Năm 2020, toàn bộ người dân Hà Nội phải được dùng nước sạch tiêu chuẩn

04/12/2019 10:40
Đỗ Thơm
(GDVN) - Ông Nguyễn Thế Hùng - Phó Chủ tịch Thành phố Hà Nội khẳng định, các khu vực nước ngầm không đảm bảo phải đóng cửa.

Sáng 4/12, tại kỳ họp thứ 11 của Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố – ông Nguyễn Thế Hùng đã làm rõ một số ý kiến đại biểu Hội đồng Nhân dân Thành phố Hà Nội liên quan đến vấn đề quy hoạch nước, giá nước sạch và vụ nước nhà máy sông Đà nhiễm dầu thải ảnh hưởng đến hàng vạn người dân Thủ đô.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Thế Hùng. Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị
Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội – ông Nguyễn Thế Hùng. Ảnh: Báo Kinh tế Đô thị

Trước đó, tại phiên thảo luận tổ, nhiều đại biểu Hội đồng Nhân dân Hà Nội đã đề cập đến vụ nhà máy nước sông Đà nhiễm bẩn và nêu đề nghị thành phố cần có giải pháp đảm bảo an ninh nguồn nước, phấn đấu đạt chỉ tiêu đến 2020 toàn bộ người dân Hà Nội được dùng nước sạch đạt tiêu chuẩn.

Làm rõ các ý kiến trên, ông Nguyễn Thế Hùng – Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội khẳng định, vấn đề nước sạch được Thành ủy, Hội đồng Nhân dân Thành phố xác định đây là nội dung quan trọng, lĩnh vực đặc biệt quan tâm.

Trong các nghị quyết thì chỉ tiêu nước sạch là một chỉ tiêu được giao phải hoàn thành.

Hội đồng Nhân dân đã quyết định, Thành phố Hà Nội chỉ có một tiêu chuẩn nước sạch đô thị cho cả khu vực thành phố và vùng nông thôn, cùng với đó thành phố quy về một đầu mối để quản lý hiệu quả.

Ông Hùng cũng nhấn mạnh, thành phố xem xét điều chỉnh làm sao quy hoạch nước sạch cho hợp lý, an toàn; Tăng cường đầu tư, đôn đốc các dự án, mô hình cấp nước sạch; Xử lý các dự án đầu tư trước đây không hiệu quả.

Phó Chủ tịch Nguyễn Thế Hùng thông tin, Hà Nội hiện giờ sử dụng 2 nguồn nước: Nước ngầm và nước mặt.

Thành phố yêu cầu nước ngầm phải đảm bảo chất lượng. Những khu vực nước ngầm không đảm bảo thì đã có lộ trình đóng cửa, khu vực nào chất lượng nước ngầm đảm bảo thì tăng công suất khai thác để đảm bảo nhu cầu sử dụng cho người dân.

Cùng với đó, thành phố tập trung phát triển đồng bộ nước mặt, trong đó có nhà máy nước sông Đà, Nhà máy nước sông Hồng và Nhà máy nước mặt sông Đuống.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân Thành phố Hà Nội nhấn mạnh, có nguồn mà không có mạng cung cấp thì cũng không đảm bảo việc phục vụ nước sạch cho người dân.

Nhà máy nước sông Đuống không phá vỡ bất kỳ quy hoạch nào về nước
Nhà máy nước sông Đuống không phá vỡ bất kỳ quy hoạch nào về nước

“Đến nay Hà Nội thu hút được 23 nhà đầu tư với 38 dự án cung cấp nước. Thành phố cũng đã đề xuất Thủ tướng điều chỉnh lại quy hoạch cấp nước, xây dựng hệ thống cấp nước theo mạch vòng để đảm bảo trong trường hợp mất nước cục bộ khu vực này, sẽ điều tiết nước từ nơi khác thay thế, đảm bảo cấp nước liên tục, an toàn”, ông Hùng nói.

Hà Nội cũng đặt ra các yêu cầu về nước sạch trong thời gian tới.

Theo đó, nước sạch phải đảm bảo yêu cầu công suất phục vụ cho người dân, nâng cao chất lượng nước sạch, tổ chức cung cấp tốt và đáp ứng xử lý tốt khi có tình huống xảy ra.

“Hiện nay, thành phố đang đôn đốc các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ. Khắc phục tồn tại nhà máy nước có sự cố như nhà máy nước sông Đà. Đồng thời, tháo gỡ cơ chế, chính sách cho các nhà đầu tư ví dụ như các nhà máy cấp nước nước cho các khu vực xa”, ông Hùng nêu.

Về giá nước sạch, thành phố vẫn giữ giá ổn định theo Quyết định 38 và đang xem xét có hỗ trợ giá nước cho khu vực vùng nông thôn.

Về sự cố nước sông Đà, ông Hùng khẳng định: “Thành phố rất quan tâm giải quyết sự cố sông Đà. Thành phố đang rất tích cực, hiện có một tổ của Sở Xây dựng luôn theo dõi giám sát vấn đề này. Chất lượng, tiêu chuẩn nước sạch sông Đà hiện Sở Xây dựng, Sở Y tế đang theo dõi, giám sát chặt chẽ nguồn nước và chất lượng nước đến người dân”.

Đỗ Thơm