Người tâm thần được làm y sĩ, "bán" giấy khám sức khỏe ở Bệnh viện Đông Anh

08/08/2016 10:46
Minh Anh
(GDVN) - Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian những năm 2013, 2014, Tuấn vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương và vẫn được nhận lương...

“Nhân bản” giấy khám sức khỏe
Thời gian qua, việc “nhân bản” giấy khám sức khỏe (không khám vẫn cấp giấy) kéo dài gây rất nhiều bức xúc cho cán bộ công nhân viên, y, bác sỹ trong bệnh viện và nhân dân, song vẫn được Bệnh viện này “làm ngơ”.

Lợi dụng sự cần thiết của việc cấp giấy khám sức khỏe để đi học, đi làm… nhiều cá nhân, tổ chức tại Bệnh viện này đã thực hiện việc “mua bán” giấy khám nhằm thu lợi bất chính, trái pháp luật, trái với quy định của Bộ Y tế.

Người tâm thần được làm y sĩ, "bán" giấy khám sức khỏe ở Bệnh viện Đông Anh ảnh 1

 Bệnh viện đa khoa Đông Anh (Hà Nội) xuất hiện tình trạng "cấp khống" giấy khám sức khỏe.

Nội dung đơn gửi đến một số cơ quan báo chí và cơ quan chức năng, hé lộ nhiều sai phạm nghiêm trọng xảy ra tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh (BVĐK Đông Anh, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, Hà Nội) trong đó có nhiều sai phạm được cho là “do sự quản lý yếu kém, thiếu trách nhiệm, mưu lợi cá nhân” của ông Ngô Văn Huy, Giám đốc Bênh viện.

Theo Biên bản họp Khoa Liên chuyên khoa, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, ngày 09/6/2016, kiểm điểm cá nhân bà Đinh Thị Lan về việc làm giấy chứng nhận sức khỏe trái quy định.

Vụ việc vẫn đang được Ban Giám đốc và Hội đồng khen thưởng kỷ luật của Bệnh viện cũng như Thanh tra Sở Y tế tiến hành làm việc, làm rõ những tổ chức, cá nhân có liên quan để có hình thức xử lý.

Theo quy định của Bộ Y tế: “Giám đốc các cơ sở y tế tổ chức khám sức khỏe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về kết quả khám sức khỏe cũng như các hành vi vi phạm quy trình khám sức khỏe của cán bộ khám sức khỏe ở cơ sở của mình;

Những trường hợp cố tình vi phạm những quy định về khám sức khỏe, tùy theo mức độ có thể bị xử phạt hành chính hoặc bị truy tố trước pháp luật”.

Biên bản họp của Bệnh viện thể hiện sự "cấp khống" giấy khám sức khỏe.

 Biên bản họp của Bệnh viện thể hiện sự "cấp khống" giấy khám sức khỏe.

Quy định như vậy về trách nhiệm của giám đốc bệnh viện, song vì lý do gì mà việc này vẫn diễn ra ở Bệnh viện Đa khoa Đông Anh.

Vậy Ban Giám đốc và cá nhân Giám đốc Ngô Văn Huy có biết? Câu hỏi này cần sự giải đáp từ Thanh tra Sở Y tế Hà Nội và cơ quan chức năng có liên quan.

Sử dụng người tâm thần làm việc?
Cạnh đó, việc sử dụng cán bộ trái với quy định hiện hành làm ảnh hưởng đến tính mạng các cán bộ khác và chi trả lương sai quy định.

Cán bộ y tế mắc bệnh tâm thần nhưng vẫn bố trí làm việc. 

Cụ thể, vào tháng 5/2015, Y sỹ Nguyễn Hữu Tuấn, Khoa Dược dùng dao đâm trọng thương Dược sỹ Phạm Hoàng Diệp cùng khoa khiến anh Diệp phải nằm điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức.

Theo kết quả giám định y khoa của Viện Khoa học hình sự - Bộ Công an, Dược sỹ Diệp bị mất 70% sức khỏe. 

Theo tìm hiểu của phóng viên, thời gian những năm 2013, 2014, Tuấn vẫn đang điều trị tại Bệnh viện Tâm thần Trung ương và vẫn được chuyển tiền lương qua tài khoản ngân hàng.

Người tâm thần được làm y sĩ, "bán" giấy khám sức khỏe ở Bệnh viện Đông Anh ảnh 3

 Cụ thể, vào tháng 5/2015, Y sỹ Nguyễn Hữu Tuấn, Khoa Dược dùng dao đâm trọng thương Dược sỹ Phạm Hoàng Diệp cùng khoa khiến anh Diệp phải nằm điều trị phẫu thuật tại Bệnh viện Việt Đức.

Như vậy, sai phạm của ông Ngô Văn Huy là: Sử dụng tiền ngân sách trả lương cho người không làm việc - là trái pháp luật; Sử dụng người mắc bệnh tâm thần làm việc tại viện rất nhiều năm; Giả mạo giấy tờ để làm sai lệch hồ sơ để tránh sai phạm cá nhân.

Theo Kết luận Giám định số 7385/C54 (TT1) ngày 13-11-2015 của Viện Khoa học Hình sự, Bộ Công an căn cứ theo Quyết định trưng cầu giám định số 305/CQĐT ngày 23-6-2015 của Công an huyện Đông Anh, nêu:

Theo nội dung Quyết định trưng cầu: ngày 8-5-2015, Nguyễn Hữu Tuấn, sinh năm 1980, trú tại thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, thành phố Hà Nội dùng dao phóng lợn đâm anh Phạm Hoàng Diệp, sinh năm 1983, trú tại xã Uy Nỗ, huyện Đông Anh. Hậu quả: anh Diệp bị thương được đưa đi Bệnh viện Đa khoa Đông Anh cấp cứu, sau đó được chuyển Bệnh viện Việt Đức…

Theo kết quả giám định tại Kết luận số 7385: “Qua kết quả nghiên cứu hồ sơ, khám giám định, khám chuyên khoa và các xét nghiệm, xác định anh Phạm Hoàng Diệp bị vết thương thấu ngực - bụng đã được điều trị ổn định.

Hiện tại, để lại các tổn thương màng phổi trái, động mạch ngực trong, động mạch gian sườn, cơ hoành, dạ dày, gan đã điều trị, kết quả tốt; các sẹo vùng ngực trái, ngực - sườn trái, sẹo vùng giữa bụng và bụng trái.

Đối chiếu với Bảng tỷ lệ phần trăm tổn thương cơ thể do thương tích ban hành kèm theo Thông tư số 20/2014/TT-BYT ngày 12-6-2014 của Bộ Y tế, xác định tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của anh Phạm Hoàng Diệp tại thời điểm giám định là: 70%”.

Thời điểm này anh Diệp đang làm việc bình thường tại Bệnh viện Đa khoa Đông Anh, về chế độ, đáng lẽ anh Diệp hoàn toàn được hưởng chế độ theo quy định.

Theo thông tư số 04/2015/TT-BLĐTBXH ngày 2-2-2015, tại Điều 5 quy định: “Trong trường hợp người lao động bị tai nạn khi thực hiện nhiệm vụ hoặc tuân theo sự điều hành hợp pháp của người sử dụng lao động ở ngoài phạm vi cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức, hợp tác xã, nếu do lỗi của người khác (không phải là bản thân người lao động bị tai nạn) gây ra hoặc không xác định được người gây ra tai nạn, thì người sử dụng lao động vẫn phải bồi thường cho người lao động theo quy định tại Điều 3 Thông tư này”.

Trong bản tường trình của Dược sỹ Phạm Hoàng Diệp có ông Trần Văn Bích, Trưởng khoa Truyền nhiễm xác nhận, ghi: “Khoảng 8h35 phút ngày 8-5-2015, theo đúng sự phân công của giám đốc bệnh viện và khoa Dược… tôi đi từ khoa Dược lên khoa Truyền nhiễm để gặp Bác sỹ Trần Văn Bích hỏi về vấn đề có 1 chiếc Moniter theo dõi bệnh nhân của khoa Truyền nhiễm gặp sự cố cần sửa chữa”. 

Theo bản tường trình này, trong thời gian ngồi chờ ông Bích để làm việc thì anh Nguyễn Hữu Tuấn bất ngờ đâm anh Diệp và gây tổn hại 70% sức khỏe cho anh Diệp như đã nêu ở trên.

Điều đáng nói, dù đã gửi kiến nghị giải quyết chế độ theo quy định của Nhà nước và pháp luật, tuy nhiên đến nay Bệnh viện Đa khoa Đông Anh vẫn chưa giải quyết chế độ cho Dược sỹ này.

Song, điều đáng nói hơn nữa là việc tuyển dụng, sử dụng nhân viên Nguyễn Hữu Tuấn, người có tiền sử điều trị tâm thần ở Bệnh viện Tâm thần Trung ương (Thường Tín, Hà Nội).

Đây là nguồn cơn dẫn đến hành động anh Tuấn dùng dao đâm nhát dao chí mạng khiến anh Diệp thừa sống thiếu chết, tổn hại 70% sức khỏe.

Trong các tài liệu phóng viên có được, Bệnh viện Đa khoa Đông Anh vẫn thực hiện việc chi trả lương cho nhân viên Nguyễn Hữu Tuấn trong nhiều năm, khi mà anh này không đủ sức khỏe làm việc.

Và vụ việc gây ra với anh Diệp không phải là vụ việc duy nhất của anh này. Giám đốc Ngô Văn Huy và Ban lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa Đông Anh chắc không thể nói không biết việc này (!?).
Trao đổi với phóng viên, ông Ngô Văn Huy, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đông Anh thừa nhận những thông tin phóng viên nêu đã được gửi đến Sở Y tế Hà Nội và cơ quan chức năng.

Tuy nhiên, vị Giám đốc hẹn trả lời nội dung cụ thể cho phóng viên vào thời gian sắp xếp sau, đồng thời ông Huy cho biết Thanh tra Sở Y tế Hà Nội đang làm việc với bệnh viện về những nội dung này. Sau khi có kết luận của Thanh tra, sẽ cung cấp cho báo chí. 

Báo điện tử Giáo dục Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin.

Minh Anh