Nga đơn phương muốn tập trận chung ở Biển Đông, Trung Quốc không lên tiếng

23/08/2015 07:54
Hồng Thủy
(GDVN) - Không loại trừ khả năng Moscow muốn chuyển lửa từ châu Âu sang châu Á, mang thuốc súng đổ xuống Biển Đông để giảm bớt áp lực từ khủng hoảng Ukraine.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatony Antonov. Ảnh: News World Russia.
Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatony Antonov. Ảnh: News World Russia.

Đa Chiều ngày 22/8 bình luận, trong lúc cuộc tập trận chung của hải quân Trung - Nga "Liên hợp trên biển 2015 II" đang diễn ra ở vịnh Peter Đại Đế và biển Nhật Bản thì ngày 19/8, Thứ trưởng Quốc phòng Nga Anatony Antonov tuyên bố, Nga - Trung năm tới 2016 sẽ tập trận chung ở Biển Đông. Quan chức này cho rằng Moscow và Bắc Kinh đã đạt được một nhận thức chung quan trọng, Mỹ mới là nhân tố chủ yếu gây bất ổn ở Biển Đông (?!).

"Chúng tôi đặc biệt quan ngại chính sách của Mỹ trong khu vực này, đặc biệt là việc Mỹ ngày càng đặt trọng điểm vào việc kiềm chế một cách có hệ thống đối với Trung Quốc và Nga", Đa Chiều dẫn lời ông Antonov cho biết. Tờ báo Trung Quốc ở hải ngoại đặt câu hỏi: Tại sao trong khi hải quân Trung - Nga đang tập trận chung, Moscow lại "đơn phương" tuyên bố kế hoạch tập trận năm tới, phải chăng Nga đang bộc lộ tâm lý gì gấp gáp?

Tháng 5 năm nay hải quân Trung Quốc "nhận lời mời của Nga" đến Địa Trung Hải tập trận chung "Liên hợp trên biển 2015 I" giúp Moscow "dương uy" ở châu Âu, củng cố địa vị cho người Nga ở Trung Đông. Lần này Moscow đã manh nha để lộ ý tưởng sẽ tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông như một cử chỉ "có đi có lại"

Tuy nhiên Bắc Kinh lại im lặng trước đề xuất này, tỏ vẻ do dự phân vân. Nếu Trung Quốc không muốn Nga tham dự tập trận ở Biển Đông, sự chủ động của Moscow là do "nhiệt tình quá đà" hay có ý đồ khác lại trở thành tâm điểm chú ý.

Nga muốn can thiệp vào Biển Đông đã lâu

Trên thực tế đây không phải lần đầu tiên người Nga lộ ra ý tưởng "hy vọng, mong muốn" tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông. Năm 2014 ngay trước khi hạm đội Thái Bình Dương của Nga tập trận cùng hải quân Trung Quốc, người phát ngôn hạm đội này Thượng tá Roman Martov tiết lộ, chiến hạm Nga sẽ ghé Thượng Hải và địa điểm tập trận chung là ở Biển Đông; Trong khi đó truyền thông Trung Quốc công khai đưa tin hải quân hai nước tập trận chung ở Hoa Dông, gần Thượng Hải. Thực tế diễn ra đúng như Bắc Kinh công bố.

Đa Chiều cho rằng có thể khẳng định ngay từ năm 2014 Nga đã muốn tập trận chung ở Biển Đông, chỉ là Trung Quốc không tán thành khiến ý tưởng này của Nga thất bại. Tuy nhiên Moscow vẫn chưa từ bỏ, năm nay lại "đơn phương" lộ ý tưởng muốn tập trận chung với Trung Quốc ở Biển Đông vào năm tới 2016. Đến thời điểm hiện nay Bắc Kinh vẫn chưa lên tiếng xác nhận thông tin này.

Trong bối cảnh áp lực từ đồng minh Mỹ - Nhật ngày càng gia tăng, Trung Quốc "vạn bất đắc dĩ" mới phải ôm chặt lấy Nga để hóa giải những áp lực từ Đông Bắc. Trong thực tế hoạt động phòng ngự gần bờ của Trung Quốc trên hướng Đông Bắc bắt buộc phải dựa vào các cảng khẩu của Nga nên tại sao tập trận lần này 2 bên lựa chọn vịnh Peter Đại Đế. 

Hải quân Trung - Nga tập trận chung ở biển Nhật Bản, ảnh: Đa Chiều.
Hải quân Trung - Nga tập trận chung ở biển Nhật Bản, ảnh: Đa Chiều.

Nhưng trên Biển Đông vấn đề lại phức tạp hơn nhiều, ngoài việc Trung Quốc (nhảy vào) tranh chấp chủ quyền, hàng hải với các nước láng giềng còn có sự can thiệp của Mỹ và Nhật Bản. Trong tình huống ấy mà lại thêm "thùng thuốc súng" Nga nữa thì Biển Đông càng trở nên nguy hiểm, có thể nổ ra chiến tranh bất cứ lúc nào, Đa Chiều bình luận.

Trung Quốc nên nói không

Lý do Trung Quốc từ chối tập trận chung với Nga ở Biển Đông có nhiều và hai bên sẽ không chỉ chia rẽ 1 lần trong chuyện này, Đa Chiều nhận định. Đầu tiên Trung Quốc không xem vấn đề Biển Đông liên quan đến lợi ích chiến lược vĩ mô và phạm vi (bành trướng) thế lực trong khu vực mà (lại) là "chuyện nhà", "việc riêng" của Trung Quốc, dù rất khó khăn Bắc Kinh cũng không muốn dựa vào thế lực bên ngoài.

Thứ hai, dù Nga có tham gia tập trận chung ở Biển Đông thì Nga không có căn cứ nào trong vùng biển này như ở biển Nhật Bản nên thực tế cũng chả giúp gì được Trung Quốc (bành trướng, độc chiếm Biển Đông). Cuối cùng, nếu Trung Quốc để người Nga vào Biển Đông, căng thẳng với các nước láng giềng sẽ còn trở nên phức tạp hơn rất nhiều.

Một khi người Nga đã thò chân vào Biển Đông, những việc vốn có thể thương lượng lập tức có thể chuyển thành cục diện đối đầu giữa tập đoàn Trung - Nga với Mỹ - Nhật và đồng minh, đối tác.

Ngày nay danh tiếng của Nga trên trường quốc tế đã sa sút nhiều, kinh tế dân sinh còn đang khủng hoảng, xã hội "chìm trong chủ nghĩa dân tộc", báo Trung Quốc bình luận. Trong quan hệ Trung - Nga, Moscow ngày càng mất quyền chủ động, đó là một thực tế không tranh cãi. Muốn duy trì vị thế siêu cường nước lớn, Nga chỉ còn cách hy vọng cột chặt vận mệnh của mình với người Trung Quốc (!?).

Lần này Nga tiếp tục nhắc tới tập trận chung ở Biển Đông có thể có nhiều nguyên nhân. Một khi đã muốn "cột chặt vận mệnh của mình với người Trung Quốc", trong vấn đề Biển Đông mà Bắc Kinh đang đau đầu tìm cách (bành trướng, độc chiếm), Nga muốn thể hiện sự ủng hộ của mình. Tuy nhiên thực tế cái sâu xa người Nga mưu tính ở Biển Đông là lợi ích của chính bản thân họ.

Thông qua sự hiện diện của hải quân ở Biển Đông, người Nga muốn tăng cường ảnh hưởng của mình ở châu Á, đồng thời thể hiện rằng Nga sẽ đứng ở vị trí đối lập trong bất kỳ vấn đề nào mà Mỹ khẳng định rõ lập trường. Mặt khác không loại trừ khả năng Moscow muốn chuyển lửa từ châu Âu sang châu Á, mang thuốc súng đổ xuống Biển Đông để giảm bớt áp lực từ khủng hoảng Ukraine.

Đa Chiều kết luận, bất luận thế nào thì việc Nga can thiệp vào Biển Đông chỉ làm cho tình hình rối thêm, Bắc Kinh nhất định cần thận trọng cảnh giác, kiên quyết nói không với Moscow trong vấn đề Biển Đông.

Hồng Thủy