Ngoại giao kinh tế khoai lang

15/03/2016 11:15
Ngọc Việt
(GDVN) - Nhà nước cần đẩy mạnh chính sách “ngoại giao kinh tế khoai lang” để giúp cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam không thua trên sân nhà và chiến thắng...

Ngày 12/1 The Straits Times đưa tin, Cơ quan Quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm và nông sản Singapore (AVA) đã ra kết luận bác bỏ tin đồn trên mạng xã hội nước này rằng, khoai lang nhập từ Việt Nam bị nhiễm "chất độc da cam".

Trước đó vào tối 4/1, một tài khoản facebook có tên Grace Wong tại Singapore đăng tải thông tin cảnh báo rằng khoai lang Việt Nam nhiễm chất độc hoá học. Chủ tài khoản Grace Wong nói rằng, người em gái mua khoai lang Nhật có xuất xứ từ Việt Nam tại một siêu thị Singapore. 

Ngày đầu ăn không sao, nhưng đến ngày thứ hai, khi bỏ phần khoai chín hôm trước vào lò vi sóng để hâm lại thì phát hiện khoai có màu xanh đậm. Sau đó chủ tài khoản Grace Wong đã đến gặp bác sĩ điều trị cao huyết áp để hỏi thì được giải thích rằng do khoai lang Việt Nam trồng trên đất nhiễm chất độc dioxin.

Nay AVA đã kết luận chính thức và rõ ràng: "Chúng tôi đảm bảo với người dân rằng 'chất da cam' không phải là nguyên nhân khiến khoai lang chuyển màu xanh".

Củ khoai lang Việt Nam đã được “minh oan” tại thị trường Singapore, còn người nông dân trồng khoai lang Việt Nam tránh được thiệt hại nếu thông tin bất lợi trên mạng xã hội không được xử lý kịp thời. 

Những miếng khoai lang đổi màu lan truyền trên mạng xã hội Singapore, gây nên sự kiện “đĩa khoai lang”. Theo AVA, hiện tượng này không liên quan gì đến "chất độc da cam" như tin đồn. Ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook ở Singapore.
Những miếng khoai lang đổi màu lan truyền trên mạng xã hội Singapore, gây nên sự kiện “đĩa khoai lang”. Theo AVA, hiện tượng này không liên quan gì đến "chất độc da cam" như tin đồn. Ảnh lan truyền trên mạng xã hội Facebook ở Singapore.

Sau vụ “tai qua nạn khỏi” ấy, dư luận không còn nghe được thông tin gì liên quan đến củ khoai lang của Việt Nam nữa. Trong khi qua vụ việc này có thể thấy, chỉ cần một đĩa khoai lang là có thể khiến cho việc xuất khẩu khoai lang của Việt Nam bị đình đốn.

Và cũng chỉ cần một đĩa khoai lang là có thể “làm sạch”cho toàn bộ khoai lang của Việt Nam đang được tiêu thụ tại thị trường Singapore. Người viết cho rằng, đây vừa là một sự may mắn, nhưng đồng thời cũng lại là một sự cảnh báo nguy cơ cho việc xuất khẩu khoai lang của Việt Nam.

Có thể ở Singapore, sự kiện "đĩa khoai lang” không lặp lại nữa, nhưng ai dám chắc rằng một sự kiện tương tự sẽ không xảy ra ở một thị trường nào đó trên thế giới, nơi củ khoai lang Việt Nam được ưa thích? Ai ai dám chắc trong một tình huống tương tự, củ khoai lang Việt Nam có thể được minh oan như ở Singapore?

Ngoại giao kinh tế khoai lang

Theo Thông tấn xã Việt Nam, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore cho biết, ngay sau khi tiếp nhận thông tin không đúng sự thật về khoai lang Việt Nam, Đại sứ quán đã nhận thức đây là vấn đề nghiêm trọng, nhanh chóng liên hệ và phối hợp với nhà chức trách sở tại để làm rõ và cải chính thông tin thất thiệt này. 

Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam đã làm việc với phía AVA và đề nghị cơ quan này tiến hành kiểm nghiệm, công bố kết quả. Sau khi kiểm tra, AVA khẳng định khoai lang Việt Nam có chất lượng tốt và hoàn toàn không ảnh hưởng xấu cho sức khỏe con người.

Người dân Việt Nam, nhất là người nông dân trồng khoai lang và doanh nghiệp xuất khẩu khoai lang rất cảm kích và vui mừng trước việc làm của Tham tán Thương mại Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore nhằm “cứu” củ khoai lang của Việt Nam.

Song làm sao để người Việt Nam có thể xuất khẩu khoai lang qua Singapore một cách ổn định, và  không chỉ với thị trường Singapore, mà với tất cả các thị trường trên thế giới tiêu thụ khoai lang của Việt Nam?

Điều này người nông dân không tự làm được, doanh nghiệp xuất khẩu khoai lang không dễ dàng làm được.  Tuy nhiên, nếu có sự “chung tay” của Tham tán Thương mại các Đại sứ quán Việt Nam ở nước ngoài thì điều đó trở nên rất dễ dàng.

Người viết cho rằng, sự kiện “đĩa khoai lang” tại Singapore là một cơ hội tuyệt vời cho việc định vị thương hiệu khoai lang của Việt Nam và qua đó sẽ xác định phân khúc cho khoai lang của Việt Nam trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, qua kết luận của AVA thì khoai lang Việt Nam mới chỉ được minh oan mà thôi.   

Củ khoai lang Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của chính sách “ngoại giao kinh tế khoai lang” để tăng giá trị của nó và nâng cao thu nhập cho người nông dân Việt Nam. Ảnh: Internet.
Củ khoai lang Việt Nam rất cần sự hỗ trợ của chính sách “ngoại giao kinh tế khoai lang” để tăng giá trị của nó và nâng cao thu nhập cho người nông dân Việt Nam. Ảnh: Internet.

Điều đó không đảm bảo sự an toàn, ổn định cho thị trường xuất khẩu khoai lang của Việt Nam. Do vậy, nếu xảy ra một vụ việc giống sự kiện “đĩa khoai lang” ở Singapore, sẽ có thể khiến cho việc xuất khẩu khoai lang Việt Nam bị ảnh hưởng, sụt giảm thậm chí bị đình trệ nếu xử lý không kịp thời, thỏa đáng.

Phải làm sao để khi không may xuất hiện thông tin “đĩa khoai lang” bị kết luận không đảm bảo tiêu chuẩn chất lượng tại một thị trường nào đó thì hoạt động xuất khẩu khoai lang không bị ảnh hưởng nặng nề?

Theo người viết, nên chăng nhà nước, mà trực tiếp là Tham tán Thương mại các Đại sứ quán Việt Nam nên bắt tay thực hiện việc hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thông qua chính sách “ngoại giao kinh tế”.

Có lẽ việc đầu tiên nhất là thông qua Hiệp hội rau củ quả để xác định những đơn vị đầu mối trong việc xuất khẩu khoai lang và những thương hiệu khoai lang nào đang được xuất khẩu vào thị trường nào.

Điều này có hai ý nghĩa rất quan trọng. Thứ nhất, nó sẽ sàng lọc ra những thương hiệu khoai lang nổi tiếng và những nhà xuất khẩu uy tín để đảm bảo chất lượng trong việc xuất khẩu – nghĩa là khoai lang Việt Nam đã được định vị thương hiệu.

Dựa vào đó Tham tán Thương mại các Đại sứ quán Việt Nam hỗ trợ chuyển tải những thông tin ấy cho hiệp hội doanh nghiệp các nước sở tại để họ có lựa chọn loại khoai lang và đối tác Việt Nam xuất khoai lang cho họ.

Doanh nghiệp các nước và doanh nghiệp Việt Nam có thể làm điều ấy, nhưng rõ ràng cầu nối của đại diện nhà nước ở nước ngoài có giá trị hơn rất nhiều.

Chính sách “ngoại giao kinh tế” của Trung Quốc đã giúp cho doanh nghiệp Trung Quốc quá thành công khi chiếm lĩnh thị trường, hợp tác đầu tư hay sở hữu tài sản ở nước ngoài, Việt Nam cũng có thể làm được như vậy.

Ngoại giao kinh tế khoai lang ảnh 3

Nguyên tắc "tăm xỉa răng"

(GDVN) - Sắp tới có thể người Trung Quốc sẽ “lo” cho người Việt Nam từ miếng ăn đến giấc ngủ. Ăn không sợ thực phẩm có độc tố, ngủ trên nệm không sợ có chất nguy hại.

Và “ngoại giao kinh tế khoai lang” có thể giúp cho doanh nghiệp Việt Nam chiếm được chỗ đứng vững vàng trên thị trường khoai lang thế giới. 

Thứ hai, nếu xảy ra sự kiện “đĩa khoai lang” thì chỉ có loại khoai lang nào bị nghi ngờ về chất lượng và đơn vị xuất khẩu loại khoai lang đó bị ảnh hưởng, phần còn lại mọi hoạt động xuất khẩu khoai lang của Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.  

Người dân trồng những loại khoai lang không liên quan đến sự kiện, doanh nghiệp không xuất khẩu loại khoai lang bị “lên tiếng” sẽ không bị ảnh hưởng quyền lợi.

Nếu đã có đã định vị được thương hiệu thì kết luận của AVA vừa rồi đối với sự kiện “đĩa khoai lang” ở Singapore sẽ không thể hiểu chung chung là khoai lang Việt Nam, mà sẽ cụ thể hơn với loại khoai lang nào và thậm chí cụ thể hơn với nhà cung ứng nào.

Điều này là cực kỳ quan trọng trong việc phân khúc thị trường cho khoai lang Việt Nam.

Bởi lẽ qua kết luận của AVA, những nhà nhập khẩu khoai lang thế giới sẽ tìm thấy những loại khoai lang của Việt Nam mà họ có thể nhập khẩu và những loại khoai lang họ không cho nhập khẩu.

Quy trình kiểm tra ngặt nghèo của Cơ quan Quản lý Vệ sinh an toàn thực phẩm và nông sản Singapore, sự “khó tính” của thị trường Singapore đã giúp tạo nên uy tín cho khoai lang Việt Nam.

Tuy nhiên, với hiện tại thì họ chỉ biết tất cả khoai lang Việt Nam không nhiễm độc. Điều ấy tưởng là rất giá trị nhưng nó lại rất mơ hồ, nó không tạo ra chất xúc tác kích thích tăng trưởng xuất khẩu khoai lang, bởi thương hiệu khoai lang không được định vị. Việc này ấy rất cần sự hỗ trợ của chính sách “ngoại giao kinh tế khoai lang”.

Nâng cao vai trò của Hiệp hội nghề nghiệp, chuẩn bị tham gia sân chơi TPP

Từ sự kiện “đĩa khoai lang” ở Singapore cho thấy, vai trò của hiệp hội nghề nghiệp trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa của Việt Nam ở nước ngoài hiện nay còn hạn chế. Trong khi đây lại là định chế rất quan trọng trong kinh tế thị trường tự do, khi nhà nước không thể can thiệp trực tiếp, hỗ trợ trực tiếp cho hoạt động của các doanh nghiệp.

Ngoại giao kinh tế khoai lang ảnh 4

Đại gia giả ăn mày

(GDVN) - “Của chìm của nổi” luôn là hai yếu tố cấu thành giá trị tài sản của một cá nhân hay tổ chức. Ở Trung Quốc, những gì nhà nước kiểm tra, kiểm soát được chỉ là...

Việc khuyến khích người Việt Nam, nhất là những người sản xuất, những doanh nghiệp sản xuất, tham gia vào hiệp hội nghề nghiệp là hết sức quan trọng trong kinh tế thời hội nhập.

Vai trò của các hiệp hội có hàng hóa xuất khẩu sẽ được nâng lên, nếu được các chính sách kiểu “ngoai giao kunh tế khoai lang” hỗ trợ. 

Bởi lẽ, với vai trò và vị thế của mình, Tham tán Thương mại các Đại sứ quán của Việt Nam có thể “đặt hàng” các hiệp hội – đó là thông tin về những mặt hàng đảm bảo chất lượng và những nhà cung ứng uy tín để cung cấp cho hiệp hội doanh nghiệp các nước.

Qua động thái ấy, việc sàng lọc người sản xuất, nhà sản xuất diễn ra và sẽ có nhiều nhà sản xuất không đủ tiêu chuẩn hay làm ăn gian dối bị gạt ra, tránh để con sâu làm rầu nồi canh.

Cùng với đó là việc tập trung đầu mối xuất khẩu, tránh được hiện tượng manh mún và bắt tay với người nước ngoài làm hại cho đất nước. Người viết đã từng đặt vấn đề với một doanh nghiệp Hàn Quốc nhờ cung cấp lõi đồng hiệu Woo jung, nhưng lại được cung cấp thông tin đến bộ phận kinh doanh của LG và qua đó hiểu được LG là đầu mối cung cấp loại lõi đồng thương hiệu này.

Tuy nhiên ở Việt Nam, một mặt hàng nào đó có thể mua trên thị trường và nếu tìm được nơi sản xuất thì người mua cũng có thể được đáp ứng. Như thế là người sản xuất đã góp phần giết chết người bán hàng giúp họ, bởi giá xuất xưởng luôn thấp hơn giá bán trên thị trường.

Điều ấy đã bị người nước ngoài – nhất là người Trung Quốc - khai thác triệt để và người Việt Nam đã làm hại nhau và làm hại cả chính mình.

Qua chính sách ngoại giao kinh tế, hiện tượng ấy sẽ được hạn chế và sẽ chấm dứt khi cơ chế lợi - hại khi tham gia hiệp hội được xác lập rõ ràng. Ai cũng biết chi phí dành cho quảng cáo sản phẩm ngày càng chiếm tỷ trọng cao trong giá thành sản phẩn, khiến giá bán tăng lên, và hiệu quả thì chưa biết đạt được đến đâu.

Khi tham gia hiệp hội, chi phí ấy có thể giảm rất nhiều và nay thêm sự hỗ trợ của chính sách ngoại giao kinh tế thì hiệu quả có thể tăng tối đa.

Người viết cho rằng, thương hiệu khoai lang Bình Tân của Vĩnh Long sẽ trở thành niềm tin của người tiêu dùng khoai lang thế giới nếu nó được giới thiệu bài bản qua sự kết hợp giữa Hiệp hội rau củ quả và Tham tán Thương mại các Đại sứ quán của Việt Nam.

Người nông dân trồng khoai lang sẽ có lợi hơn khi tham gia vào hiệp hội. Ảnh: tienphong.vn.
Người nông dân trồng khoai lang sẽ có lợi hơn khi tham gia vào hiệp hội. Ảnh: tienphong.vn.

Hiện tại, sự hỗ trợ của nhà nước, mà trực tiếp là Trung tâm Xúc tiến Thương mại Vĩnh Long là chưa thật sự giúp cho người tiêu thụ khoai lang thế giới quyết định mua khoai lang thương hiệu Bình Tân - BÌNH TÂN SWEET POTATOES

Bởi lẽ khi thông tin về thương hiệu này quá ít, và đặc biệt là không nêu lên nét đặc trưng, sự đặc biệt mà qua đó người tiêu dùng thế giới thấy có lợi khi lựa chọn khoai lang Bình Tân so với những loại khoai lang khác.

"Các giống khoai được trồng phổ biến trong tỉnh như: Khoai tím Nhật, trắng sữa, trắng giấy, bí đường, khoai bí nghệ, dương ngọc…có phẩm chất ngon, năng suất cao. Bình quân 30 tấn/ha. Sản lượng đạt 315.039 tấn.

Nhãn hiệu tập thể “ Khoai lang Bình Tân- BÌNH TÂN SWEET POTATOES” được Cục sở hữu trí tuệ cấp chứng nhận góp phần tạo thương hiệu cho khoai lang Vĩnh Long đến các quốc gia khác. Khoai lang Bình Tân đã xuất khẩu sang thị trường các nước như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc…” trích nội dung quảng bá trên website của Trung tâm Xúc tiến Thương mại Vĩnh Long.

Người viết đã từng làm việc với doanh nghiệp nước ngoài, người ta lựa chọn sản phẩm sau khi nghiên cứu những thông tin về sự hiệu quả, tiện ích, lợi ích của sản phẩm thông qua sự giới thiệu và phân tích của người cung ứng, chứ không chỉ dựa trên thông tin về số lượng hàng hóa đã bán, nơi bán…vì thị hiếu không tương đồng giữa các nền văn hóa.

TPP sắp vận hành, nhiều hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và các quốc gia khác đã có giá trị. Trong khi hậu quả của biến đổi khi hậu đã nhãn tiền buộc chúng ta phải thay đổi tư duy, thích ứng bằng cây trồng, vật nuôi và sản phẩm hàng hóa mới.

Người viết cho rằng, nhà nước cần đẩy mạnh chính sách “ngoại giao kinh tế khoai lang” để giúp cho người dân và doanh nghiệp Việt Nam không thua trên sân nhà và chiến thắng trên sân đối phương khi tham gia hội nhập sâu rộng vào thị trương toàn cầu với rất nhiều sự khắc nghiệt của nó.

Ngọc Việt