Người dân hỏi: Ra đường hay "đi đánh trận"?

14/10/2011 06:15
Hải Hà (tổng hợp)
(GDVN) - Người dân đã quá bức xúc, kèm theo đó là đề xuất cách giải quyết nhưng cho tới thời điểm này, đó vẫn là bài toán chưa có lời giải đáp

Biết làm gì khi mà người đè lên người

Trên các diễn đàn, nhiều bạn đọc tỏ ra bực bội mỗi khi phải chịu trận khi gặp cảnh tắc đường. Thay vì được về thẳng nhà thì họ phải chen lấn giữa đám đông và khói bụi hàng giờ để chờ dòng xe lưu thông. Nhiều người thậm chí còn đặt câu hỏi: Không hiểu về nhà hay là đang đi đánh trận?

“Thật kinh khủng, ngày nào cũng phải chiến đấu với tắc đường”, “Ôi, em đến phát điên lên mất vì đường với sá. Ngày nào cũng như ngày nào, đến cơ quan là bơ phờ, chẳng làm gì được, không thể hiểu nổi cái thành phố này sẽ đi đứng kiểu gì nữa”, “Khiếp thật, không biết người ở đâu ra mà lắm thế? Cứ ùn ùn, chen lấn, xô đẩy nhau đi. Chẳng biết đến bao giờ Hà Nội mới mở rộng đủ chỗ cho từng đấy con người nhỉ?”, “Bao giờ giao thông Hà Nội mới quy củ hơn đây?”, nhiều bạn đọc đặt câu hỏi với Giáo dục Việt Nam.

Thay vì được về thẳng nhà thì họ phải chen lấn giữa đám đông và khói bụi hàng giờ để chờ dòng xe lưu thông (Ảnh minh họa)
Thay vì được về thẳng nhà thì họ phải chen lấn giữa đám đông và khói bụi hàng giờ để chờ dòng xe lưu thông (Ảnh minh họa)
Đối mặt với thực tế là chính quyền thành phố đã xoay sở nhiều cách mà vẫn “bó tay” với  các biện pháp khắc phục “căn bệnh ùn tắc giao thông”, người dân hai ở những thành phố lớn không còn cách nào khác là “sống chung” với căn bệnh này, cũng như dân cư miền Trung  và đồng bằng sông Cửu Long “sống chung với lũ”. Nhiều người thở dài, chấp nhận thực tế. Có người biết có bức xúc cũng không giải quyết được gì, thôi thì đành…tự động viên mình: “Ngày nào mà em đi làm không phải leo lên vỉa hè, vượt chướng ngại vật, luồn lách, ngoằn nghèo các kiểu là em thấy thiếu thiếu”.

Quá mệt mỏi vì hàng ngày phải đối mặt và “chiến đấu” với cảnh tắc đường, nhiều bạn đọc tỏ ra chán nản, mất niềm tin. Thành viên ký tên  Mebebi trên WTT chia sẻ: “Đi làm mà khổ vì đường sá thế này, không biết có còn yêu nghề, yêu việc được không nữa? Sáng nay em đi làm mất hơn 1 tiếng mà bình thường thì chỉ khoảng 20 phút, đến công ty mệt lử đử, chẳng muốn làm việc gì nữa".

"Đúng là kinh hoàng. CSGT cũng chỉ biết đứng nhìn, ngao ngán, biết làm gì khi mà người đè lên người, xe đạp lên xe ... Em chán HN lắm rồi nhưng chẳng biết đi đâu sống bây giờ và cũng không biết bao giờ HN mình mới khá lên được khoản đường xá với giao thông?”, một người khác viết.

Trên Vnexpress bạn đọc Nguyễn Thanh Mai chia sẻ: “Ngày nào tôi cũng đi làm và về vào giờ cao điểm nên hầu như lúc nào khi tham gia giao thông tôi cũng thấy đâu óc thật căng thẳng. Cái quan trọng là thấy bực mình vì ý thức của ngưòi tham gia giao thông quá kém : mạnh ai nấy đi, chỗ nào "lách" được thì cứ thế mà lao, không cần biết người bên cạnh có làm sao hay không”.

"Tôi sợ hãi khi quay về Hà Nội"

Bạn đọc Hoàng Sơn bày tỏ quan điểm: “Tôi sinh ở Hà Nội và hiện nay công tác tại nơi khác. Mỗi lần về Hà Nội là mỗi lần cảm thấy sợ hãi, ngột ngạt và thật khổ sở khi phải đi lại trên đường phố thủ đô.

Dân Hà Nội đi đứng có vẻ chẳng sợ gì vì toàn "con ông cháu cha cả", cứ đi bừa, ôtô thì dàn hàng ngang 4-5 hàng trên đường, xe máy thì đi loạn xạ chẳng có hàng, có làn đường nào. Đừng trách xe máy phi lên vỉa hè vì lòng đường còn đâu đường để mà đi! Hy vọng các nhà quản lý sẽ có được những biện pháp thực thi nhất để giúp Hà Nội đỡ lộn xộn như hiện nay. Nếu không vài năm nữa Hà Nội thành "cái làng nhà tôi" của mấy anh nông dân, đường nhà tôi tôi cứ đi thế ai làm gì thì làm!”.

Sáng ra cổng, đường tắc, trưa đi làm về lại tắc đường, buổi tối muốn đi đâu cũng đành phải gác lại cũng chỉ vì hai chữ " tắc đường". Điệp khúc tắc đường ấy đã và đang là nỗi ám ảnh của mỗi người dân sống trong đô thị lớn như HN và TP.HCM.

“Đã bao giờ bạn bị tắc đường đến phát khóc chưa? Tôi thì có đấy, Hà Nội - mưa - ngập - tắc và tôi - khóc. Khóc không phải vì ướt, vì khói xe, xăng xe, ngột ngạt, stress mà vì không thể tìm ra kẽ hở nào của các ngả đường về nhà với con gái đang ốm”, một thành viên chia sẻ nỗi bức xúc trên webtretho.

“Tôi thực sự muốn chia sẻ với các bạn vì tôi đang rất bức xúc. Hầu như ngày nào cũng vậy, tôi phải vật lộn trong dòng giao thông ùn tắc trên quãng đường chưa đầy 8km từ nhà đến cơ quan. Bước ra khỏi nhà là tôi phải nghĩ xem: nên đi lối nào cho “thuận lợi”?

Có nhiều hôm thấy thật vui khi đi được gần nửa quãng đường mà vẫn thông thoáng, rồi bỗng chốc mắt tôi tối sầm lại khi nhìn thấy phía trước mọi người đang đứng khựng lại cùng những hàng xe…Đèn đỏ ư, không phải, lại tắc rồi! và tôi không còn cách nào, cũng phải hòa vào dòng đám đông đó với với một bầu không khí ngột ngạt, ô nhiễm…

Tôi ghét phải leo lên vỉa hè với dòng người nhộn nhạo chen chúc, không có một chút văn hóa giao thông… nhưng nếu không trèo lên vỉa hè, tôi sẽ phải hít khói xe lâu hơn, và có thể sẽ bị muộn giờ làm.

Tôi yêu Hà Nội, tôi yêu những con đường thân quen nơi đây hàng ngày tôi đi qua, tôi không muốn bị ám ảnh bởi cái cảm giác “gần mà xa”. Tôi sợ phải giật thót trên đường đi làm bởi tiếng còi xe hay chiêu đánh võng của một số anh hùng xa lộ sát ngay bên mình. Nhiều lúc tôi thèm được một phút thư thái (hát một chút) trên đường về nhà sau một ngày làm việc căng thẳng mà không phải nghĩ nhiều về giao thông…mong muốn thật giản đơn…”, một bạn đọc chia sẻ trên Dân trí.


Chung quy cũng tại... ý thức

 

Nhìn bức tranh đô thị nước ta qua cảnh tắc đường mà thấy nản lòng. Nhà hoạch định phát triển đô thị thì không làm đủ đường cho người dân đi; người dân thì thi nhau sắm phương tiện cá nhân đi cho tự do. Đây chính là xuất phát điểm dẫn đến “hai con dê qua cầu” không con nào chịu nhường đường cho con nào... ở đây không phải là sông thì chịu chôn chân tắc nghẽn ở đường phố. Câu chuyện giản đơn từ bài học lớp một lại nhằm đúng vào thực tế vấn đề nhức nhối về giao thông ngày nay.

Bạn đọc Lại Duy Thường  trong thư gửi báo điện tử Giáo dục Việt Nam đặt câu hỏi: “Không lẽ Việt Nam mình không có một người, một tổ chức đủ tài năng để tìm ra phương pháp hiệu quả nhất giải quyết tình trạng giao thông này hay sao?”. 

Một bạn đọc khác viết: “Ai cũng cứ kêu gào là ý thức của người dân tham gia giao thông kém, nhưng xin hỏi cơ quan chủ quản đã làm những gì để duy trì cho người dân bắt buộc phải thực hiện? Cứ làm theo kiểu "làng tôi tôi muốn làm thế nào thì làm" thì loạn quá”.

Tuy nhiên, cũng có nhiều ý kiến cho rằng : cảnh tắc đường thế này, chung quy lại cũng tại ý thức người dân khi tham gia giao thông còn quá kém.

Người ta bảo nước dồn chỗ trũng, thấy bên dưới len được cứ chen nhau len lên, phi cả xe lên vỉa hè để xông tới thì hỏi làm sao mà cái chỗ ứ đó thoát được? Đã len lên rồi thì có muốn quay lại hay nhường đường cũng khó.. …..Nhưng mà ….. nếu mình không len lên thì người khác cũng len, và tắc vẫn hoàn tắc. Mình len lên thì khi hết tắc mình còn đi được luôn chứ ở dưới chờ có mà đi muộn suốt ngày.Cốt lõi là ở đấy. Dân mình cứ mạnh ai người ấy sống, chẳng cần chú ý đến người xung quanh. Nếu cứ như thế này thì có lẽ mãi vẫn phải làm sống chung với tắc đường thôi, không kêu ca hay oán trách ai cả.

“Mỗi lúc tắc đường, có chỗ nào trống là mọi người đều đi vào. Nói chung là nếu mọi người chịu khó ngồi đợi ở dưới, để cho hai luồng cùng được thông thì chắc không tắc liên tục như thế này.

Nếu chúng ta chỉ biết kêu mà không hành động thì cũng chỉ như thế thôi. Ý thức của người lớn là quan trọng nhất. Người lớn không làm cứ đổ lỗi cho giáo dục và cho nhà nước là không đúng”, bạn đọc Ngoc Anh bày tỏ quan điểm trên Vnexpress.

Câu hỏi bao giờ mới hết tắc đường có lẽ là câu hỏi nhức nhối nhất đối với cơ quan chức năng cũng như mỗi người dân.  Có lẽ câu trả lời phải đợi đến khi người Việt nam ta xây dựng cũng như trong tiềm thức mỗi người xuất hiện cụm từ “Văn hóa giao thông”.

“Khi lâm vào cảnh tắc đường, trước khi nghĩ đến những giải pháp của thành phố hãy tìm một giải pháp riêng cho chính ý thức tham gia giao thông của mình”. Đó là lời kêu gọi của một thành viên trên diễn đàn dành cho thanh niên.

"Hễ tắc đường là chúng ta lại đổ lên đầu các nhà quản lý, các cơ quan chức năng. Hễ tắc đường là chúng ta kêu gào, chửi bới. Đã bao giờ, chúng ta nhìn lại chính trách nhiệm của bản thân mình trong vấn nạn này của xã hội hôm nay?"...Một bạn đọc đặt câu hỏi.

Dư luận xã hội luôn bức xúc về chuyện tắc đường. Ai cũng hiểu tắc đường khổ sở như thế nào! Ai cũng muốn thoát ra khỏi nó. Ai cũng lên án nó và những người gây ra nó. Nhưng ít người sáng sáng thức dậy, soi gương và tự hỏi: Mình có góp phần nhỏ bé vào nguyên nhân của chuyện tắc đường này hay không?

 

Chúng ta muốn được sống trong 1 xã hội hiện đại văn minh, trước tiên chúng ta phải là 1 con người có văn hóa! Tất nhiên, cũng không thể hi vọng hôm nay mình hành động có văn hóa, ngày mai sẽ hết tắc đường. Đó là một hành trình không mệt mỏi cần đến sự chung tay của tất cả mọi người.

 
Hải Hà (tổng hợp)