"Nhật Bản lấy công làm thủ, sẽ là át chủ bài của Mỹ ở Biển Đông"

27/05/2015 06:14
Hồng Thủy
(GDVN) - Yếu tố quyết định chiến lược xoay trục của Obama thành hay bại nằm trong tay Nhật Bản. Biển Đông sẽ là nơi thử thách quan hệ Mỹ - Nhật, Nikkei bình luận.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Mỹ Barack Obama.

Đa Chiều ngày 26/5 đưa tin, tờ Nikkei của Nhật cùng ngày bình luận, chiến lược xoay trục sang châu Á - Thái Binh Dương của chính quyền Tổng thống Barack Obama về cơ bản đã phủ định chính sách ngoại giao của Tổng thống tiền nhiệm. Nhưng điều đáng nói là khi ông Obama đang quan tâm "xoay trục sang châu Á" thì Trung Đông vẫn tiếp tục loạn lạc. Yếu tố quyết định chiến lược xoay trục của Obama thành hay bại nằm trong tay Nhật Bản. Biển Đông sẽ là nơi thử thách quan hệ Mỹ - Nhật, Nikkei bình luận.

Năm 2001 Mỹ bắt đầu Chiến tranh Afghanistan, năm 2003 khai chiến tại Iraq đã làm Washington hao tổn không ít sức lực. Trong lúc này "con sư tử đang ngủ" ở phương Đông là Trung Quốc lại nhanh chóng tận dụng thời cơ, khoảng trống quyền lực ở châu Á để chiêu binh mãi mã, mở rộng thực lực. Đến năm 2014 ngân sách quốc phòng nước này tăng hơn 10 lần so với năm 1997, tương đương 1/4 của Mỹ và gấp 2,7 lần Nhật Bản. Chưa kể đến tính chất bất minh trong các khoản chi tiêu cho quân sự của Trung Quốc, con số này thực tế có thể lớn hơn nhiều.

2 cuộc chiến tại Afghanistan và Iraq đã khiến Mỹ suy thoái kinh tế, hao mòn tiềm lực quốc gia. Về mặt chi tiêu quân sự, Mỹ rõ ràng có nhiều chỗ lực bất tòng tâm. Đồng thời các đồng minh của Mỹ như Ai Cập, Ả Rập Saudi và thậm chí ngay cả Liên minh châu Âu cũng đang ngày càng có nhiều tiếng nói bất mãn, đồng sàng dị mộng với Hoa Kỳ. Có thể nói Mỹ đang gặp phải nguy cơ lớn. Nếu Mỹ rút khỏi Trung Đông lúc này thì sẽ có một khoảng trống quyền lực lớn, mà ở lại thì bị Trung Đông bó gối, và tại châu Á - Thái Bình Dương, Trung Quốc có thể tự tung tự tác.

Đây chính là điều Trung Nam Hải đang mong muốn, không phải chiến tranh mà vẫn đuổi được kẻ thù mạnh. Bắc Kinh nhanh chóng ra tay bồi lấp, xây dựng đảo nhân tạo (bất hợp pháp) ở Biển Đông, thúc đẩy xây dựng các cứ điểm quân sự. Gần đây Lầu Năm Góc đã phải tuyên bố sẽ phái máy bay trinh sát, tàu hải quân tiến vào 12 hải lý xung quanh các đảo nhân tạo này để phản đối yêu sách "chủ quyền" hay (cái gọi là) lãnh hải (vô lý, phi pháp) trong khu vực. Nếu điều này tiếp tục, cuối cùng có thể nổ ra chiến tranh Trung - Mỹ ở Biển Đông như Phó Giám đốc Cục Tình báo trung ương Mỹ Michael Morrell nhận định.

Tuy nhiên Mỹ sẽ không đơn độc, Nikkei bình luận. Washington vẫn còn con át chủ bài ở Biển Đông là Nhật Bản. Mỹ - Nhật tăng cường hiệp định đảm bảo an ninh trong phạm vi toàn cầu, điều này xác quyết khả năng Mỹ sẽ nhận được sự trợ giúp từ Nhật Bản lúc khó khăn. Mặt khác hành động bồi lấp, xây đảo nhân tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông ở một ức độ nhất định cũng làm tổn hại lợi ích chung của Mỹ và Nhật Bản ở Tây Thái Bình Dương.

Vì vậy Nikkei cho rằng Biển Đông sẽ là nơi thử lửa mức độ bền chặt của quan hệ đồng minh Mỹ - Nhật. Thủ tướng Shinzo Abe năm lần bảy lượt tìm kiếm mục tiêu biến Nhật Bản thành "quốc gia bình thường" và "cường quốc quân sự" sẽ cang trở nên hiện thực cùng với đà nhu cầu của Mỹ. Một Nhật Bản phòng thủ đã trở thành quá khứ, dưới sự trợ giúp của Hoa Kỳ, Lực lượng Phòng vệ Nhật Bản đang chuẩn bị một lần nữa đối mặt với quân đội Trung Quốc.

Hồng Thủy