Ngân sách "khổng lồ" cho việc phát triển tàu ngầm mới của Mỹ

01/11/2012 07:45
Theo ANTĐ
Tạp chí Mỹ “Defence World” số ra ngày 25/10 đưa tin, hải quân Mỹ đã yêu cầu thêm một khoản ngân sách 564 triệu USD để tiếp tục phát triển một thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới trong khuôn khổ “kế hoạch thay thế Ohio” (ORP).
“Kế hoạch thay thế Ohio” (ORP) của hải quân Mỹ đã tiêu tốn một ngân sách cực lớn. Điều này sẽ có ảnh hưởng không nhỏ đến kế hoạch phát triển các loại tàu thuyền hải quân khác, khiến hải quân Mỹ phải điều chỉnh lại chiến lược phát triển trang bị trong giai đoạn 2020 - 2030. Tạp chí Mỹ “Defence World” số ra ngày 25/10 đưa tin, hải quân Mỹ đã yêu cầu thêm một khoản ngân sách 564 triệu USD để tiếp tục phát triển một thế hệ tàu ngầm hạt nhân mới trong khuôn khổ “kế hoạch thay thế Ohio” (ORP). Kế hoạch ORP được triển khai nhằm phát triển một loại tàu ngầm mới thay thế 14 tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo lớp Ohio hiện đang phục vụ trong biên chế lực lượng hải quân Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo USS Maine của Mỹ.
Tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo USS Maine của Mỹ.
Trong bản kế hoạch, hải quân Mỹ dự định cắt giảm 2 chiếc so với tổng số tàu ngầm hạt nhân tên lửa đạn đạo hiện đang sở hữu, chỉ duy trì 12 chiếc. Căn cứ vào dự toán ngân sách năm 2012 của hải quân Mỹ, chiếc đầu tiên trong loạt tàu thay thế sẽ được trang bị cho hải quân Mỹ vào năm 2019. Theo tính toán của hải quân Mỹ năm 2011 (thời điểm triển khai kế hoạch), trừ chiếc đầu tiên sẽ tốn kém hơn, giá thành của 11 chiếc tàu ngầm tiếp theo bình quân mỗi chiếc là 5,6 tỷ USD (theo thời giá lúc đó), tổng ngân sách chi tiêu cho 12 chiếc vào khoảng 70 tỷ USD.
Vừa qua, Mỹ đã điều tàu ngầm Ohio SSGN-726 đến biển Đông
Vừa qua, Mỹ đã điều tàu ngầm Ohio SSGN-726 đến biển Đông
Hiện hải quân Mỹ đang có nỗ lực tiết giảm chi phí xuống còn 4,9 tỷ USD/chiếc, như vậy tổng chi phí cũng vào khoảng trên 60 tỷ USD. Thế nhưng họ vẫn chưa tính đến chi phí rủi ro phát sinh và ảnh hưởng của lạm phát, nếu tính cả những số liệu này thì cho dù hải quân Mỹ có nỗ lực cắt giảm chi phí đến mức thấp nhất thì nó vẫn là một khoản ngân sách khổng lồ, gấp nhiều lần GDP của một nước kém phát triển. Theo số liệu của quỹ tiền tệ quốc tế IMF, khoản chi này bằng một nửa GDP của Việt Nam năm 2011 (122 tỷ USD), hơn hàng chục tỷ USD so với GDP của Myanma là 51,9 tỷ USD, thậm chí nó còn gấp rưỡi tổng GDP của 4 nước Đông nam Á là Brunei, Campuchia, Lào và Đông Timo với GDP lần lượt là 15,5 tỷ; 12,8 tỷ; 7,8 tỷ và 4,3 tỷ USD.
Xem Clip tàu ngầm Ohio phóng tên lửa đạn đạo

So sánh này chứng tỏ khoảng cách giàu - nghèo giữa các nước trên thế giới là cực lớn. Số tiền khổng lồ này nếu sử dụng trong các gói viện trợ phát triển kinh tế, viện trợ nhân đạo, gìn giữ hòa bình, cứu hộ thiên tai… thì sẽ rất có ý nghĩa, nhất là trong thời điểm nền kinh tế thế giới đang lâm vào suy thoái.
Theo ANTĐ