Ngoại trưởng Philippines giải thích vấn đề hợp tác với Trung Quốc ở Biển Đông

09/07/2016 15:04
Hồng Thủy
(GDVN) - "Ông Yasay, Biển Tây Philippines (tên người Philippines dùng để gọi Biển Đông) thuộc về 100 triệu người dân Philippines, hãy tham khảo ý kiến người dân".

GMA Network ngày 9/7 đưa tin, Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay hôm nay đã lên tiếng làm rõ phát biểu của ông về lập trường Philippines sẵn sàng đàm phán gác tranh chấp, cùng khai thác tài nguyên với Trung Quốc trên Biển Đông.

Tân Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, ảnh: Philstar.
Tân Ngoại trưởng Philippines Perfecto Yasay, ảnh: Philstar.

Yasay cho hay, hôm qua 8/7 hãng thông tấn pháp AFP phỏng vấn ông về phản ứng của Philippines trước việc ngày 12/7 Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) sẽ ra phán quyết vụ Philippiné kiện Trung Quốc về yêu sách đường lưỡi bò bành trướng trên Biển Đông.

"Những gì tôi nói là chúng ta phải chờ đợi phán quyết, nghiên cứu và phân tích kỹ ý nghĩa của nó", Yasay cho biết trong văn bản gửi GMA Network.

Theo tân Ngoại trưởng Philippines, các nước yêu sách "có thể xem xét" hợp tác, thăm dò khai thác tài nguyên thiên nhiên chung, vì phán quyết không giải quyết vấn đề chủ quyền, phân định biển.

Trong văn bản gửi báo chí, ông Yasay viết:

"Có thể tại một thời điểm trong tương lai, các quốc gia yêu sách có thể cân nhắc tham gia các thỏa thuận như thăm dò và khai thác tài nguyên trong khu vực tranh chấp mà không phương hại đến lập trường của mỗi bên và kết quả phân định ranh giới giữa các bên liên quan, theo quy định của UNCLOS 1982".

Mặc dù đã làm rõ phát biểu của mình, một nhóm người biểu tình trẻ vẫn chỉ trích ông Yasay về ý tưởng hợp tác cùng thăm dò khai thác tài nguyên với Trung Quốc. Tổ chức Kalayaan Atin Ito Movement nói, Ngoại trưởng nên ngừng coi Biển Đông như thể "tài sản cá nhân" của mình.

"Ông Yasay, Biển Tây Philippines (tên người Philippines dùng để gọi Biển Đông) thuộc về 100 triệu người dân Philippines, hãy tham khảo ý kiến người dân", nhóm Kalayaan Atin Ito Movement tuyên bố.

Cá nhân người viết xin lưu ý, "gác tranh chấp, cùng hợp tác khai thác tài nguyên" theo quy định của UNCLOS 1982 chỉ áp dụng đối với các vùng chồng lấn tạo ra do các vùng biển hợp pháp thành lập theo UNCLOS 1982 (lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa) của hai nước liền kề hoặc đối diện nhau.

Một trong 3 nhóm nội dung Philippines khởi kiện và yêu cầu PCA ra phán quyết là đường lưỡi bò Trung Quốc tự vẽ ra năm 1947 để đòi yêu sách "chủ quyền" với gần như toàn bộ Biển Đông hoàn toàn phi lý, phi pháp và do đó nó vô giá trị.

Bởi vậy, ý tưởng Philippines đề xuất "gác tranh chấp, cùng hợp tác khai thác tài nguyên" nên được hiểu là tại những vùng chồng lấn tạo ra giữa các vùng biển thành lập hợp pháp theo UNCLOS 1982 giữa hai bên, chứ không phải vùng chồng lấn với đường lưỡi bò. Đây là việc hoàn toàn bình thường.

Đường lưỡi bò mặc nhiên không có giá trị, và do đó không có cái gọi là vùng chồng lấn với đường 9 đoạn.

Hồng Thủy