn còn đang loay hoay với các công nghệ điều khiển và nắm vững các cơ chế hoạt động của nó.

"Chúng tôi đang rút ra rất nhiều bài học từ hoạt động triển khai này" - Phó đô đốc Hải quân Mỹ Tom Copeman nói trên tạp chí Tình báo quốc phòng, An ninh và đánh giá.

Pháo hạm phía trước của USS Freedom
Pháo hạm phía trước của USS Freedom

Trong khi đó, một phát ngôn viên của Hải quân Mỹ được báo chí Nga trích dẫn cho biết Lầu Năm Góc nhận thức rất rõ về các vấn đề của chiến hạm USS Freedom và đang trong quá trình vừa triển khai vừa hoàn thiện nó.

Quân đội Mỹ cũng ý thức được rằng việc đưa một con tàu ra nước ngoài trong khi nó vẫn còn có vấn đề thiếu sót là một rủi ro cho Hải quân.

* Trích dẫn, đăng tải lại toàn bộ hoặc một phần thông tin từ bài viết này phải chịu trách nhiệm và ghi rõ "theo báo Giáo Dục Việt Nam" hoặc "theo Giaoduc.net.vn".
Lê Dũng