Ngoài Sapa và Đồng Văn, 3 điểm nữa ở Việt Nam sẽ xuất hiện băng tuyết?

16/12/2013 13:44
VIẾT CƯỜNG
(GDVN) - Ngoài Sapa, Ý Tý (Lào Cai) và Mèo Vạc, Cao nguyên Đồng Văn ở Hà Giang, 3 địa điểm còn lại có thể sẽ có băng tuyết nếu nhiệt độ tiếp tục xuống thấp như hiện nay. Đỉnh Tây Côn Lĩnh (Hà Giang), Phia Oắc (Cao Bằng) và Mẫu Sơn (Lạng Sơn).

Sapa – Lào Cai tuyết rơi dày

Từ ngày 15/12, do ảnh hưởng của không khí lạnh tăng cường nên nhiệt độ Lào Cai xuống thấp, trời rét đậm, vùng núi rét hại, tại Sapa có tuyết rơi dày.

Băng tuyết phủ kín tại Sapa, Lào Cai (Ảnh Tuổi trẻ)
Băng tuyết phủ kín tại Sapa, Lào Cai (Ảnh Tuổi trẻ)

Hiện tượng tuyết rơi dày cũng xuất hiện ở nhiều vùng núi cao của Lào Cai như tại các xã Ý Tý (Bát Xát), Tả Ngải Chồ, Cao Sơn (Mường Khương). Tuyết rơi dày đặc tại xã Ý Tý - nơi nằm ở độ cao trên 2.000m so với mặt biển. Đặc biệt, tại thôn Nhìu Cồ San, người dân địa phương cho biết tuyết đóng dày khoảng 30cm, hơn Sapa nhiều lần. Nhiệt độ tại khu vực này đã xuống mức âm 2 độ C.  Từ khoảng 11 giờ trưa ngày 15/12, tuyết đã phủ trắng xóa các bản làng, cánh rừng ở đây.

Tuy mới là trận rét đầu mùa những nhiệt độ của Sapa đã xuống đến âm 2 độ. Nhiều du khách thích thú kéo đến đây để chụp ảnh và thưởng thức không khí “nước ngoài” ngay tại Việt Nam.

Tuy nhiên, do tuyết rơi nhiều cộng với giá lạnh khiến trâu bò và các loại vật nuôi dễ chết vì lạnh.

Cao nguyên đá Đồng Văn – Hà Giang

Không chỉ ở Sa Pa, nhiệt độ xuống thấp cũng làm xuất hiện mưa tuyết tại Hà Giang.

Tuyết rơi phủ một lớp dày 2cm tại thôn Lũng Hòa, xã Sà Phìn (Đồng Văn), phủ trắng mái nhà, ruộng vườn.
Tuyết rơi phủ một lớp dày 2cm tại thôn Lũng Hòa, xã Sà Phìn (Đồng Văn), phủ trắng mái nhà, ruộng vườn.

Ngày 15/12, tại 4 huyện vùng cao núi đá phía Bắc thuộc khu vực Cao nguyên đá Đồng Văn gồm Quản Bạ, Yên Minh, Đồng Văn và Mèo Vạc, nhiệt độ xuống rất thấp, có nơi xuống dưới 1 độ C, một vài điểm đã có tình trạng mưa tuyết. Tuyết rơi phủ một lớp dày ở khu vực Cột cờ Lũng Cú (xã Lũng Cú), khu vực xã Sà Phìn (huyện Đồng Văn) rồi sau đó lan tỏa dần sang các khu vực xung quanh.

Do ảnh hưởng của không khí lạnh kết hợp với mưa rào nhẹ nên trong suốt các ngày từ 13/12 đến 16/12 trên địa bàn huyện Mèo Vạc (Hà Giang) nhiệt độ xuống rất thấp. Tại xã Xín Cái, xã Thượng Phùng, nhiệt độ xuống thấp khoảng 2 độ C và đã xuất hiện tình trạng tuyết rơi cục bộ tại các thôn bản vùng cao của các xã biên giới, như: Thôn Mỏ Phàng, xã Thượng Phùng; thôn Lùng Vần Chải, xã Xín Cái. Tuyết rơi có chỗ dày từ 4-5cm.

Tây Côn Lĩnh – Hà Giang

Địa điểm thứ ba mà nhiều người phán đoán, nếu thời tiết tiếp tục giá lạnh có thể sẽ xuất hiện băng tuyết như ở Sapa và Đồng Văn. Với độ cao 2.427 m, Tây Côn Lĩnh là một trong những ngọn núi cao nhất Việt Nam, là nóc nhà của núi rừng Đông Bắc.

Mùa đông năm 2012 tại Tây Côn Lĩnh cũng đã xuất hiện băng tuyết khiến cho cảnh sắc nơi đây đẹp tựa như những cánh rừng NaUy
Mùa đông năm 2012 tại Tây Côn Lĩnh cũng đã xuất hiện băng tuyết khiến cho cảnh sắc nơi đây đẹp tựa như những cánh rừng NaUy

Tây Côn Lĩnh là dãy núi nằm ở phía Tây Hà Giang, trải dải trên hai huyện Hoàng Su Phì và Vị Xuyên. Tuy không phải là ngọn núi cao nhất Việt Nam nhưng việc chinh phục được nóc nhà Đông Bắc dường như khó khăn hơn nhiều lần so với đỉnh Fansipan cao vời vợi. Bởi lẽ, đường lên đỉnh Tây Côn Lĩnh rất xa xôi, cách trở, lại chưa được định hình thành tuyến như cung đường chinh phục nóc nhà Đông Dương, vốn xuất phát ngay gần thị trấn du lịch Sapa.

Những ai đã một lần đến Tây Côn Lĩnh vào mùa đông, ắt hẳn sẽ không thể nào quên được cảnh rừng băng trải dài ngút ngàn trước tầm mắt. Băng phủ kín từng nhành cây, ngọn cỏ, bám chặt trên từng thân gỗ, cây tre ven đường tạo nên khung cảnh ấn tượng có một không hai.

Phia Oắc – Cao Bằng

Địa điểm thứ 4 cũng được cho là có khí hậu rất lạnh vào mùa đông và đã từng có băng tuyết khi nhiệt độ xuống thấp là Phia Oắc – Cao Bằng.

Băng phủ dày trên đỉnh núi và trên những cành cây của đỉnh Phia Oắc
Băng phủ dày trên đỉnh  núi và trên những cành cây của đỉnh Phia Oắc

Với độ cao 1.930m so với mặt nước biển, dãy núi Phia Oắc được coi là nóc nhà của tỉnh Cao Bằng. Từ đỉnh Phia Oắc, du khách có thể thả mình chiêm ngưỡng toàn bộ cảnh sắc của thị xã Cao Bằng và đắm chìm trong biển mây đẹp như thiên đường. Ngoài ra, đây còn là điểm đầu của đường Hồ Chí Minh: từ Bắc Pó tới Cà Mau, và nằm trên tuyến đường dẫn tới thác Bản Giốc - một trong những thác nước đẹp nhất Việt Nam, danh lam thắng cảnh không thể bỏ qua khi tới Cao Bằng.

Không những vậy, Phia Oắc mùa đông còn đem đến những trải nghiệm vô cùng ấn tượng cho du khách tới đây bởi rừng cây phủ trắng băng tuyết, những bức tranh sống động tạo ra từ những dòng nước nhỏ đóng băng vẫn còn treo lơ lửng nơi vách đá và những con đường cũng trở nên kỳ ảo hơn gấp bội lần.

Mẫu Sơn – Lạng Sơn

Địa điểm cuối cùng chắc chắn thuộc về Mẫu Sơn, Lạng Sơn.

Đỉnh Mẫu Sơn được cho là một trong nhiều nơi có nhiệt độ thấp ở Việt Nam. Mùa Đông đến, đỉnh Mẫu Sơn thường xuyên có băng tuyết bao phủ
Đỉnh Mẫu Sơn được cho là một trong nhiều nơi có nhiệt độ thấp ở Việt Nam. Mùa Đông đến, đỉnh Mẫu Sơn thường xuyên có băng tuyết bao phủ 

Mẫu Sơn là vùng núi cao khoảng 800 - 1.000 m, nằm ở phía đông bắc tỉnh Lạng Sơn thuộc địa phận 2 huyện Cao Lộc và Lộc Bình, cách thành phố Lạng Sơn 30 km về phía đông, giáp với biên giới Việt - Trung. Nơi đây được coi là khu vực lạnh nhất ở Việt Nam, vào mùa đông nhiệt độ tại nhiều nơi ở Mẫu Sơn luôn ở mức âm và thường xuyên có băng giá, tuyết rơi.

Vào mùa hè, nơi đây nổi tiếng với nền nhiệt mát mẻ, se lạnh vào sáng sớm và tối khuya. Còn khi mùa đông đến, nếu may mắn, du khách đến với Mẫu Sơn có thể được chiêm ngưỡng khung cảnh thiên nhiên tuyệt mỹ từ những lớp băng tuyết kỳ ảo xen lẫn giữa những hành lang, bờ rào, mái ngói của những ngôi nhà biệt thự Pháp cổ, tạo nên một khung cảnh đậm chất châu Âu tĩnh mặc và huyền bí.

VIẾT CƯỜNG