Na Uy cảnh báo công dân về "bẫy mật" của tình báo Nga

14/11/2015 07:35
Nguyễn Hường
(GDVN) - Đơn vị phản gián của Dịch vụ an ninh Quốc gia Na Uy tin rằng Nga đã sử dụng "bẫy mật" để buộc các công dân nước này cung cấp thông tin cho họ.

Tờ Business Insider dẫn báo cáo của đài truyền hình quốc gia Na Uy NRK ngày 13/11 đưa tin cho biết, cảnh sát Na Uy đã ban hành cảnh báo về việc nhiều chính trị gia và doanh nhân nước này đã trở thành mục tiêu của tình báo Nga.

Theo Người đứng đầu (PST) đơn vị phản gián của Dịch vụ an ninh Quốc gia Na Uy, Arne Christian Haugstoyl, Nga đã sử dụng "bẫy mật" để buộc các công dân nước này cung cấp thông tin cho họ.

Ảnh minh họa. Nguồn Internet.
Ảnh minh họa. Nguồn Internet. 


Bẫy mật là một phương pháp gián điệp lâu đời và khá phổ biến, trong đó các điệp viên thu hút mục tiêu bằng rượu và sex để khống chế trong tương lai nhằm thu thập thông tin. Trung Quốc và Israel được cho là hai quốc gia sử dụng nhiều phương pháp này.

"Chúng tôi đã nhận được các báo cao về việc người dân Na Uy bị tống tiền để cung cấp tin cho các nhà chức trách Nga... Đây là một bước phát triển đáng báo động mà chúng tôi phải thận trọng", Haugstoyl nói với NRK. 

Theo tờ Quartz, giới chức an ninh Na Uy lên tiếng bày tỏ quan ngại về tình trạng trên sau khi "một lượng lớn" công dân nước này trở rơi vào những "chiếc bẫy" của tình báo Nga, tuy nhiên, nhiều nạn nhân không dám lên tiếng vì nhiều lý do khác nhau. 

Theo NRK, vấn đề này cũng đã được thảo luận trong một phiên họp Quốc hội gần đây. Tuy nhiên, báo cáo này chưa được xác nhận. 

Mùa hè này, Tor André Johnsen, một nghị sĩ thuộc đảng Tiến bộ là đối tác trong liên minh cầm quyền của Na Uy, đã nhận được một cảnh báo từ PST về mối quan hệ không chính thức của ông với các quan chức tại Đại sứ quán Nga, Telegraph cho biết thêm.

Theo đài truyền hình nhà nước Na Uy NRK, một số nghị sĩ Na Uy khác đã tiết lộ về liên hệ của họ với người Nga.

Andrey Kulikov, tùy viên báo chí của Đại sứ quán Nga tại Oslo đã bác bỏ cáo buộc rằng đất nước ông đã tống tiền người Na Uy.

Căng thẳng giữa Nga và Na Uy tăng mạnh sau khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea hồi năm ngoái. Hồi đầu năm nay, Na Uy đã công bố sẽ tăng chi tiêu quốc phòng thêm nửa tỷ USD để tăng cường sự hiện diện quân sự của mình ở phía bắc.

Jakub Godzimirski, một giáo sư tại Viện Quan hệ Quốc tế Na Uy chuyên về các vấn đề an ninh nói với Telegraph rằng ông không ngạc nhiên về mối quan tâm của PST bởi trong quá khứ, hai quốc gia này đã từng xảy ra nhiều vụ bê bối gián điệp lớn.

Haugstoyl nói rằng PST sợ có người Na Uy đã bị rơi vào bẫy và đang được tình báo Nga sử dụng bởi họ "khá ngây thơ" khi đi du lịch nước ngoài./.

Nguyễn Hường