Ngoại trưởng Singapore bỏ họp báo ra về là "chơi đẹp" trong thuật ngoại giao!

16/06/2016 09:45
Ts Trần Công Trục
(GDVN) - Cả khối quyết định Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan là người đại diện cho ASEAN chủ trì họp báo chung với ông Nghị theo kế hoạch, sẽ bỏ cuộc họp báo.

LTS: Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc kết thúc ngày hôm qua tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc diễn ra với nhiều bất ngờ và kịch tính.

Nước chủ nhà ép ASEAN rút lại tuyên bố chung, Ngoại trưởng Singapore đại diện cho ASEAN đã hủy bỏ cuộc họp báo chung với người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị và bay về nước ngay sau đó.

Xung quanh động thái đặc biệt này, Tiến sĩ Trần Công Trục, một chuyên gia pháp lý và các vấn đề biên giới, lãnh thổ đã gửi đến Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài phân tích của ông về sự kiện này.

Xin trân trọng giới thiệu bài viết này đến quý bạn đọc. Văn phong và nội dung bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.

Hội nghị đặc biệt Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc tổ chức tại Côn Minh, Vân Nam theo sáng kiến của Malaysia đã kết thúc ngày hôm qua với nhiều kịch tính. Lần đầu tiên ASEAN bị Bắc Kinh ép rút lại tuyên bố chung về vấn đề Biển Đông, họp báo chung bị nước chủ nhà trì hoãn hơn 5 tiếng, Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan bỏ họp báo lên đường về nước.

Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.
Tiến sĩ Trần Công Trục, ảnh do tác giả cung cấp.

ASEAN thống nhất, một khi bị chủ nhà ép không ra được tuyên bố chung về Biển Đông thì các thành viên ASEAN nước nào ra tuyên bố của nước đó. Singapore, Indonesia, Việt Nam đã ra tuyên bố của mình trong đó nhắc lại các nội dung về Biển Đông được tuyên bố chung của ASEAN đề cập, theo South China Morning Post ngày 16/6.

Tuyên bố chung của ASEAN nói gì khiến Trung Quốc hành xử bất chấp danh dự và quy tắc ngoại giao?

Theo thông tin trên website Bộ Ngoại giao Việt Nam, ASEAN đã đạt được một số đồng thuận về vấn đề Biển Đông như sau:

"Về vấn đề Biển Đông, các Ngoại trưởng ASEAN nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, coi đây là lợi ích và trách nhiệm chung của các nước, trước hết là ASEAN và Trung Quốc;

Bày tỏ quan ngại sâu sắc về những diễn biến phức tạp gần đây và đang diễn ra ở Biển Đông, nhất là việc bồi đắp, tôn tạo và xây dựng quy mô lớn các bãi đá, quân sự hóa các đảo nhân tạo và các hành động khẳng định chủ quyền không dựa trên luật pháp quốc tế. 

Trước tình hình phức tạp đó, các Bộ trưởng đề nghị ASEAN và Trung Quốc thể hiện quyết tâm chính trị và nỗ lực hơn nữa để bảo đảm hòa bình và an ninh ở Biển Đông, tuân thủ các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Nhất là tôn trọng các tiến trình pháp lý và ngoại giao, giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, kể cả Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) 1982, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tình hình, nhất là không quân sự hóa. 

Các bộ trưởng cũng đề nghị ASEAN và Trung Quốc đẩy mạnh triển khai các biện pháp xây dựng lòng tin và ngoại giao phòng ngừa, nhất là thực hiện hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm hình thành Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).

Hai  bên hoan nghênh kết quả của Cuộc họp các Quan chức cao cấp ASEAN – Trung Quốc lần thứ 12 về thực hiện DOC vừa qua tại Hạ Long, Quảng Ninh;

Tái khẳng định cam kết triển khai đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành COC nhằm tăng cường hiểu biết, tin cậy và thúc đẩy hợp tác chung trên thực tế, quản lý tranh chấp và ngăn ngừa xung đột, góp phần duy trì hòa bình, ổn định và an ninh trên Biển Đông, nhất là tăng cường trao đổi để có những tiến triển thực chất trong việc thực hiện DOC và xây dựng COC. 

Các Bộ trưởng cũng nhất trí sớm hoàn tất dự thảo Tuyên bố về cam kết thực hiện Bộ quy tắc về tránh va chạm bất ngờ trên biển để trình (Hội nghị) Cấp cao Kỷ niệm thông qua cũng như vận hành đường dây nóng giữa các quan chức ngoại giao về xử lý các vấn đề nảy sinh ở Biển Đông."

Còn lập trường của Việt Nam được Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh khẳng định: 

"Về Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh Biển Đông có tầm quan trọng đặc biệt đối với quan hệ ASEAN – Trung Quốc cũng như hòa bình, an ninh khu vực; đã chứng kiến hợp tác trên nhiều lĩnh vực, các nước từng đạt những kết quả tích cực trong việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: mofa.gov.vn.
Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh và Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: mofa.gov.vn.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp ở Biển Đông và những hệ lụy nghiêm trọng của chúng; kêu gọi ASEAN và Trung Quốc tăng cường đối thoại và hợp tác để xử lý vấn đề Biển Đông, tuân thủ các cam kết bằng những hành động cụ thể, nhất là giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển 1982;

Không sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực, tự kiềm chế, không tiến hành các hoạt động làm phức tạp thêm tranh chấp, nhất là không quân sự hóa ở Biển Đông, thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC và sớm hình thành COC; đề nghị ngừng các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy để có những tiến triển trong đàm phán song phương về phân định trên biển".

Theo cá nhân người viết, tuyên bố của Việt Nam đã thể hiện đầy đủ lập trường nhất quán của ta trong vấn đề Biển Đông, tuy nhiên vẫn còn mang tính nguyên tắc.

Người viết tin rằng, trong đàm phán có lẽ các nhà ngoại giao Việt Nam và ASEAN đã phải đấu tranh kịch liệt với Trung Quốc trên từng vấn đề cụ thể, tuy nhiên khi đề cập chuyện này trong tuyên bố chung vẫn chỉ nhắc lại nguyên tắc có lẽ là do cân nhắc đến khả năng không làm nóng thêm tình hình.

Tôi cho rằng điều này có thể hiểu và chia sẻ được.

Tuy nhiên, trong tình hình hiện tại Biển Đông đang tồn tại những loại tranh chấp rất phức tạp, mà nội dung và thủ tục giải quyết các tranh chấp đó cũng rất khác nhau, nếu trong tuyên bố, phát ngôn còn dừng lại ở nguyên tắc quá chung chung, sẽ có thể dẫn đến những hiểu nhầm, bất lợi về mặt pháp lý.

Đó là khiến dư luận không có đủ thông tin để hiểu, chia sẻ và đồng hành cùng các nhà ngoại giao nước mình trong sự nghiệp đấu tranh chung bảo vệ độc lập chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, quyền chủ quyền, quyền tài phán, lợi ích hợp pháp của Việt Nam và hòa bình, ổn định của khu vực, luật pháp và trật tự quốc tế ở Biển Đông.

Đặc biệt là trong những vấn đề cụ thể liên quan trực tiếp đến lợi ích cốt lõi của Việt Nam như quyền chủ quyền, quyền tài phán trong vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý đang bị đường lưỡi bò và hành động của Trung Quốc xâm hại và được Philippines khởi kiện.

Nên chăng chúng ta cần truyền thông rộng rãi các hoạt động đấu tranh pháp lý, ngoại giao để nhân dân có thêm thông tin, hiểu, chia sẻ và đồng hành để tạo thêm sức mạnh, đồng thời cũng tránh gây ra những hiểu lầm đáng tiếc.

Trong thông báo về hội nghị mà tôi vừa dẫn lại, chi tiết "đề nghị ngừng các hành động làm phức tạp thêm tình hình, thúc đẩy để có những tiến triển trong đàm phán song phương về phân định trên biển" có lẽ nên nói rõ hơn.

Nếu phân tích kỹ về nguyên tắc pháp lý thì đề nghị này không sai, vì: “đàm phán song phương về phân định biển”; nghĩa là chỉ đàm phán song phương để phân định các vùng chồng lấn được hình thành giữa Việt Nam với các quốc gia có bờ biển đối diện hoặc kế cận theo đúng quy định của UNCLOS 1982, chứ không phải đàm phán song phương đối với bất kỳ loại tranh chấp nào.

Cụ thể giữa Việt Nam và Trung Quốc đó là đàm phán song phương về phân định khu vực cửa vịnh Bắc Bộ.   

Về việc  ASEAN  phải rút lại Tuyên bố chung, mặc dù nội dung này đã được phân phát, theo hãng thông tấn AP được tờ Macau Daily Times dẫn lại ngày 16/6, lý do thực sự khiến Trung Quốc ép bằng được ASEAN rút lại tuyên bố chung là vì nội dung liên quan đến Biển Đông mà Bắc Kinh rất "dị ứng":

"ASEAN không thể bỏ qua những gì đang xảy ra ở biển Đông vì nó là một vấn đề quan trọng trong quan hệ và hợp tác giữa ASEAN và Trung Quốc.

Chúng tôi bày tỏ mối quan tâm nghiêm trọng của chúng tôi đối với những phát triển gần đây và đang diễn ra đã làm xói mòn lòng tin và sự tự tin, làm gia tăng căng thẳng và có thể có khả năng phá hoại hòa bình, an ninh và ổn định ở Biển Đông".

Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ảnh: AP.
Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ảnh: AP.

Lục Khảng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã né tránh không trả lời câu hỏi của báo chí quốc tế về việc có phải Trung Quốc gây sức ép (bằng mọi giá) buộc ASEAN rút lại tuyên bố chung về Biển Đông hay không. Ông Khảng đá quả bóng này sang cho ASEAN với nguyên tắc "đồng thuận".

Bình luận về động thái này, hãng thông tấn AP ngày 16/6 được tờ The Financial Express của Ấn Độ dẫn lại cho rằng, dường như Trung Quốc đã sẵn sàng đánh đổi cả danh dự, uy tín của mình để thách thức, chống lại phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực PCA dự kiến sắp được công bố.

Theo hãng thông tấn Antara News, Ngoại trưởng Indonesia, Retno Marsudi đã khẳng định sau cuộc họp quan trọng này: "Nếu không tôn trọng luật pháp quốc tế, sẽ rấ khó khăn để giữ được ổn định và hòa bình".

Ngoại trưởng Singapore bỏ họp báo chung về nước là phản ứng kịp thời, mạnh mẽ trước tham vọng bành trướng

Hôm qua 15/6 khi theo dõi trên truyền thông biết tin ngài Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan với tư cách đại diện cho ASEAN đồng chủ trì họp báo chung với ông Vương Nghị sau hội nghị, đã bỏ họp báo và lập tức lên đường về nước khiến dư luận nức lòng.

Cá nhân tôi cho đó là một phản ứng rất kịp thời, mạnh mẽ trước thói chiếu trên, cửa quyền, hách dịch trong hành xử với các nước láng giềng của Trung Quốc.

Tuy nhiên người viết cũng cảm thấy cần phải có xác nhận chính thức từ Bộ Ngoại giao hoặc truyền thông nhà nước Singapore về vụ việc thì mới có thể đánh giá đúng mức tính chất và hiệu ứng từ phản ứng dư luận đang tin là rất mạnh mẽ này.

Sáng nay 16/6, The Straits Times cho hay, vào phút chót Trung Quốc đã ép ASEAN phải rút lại một tuyên bố chung đồng thuận 10 điểm, tổng hợp lại nội dung cuộc họp của khối trong ngày Thứ Ba, bày tỏ những lo ngại nghiêm trọng của ASEAN về Biển Đông.

Trung Quốc đòi thay nội dung 10 điểm đồng thuận này, ASEAN không chịu, cuối cùng cả khối quyết định Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan là người đại diện cho ASEAN chủ trì họp báo chung với ông Nghị theo kế hoạch, sẽ bỏ cuộc họp báo chung này và bay về nước.

Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, ảnh: The Straits Times.
Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan, ảnh: The Straits Times.

Bởi lẽ nếu họp báo chung mà bác bỏ ngay các lập luận của Trung Quốc (về Biển Đông) giữa nơi công cộng, trước hàng trăm ống kính phóng viên quốc tế sẽ là bất lịch sự, The Straits Times lưu ý.

Như vậy là ngài Ngoại trưởng Singapore Vivian Balakrishnan đã thể hiện rất tốt ý chí và tinh thần đoàn kết của ASEAN trước những vấn đề quan trọng mang tính sống còn đối với hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển của khu vực, luật pháp và công lý quốc tế trên Biển Đông.

Tuyên bố chung không ra được trên đất Trung Quốc thì mỗi thành viên ASEAN sẽ tự ra tuyên bố riêng của mình, đây là lập trường thống nhất thứ 2 của khối.

Một quan chức cấp cao ASEAN nói với The Straits Times, Bộ Ngoại giao Malaysia ra tuyên bố chung vào tối Thứ Ba rồi rút lại sau vài tiếng thể hiện "sự thất vọng cùng cực trong 6 thành viên ASEAN bao gồm Việt Nam trước các hành vi thô bạo và ngạo mạn của Trung Quốc".

Học giả Carlyle Thayer, Giáo sư danh dự tại Học viện Quốc phòng Australia được South China Morning Post dẫn lời cho biết, nhiều người cho rằng Ngoại trưởng Singapore bỏ họp báo ra về là một cái tát vào mặt Bắc Kinh có lẽ hơi phóng đại.

Có thể có những đánh giá và nhận định khác nhau về phản ứng của ASEAN trong cuộc họp này, trong đó có quan điểm cho rằng ASEAN đã "thất bại" và cần phải đấu tranh mạnh mẽ hơn nữa, chỉ đích danh hơn nữa, đi vào các vấn đề cụ thể hơn nữa như phán quyết của PCA mới "đạt yêu cầu", hiệu quả.

Tuy nhiên người viết cho rằng trong bối cảnh tình hình hiện nay, điều đó là mong muốn chung của chúng ta trước tham vọng bành trướng vĩ cuồng của Trung Quốc, nhưng sẽ là không thực tế nếu đòi hỏi một sự đồng thuận tuyệt đối.

Phản ứng của ASEAN được Ngoại trưởng Singapore đã thể hiện một cách tròn vai, xuất sắc, ít nhất là trong thời điểm hiện tại.

Sự kiện kịch tính này cũng một lần nữa cho thấy Trung Quốc không từ thủ đoạn nào để gây sức ép, lấy tư cách chủ nhà để trì hoãn họp báo chung hơn 5 tiếng đồng hồ. Họ càng hành xử áp đặt kiểu này, càng làm mất uy tín của chính họ và lòng tin của khu vực.

Đồng thời Trung Quốc đang đẩy ASEAN vào chỗ đối mặt với chia rẽ và thách thức nghiêm trọng. Nên nhớ rằng, Liên minh châu Âu phát triển trên một nền tảng khá cao và khá tương đồng về trình độ phát triển mà còn đang đứng trước nguy cơ chia rẽ khi Anh sắp trưng cầu dân ý ra đi hay ở lại EU.

Thì ASEAN khi đối mặt với những tình huống sống còn trên Biển Đông, có thể sẽ lại phải đối mặt với tình huống tương tự EU, nếu như khối không điều chỉnh cách tiếp cận các vấn đề chung thành nguyên tắc thiểu số phục tùng đa số, thay vì mãi bị trói buộc bởi nguyên tắc đồng thuận tuyệt đối như hiện nay.

Ts Trần Công Trục