Nhật Bản đang dần thể hiện vai trò dẫn dắt trong bảo vệ trật tự khu vực, quốc tế

12/10/2018 08:51
Thanh Bình
(GDVN) - Xung đột thương mại Mỹ-Trung không ngừng leo thang, Nhật Bản sẽ có thêm nhiều cơ sở hơn để đặt ra các điều kiện có lợi cho mình trong quan hệ với Trung Quốc.

Thời gian qua, Nhật Bản có những điều chỉnh về chính sách đối ngoại một cách khá thực dụng.

Theo đó, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã chủ động hơn trong việc phối hợp với Mỹ và đặt ra các điều kiện hợp tác với Trung Quốc. 

Các chuyên gia nhận định Tokyo có lẽ đang tiến hành thử nghiệm vai trò dẫn dắt của mình trong bảo vệ trật tự quốc tế.

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: AP.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump, ảnh: AP.

Tháng 5/2015, Định hướng sửa đổi hợp tác quốc phòng song phương Mỹ - Nhật đã được ký kết và khẳng định Nhật Bản sẵn sàng thực thi quyền phòng vệ tập thể. 

Trong kế hoạch hành động 2018, Đảng Dân chủ tự do (LDP) của Thủ tướng Shinzo Abe cũng nhấn mạnh đến việc sửa đổi Hiến pháp để cho phép Nhật Bản có thể bảo vệ các đồng minh. 

Đến nay, hầu hết các cuộc gặp hay điện đàm giữa Thủ tướng Shinzo Abe và Tổng thống Donald Trump  đều do Tokyo chủ động đề xuất. [1]

Đối với vấn đề thâm hụt thương mại, chính quyền của Thủ tướng Shinzo Abe đã thể hiện rõ quan điểm không ủng hộ chính sách bảo hộ của Tổng thống Donald Trump mà trái lại giữ vững quan điểm thương mại tự do. 

Mặc dù Mỹ đã nhiều lần hối thúc Nhật Bản đàm phán về một Hiệp định tự do thương mại song phương (FTA), nhưng đến nay Nhật Bản vẫn chưa nhượng bộ mà vẫn cố gắng thuyết phục Mỹ quay lại hệ thống thương mại đa phương.

Lễ ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tại Chi-lê (Ảnh: TTXVN).
Lễ ký Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương tại Chi-lê (Ảnh: TTXVN).

Đáng chú ý, tháng 7/2018, Nhật Bản đã ký FTA với Liên minh châu Âu (EU), loại bỏ hầu hết các biểu thuế của hai bên. 

Nhật Bản cũng là nhân tố quan trọng trong việc làm hồi sinh Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương thông qua việc thúc đẩy 11 quốc gia ký kết Hiệp định Đối tác tiến bộ và toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).

Đây được coi là một phản ứng mạnh mẽ của Tokyo chống lại chủ nghĩa bảo hộ thương mại.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Tokyo dường như đã cảm nhận được nhu cầu của Bắc Kinh trong việc mong muốn cải thiện quan hệ giữa hai bên. [2]

Từ cuối năm 2017 đến nay, Nhật Bản và Trung Quốc thường xuyên có các cuộc tiếp xúc cấp cao như Thủ tướng Shinzo Abe gặp song phương với Chủ tịch Tập Cận Bình bên lề Hội nghị APEC 2017 tại Việt Nam (tháng 11/2017), tiếp Thủ tướng Lý Khắc Cường lần đầu tiên thăm chính thức Nhật Bản sau 7 năm (tháng 5/2018). 

Vì vậy, đối với các sáng kiến do Bắc Kinh khởi xướng, đặc biệt là sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI), Nhật Bản chỉ cân nhắc hợp tác ở các khía cạnh có lợi cho kinh tế của Nhật Bản. 

Nhật Bản nhập khẩu hệ thống mới của Mỹ để đối phó tên lửa CJ-10 Trung Quốc

Lúc đầu, Tokyo cùng Washington lên tiếng phản đối sáng kiến Vành đai và Con đường nhưng đến nay, Tokyo để ngỏ khả năng hợp tác với Bắc Kinh với những điều kiện nhất định như sử dụng tự do cơ sở hạ tầng, việc cung ứng phát triển phải công bằng và minh bạch.

Trong bối cảnh, xung đột thương mại Mỹ-Trung không ngừng leo thang, Nhật Bản sẽ có thêm nhiều cơ sở hơn để đặt ra các điều kiện có lợi cho mình trong quan hệ với Trung Quốc.

Tokyo nhận thức được “một khoảng trống quyền lực” khi vai trò của Mỹ trên trường quốc tế đang giảm dần. [3] 

Do đó, việc điều chỉnh chính sách đối ngoại của Tokyo cho thấy mong muốn thể hiện vai trò dẫn dắt đối với trật tự khu vực và quốc tế của chính quyền Thủ tướng Shinzo Abe. 

Với khả năng sẽ tiếp tục cầm quyền đến năm 2021, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ có thêm điều kiện để thúc đẩy các xu hướng trên diễn ra mạnh mẽ hơn.

Tài liệu tham khảo: 

[1] https://www.japantimes.co.jp/opinion/2018/10/02/commentary/japan-commentary/abes-art-deal-prime-minister-won-new-york/#.W76aaX4zZdg

[2] http://www.eastasiaforum.org/2018/07/18/why-japan-china-relations-are-back-on-track/

[3] Tham khảo bài viết “Xu hướng mới trong chính sách đối ngoại của Nhật Bản” trên Tạp chí TGTC (Số 119)

Thanh Bình