"Nghịch lý Obama": Hỗ trợ phiến quân Syria, lo vũ khí vào tay khủng bố

24/06/2013 19:00
Hồng Thủy (Nguồn: Press TV)
(GDVN) - Barack Obama đang thực hiện một chiến lược khuếch tán ở Syria, một mặt ông quyết định trang bị vũ khí cho phe đối lập nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, mặt khác lại tuyên bố sẽ tìm kiếm một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Syria.
Hình minh họa
Hình minh họa
Press TV dẫn nguồn tờ Washington Post nhận định Tổng thống Mỹ Barack Obama đang thực hiện một chiến lược khuếch tán ở Syria, một mặt ông quyết định trang bị vũ khí cho phe đối lập nhằm lật đổ Tổng thống Bashar al-Assad, mặt khác lại tuyên bố sẽ tìm kiếm một giải pháp chính trị cho khủng hoảng Syria.
Obama muốn củng cố lực lượng ông cho là "vũ trang chống đối vừa phải" được dẫn đầu bởi tướng Salim Idriss, Tư lệnh của tổ chức quân đội Syria Tự do (FSA) và muốn lực lượng này đủ mạnh để đàm phán với các lực lượng nổi dậy khác ở Syria trong thời kỳ quá độ chính trị có thể được mở ra như một kết quả của hội nghị Geneva 2. Mục tiêu thứ 2 của ông Obama là đối phó với lực lượng Hezbollah ở Li-băng và các nhóm ủng hộ Iran đang hoạt động trên lãnh thổ Syria. Thứ 3, chiến lược của Tổng thống Mỹ là nhằm cắt đứt mọi hỗ trợ quân sự và tài chính cho al-Qaeda cũng như các nhóm vũ trang được Washington xem là "cực đoan và nguy hiểm". Đối với Mỹ, việc các nhóm cực đoan kiểm soát lực lượng vũ trang chống đối là một thực tế không mong muốn và đáng lo ngại. Các lực lượng này gây nguy hiểm cho các chế độ thân Mỹ trong khu vực, đặc biệt là Jordan. Đó là lý do tại sao Mỹ hậu thuẫn và thúc đẩy tướng Idriss, mặc dù thành công của ông trên thực tế chỉ là con số 0 với vai trò là một nhà lãnh đạo quân sự. Tuy nhiên, tờ Washington Post cho rằng bằng chứng về việc chính phủ Syria của Tổng thống Assad sử dụng vũ khí hóa học chống lại quân nổi dậy đã không thuyết phục được bất kỳ ai vì mọi người đều biết rằng phần lớn "bằng chứng" này chỉ là chiêu truyền thông sử dụng Internet. Ngay cả các quan chức phương Tây và các nhà ngoại giao cũng thừa nhận rằng tính thiếu minh bạch đã làm xói mòn uy tín của các "bằng chứng" chính quyền Assad sử dụng vũ khí hóa học. Jean Pascal Zanders, một chuyên gia nghiên cứ tại viện Nghiên cứu an ninh liên minh châu Âu nói rằng ông đã lùng sục trên internet tìm kiếm các hình ảnh hay video cũng như thông tin về "bằng chứng" chính quyền Syria sử dụng vũ khí hóa học, nhưng những gì nhìn thấy khiến ông hoài nghi. Những tính toán chiến lược của Mỹ tại Syria có thể vấp phải sai lầm. Kế hoạch hậu thuẫn cho một nhân vật như Idriss có thể trở thành một nhiệm vụ khó khăn hoặc không thể bởi vì người Syria xem Idriss như một con rối của Mỹ, hơn nữa ông không có khả năng hòa giải, bằng chứng là các cuộc tấn công, những lời lăng mạ nhằm vào người Shi'ite. Mặt khác không có gì cho thấy các nhóm vũ trang cực đoan ở Syria yếu hơn nhóm của Idriss, họ có vũ khí và tiền bạc. Cần lưu ý rằng các chuyến hàng vũ khí được gửi từ Ả Rập Saudi đến Aleppo không chỉ rơi vào tay FSA do Mỹ hậu thuẫn, mà còn đến cả Mặt trận Nusra. Trong khi đó Nga không chịu để mất ảnh hưởng của mình tại Syria rơi vào tay Mỹ. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov đã cảnh báo rằng Moscow không có ý định cho phép hội nghị Geneva 2 có một "kết quả định trước" hoặc dẫn đến sự "đầu hàng" của chính phủ Tổng thống Assad. Hiện nay chính quyền Bashar al-Assad vẫn là lực lượng duy nhất có khả năng giữ sự thống nhất cũng như đem lại ổn định cho Syria, đồng thời có thể bảo vệ và hòa giải giữa các nhóm tôn giáo. Việc lật đổ chính quyền Assad sẽ khiến Syria rơi vào tình trạng hỗn loạn mất kiểm soát một khi quyền lực rơi vào tay những kẻ cực đoan, cuồng tín.

Hồng Thủy (Nguồn: Press TV)