Ngư dân cần được hướng dẫn Luật biển và bảo vệ trực tiếp

14/04/2013 07:15
Đông Hà/Tuoitre
Tập huấn về Luật biển Việt Nam 2012 là một hoạt động rất hiệu quả bởi nó giúp những ngư dân chân chính hiểu được quyền hành nghề của mình. Họ cũng đề đạt nhiều mong muốn được bảo vệ ngoài khơi xa.

Hơn 200 ngư dân huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu đã có mặt từ sớm dù cái tên buổi tập huấn có thể nghe lớn lao: tập huấn về Luật biển VN 2012. Sau đó, ông Phan Thạch - phó chủ tịch UBND xã Phước Tỉnh, huyện Long Điền - đã khẳng định cách tuyên truyền luật trực tiếp cho bà con ngư dân như thế này là “rất hiệu quả”.

Các ngư dân sôi nổi trao đổi trong giờ nghỉ giải lao của buổi tập huấn - Ảnh: Đông Hà
Các ngư dân sôi nổi trao đổi trong giờ nghỉ giải lao của buổi tập huấn - Ảnh: Đông Hà

Tại buổi tập huấn do Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao), Sở Ngoại vụ tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu tổ chức chiều 13-4 ở xã Phước Tỉnh, ông Trần Duy Hải - phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia - nhấn mạnh: “Việc ra đời và thông qua Luật biển năm 2012 là nhu cầu khách quan của đất nước ta. Đó là văn bản pháp luật hoàn chỉnh, hài hòa với luật pháp quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của đất nước và phát triển kinh tế”.

Nên lập đường dây nóng

Nghe ông Trần Duy Hải phổ biến những điều cơ bản trong Luật biển VN 2012, giải thích quy định của quốc tế và quyền của các nước về vùng lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế, tình hình biển Đông, các ngư dân quen tay chài, tay lưới đã sôi nổi thảo luận theo đúng kiểu của những con người bộc trực chuyên sống ở đầu sóng ngọn gió.

Về chủ quyền của VN đối với quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa, ngư dân Bùi Tấn Màu khẳng định chắc nịch: “Tất cả mọi người đều biết Trường Sa, Hoàng Sa là lãnh thổ của VN. Chủ trương của chúng ta là hòa bình, đối thoại và không dùng vũ lực. Đưa ra đàm phán thì Trung Quốc không có tờ giấy chứng minh, họ chỉ có cái bút để vẽ đường lưỡi bò. Lãnh thổ của ta, ta cứ giữ. Trước hết giữ vùng trời, vùng biển, sau đó bảo vệ ngư dân làm ăn chân chính”.

Còn ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (xã Phước Tỉnh) đề nghị Nhà nước nên có biện pháp can thiệp cho ngư dân được đánh bắt ở những vùng chồng lấn với các nước Indonesia và Malaysia. Lão ngư Đỗ Ngọc Đức (xã Phước Tỉnh) cho biết có những trường hợp, ghe cá của Bà Rịa - Vũng Tàu đánh bắt ở vùng biển cách đường cơ sở 250 hải lý đã bị nước bạn bắt giữ. Anh Dương Văn Tám (thị trấn Long Hải) nêu ví dụ cụ thể trường hợp của mình trong năm 2005 và 2012, ghe cá của anh bị nước bạn bắt giữ khi đang đánh bắt ở vùng biển cách Long Hải 190-230 hải lý. Do đó, anh Hải đề nghị Nhà nước phải có điện thoại đường dây nóng để ngư dân phản ảnh.

Sẽ có đội tàu kiểm ngư

Ngư dân Võ Văn Tổng (xã Phước Tỉnh) kiến nghị nên đưa lực lượng chức năng ra hoạt động ở đường ranh, vừa để ngăn chặn tàu bè nước ngoài xâm phạm lãnh hải trái phép vừa hướng dẫn ngư dân đánh bắt đúng địa điểm và giải quyết sự cố trên biển. Theo ngư dân này, việc này chính là biện pháp để bảo vệ ngư dân trực tiếp. Một ngư dân khác cũng đề xuất cơ quan chức năng nên in hải đồ phát cho ngư dân, trên hải đồ có ghi rõ từng vùng, từng tọa độ để bà con ngư dân nắm được cụ thể và chấp hành.

Trả lời các đề xuất của ngư dân, ông Trần Duy Hải khẳng định thời gian qua VN đã đấu tranh hết sức quyết liệt để giữ vững chủ quyền, bảo vệ ngư dân. Rất nhiều trường hợp ngư dân bị nước ngoài bắt giữ, Bộ Ngoại giao đều lên tiếng phản đối, gửi công hàm yêu cầu các nước phải thả vô điều kiện. Chính phủ đã và đang từng bước tăng cường lực lượng trên biển để bảo vệ ngư dân, trong đó ngoài những lực lượng khác, lực lượng kiểm ngư sẽ hỗ trợ bà con ngư dân trên biển. Ông Hải cũng thông báo với ngư dân Long Điền trong thời gian ngắn nữa, những con tàu đầu tiên của lực lượng kiểm ngư sẽ hạ thủy và hoạt động.

Về việc in hải đồ, ông Hải cho hay hiện Bộ Ngoại giao đang xây dựng tờ rơi có in đầy đủ, cụ thể các thông tin về chủ quyền để phát cho bà con ngư dân. Ngoài ra, các bộ ngành liên quan cũng đang nghiên cứu và đề ra các hướng xử lý trên biển cho các tình huống mà bà con ngư dân gặp phải trên biển. Vị đại diện Bộ Ngoại giao cũng khuyên bà con ngư dân nên đi đánh bắt theo tổ đội, nhóm để cùng nhau hỗ trợ khi gặp sự cố.

Đông Hà/Tuoitre