Sau khi Tổng thống Donald Trump lên nắm quyền, mặc dù ông thực hiện chính sách “Nước Mỹ trước tiên”, nhưng ý đồ chiến lược của Mỹ trong việc can dự vào Biển Đông để kiềm chế sự trỗi dậy của Trung Quốc là không thay đổi.
Xem xét xu hướng trong tương lai, Mỹ sẽ tiếp tục thông qua tuyên bố tự do hàng hải để tăng cường phối hợp toàn diện với Nhật Bản, Australia và các đồng minh trong khu vực để xây dựng liên minh biển châu Á-Thái Bình Dương.
Tàu ngầm Kuroshio của Nhật Bản tham gia diễn tập quân sự ở Biển Đông năm 2018 (Ảnh: SCMP). |
Nhật Bản là quốc gia không có yêu sách ở Biển Đông, không liên quan trực tiếp, nhưng Biển Đông có vai trò quan trọng trong tuyến hàng hải huyết mạch từ Trung Đông đến xứ sở Mặt trời mọc.
Do vậy, trong thời gian gần đây, Nhật Bản liên tục thể hiện quan điểm kiên quyết, nhất quán về vấn đề Biển Đông, đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc đẩy mạnh việc triển khai hoạt động quân sự hóa bất hợp pháp trên Biển Đông.
Sự can dự của Nhật Bản vào vấn đề Biển Đông sớm hơn Mỹ, sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, Nhật Bản đã chuyển từ tích cực hoạch định can dự sang tích cực can dự vào Biển Đông.
Từ năm 2009 đến nay, tình hình Biển Đông trở nên căng thẳng, Nhật Bản đã tích cực phối hợp với Mỹ thúc đẩy các phương thức như đa phương hóa và quốc tế hóa vấn đề Biển Đông.
Ví dụ như Tokyo đã ủng hộ Philippines đơn phương khởi kiện Trung Quốc áp dụng sai, giải thích sai Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 ở Biển Đông lên Tòa trọng tài nhằm tăng cường tiếng nói ở vùng biển này.
Nhật Bản coi quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là khuôn khổ cơ chế hợp pháp cho việc can dự vào Biển Đông.
Chiến lược bảo đảm an ninh quốc gia của Nhật Bản chỉ rõ, là những nước có mạng lưới thương mại toàn cầu phụ thuộc vào đường biển, Mỹ và Nhật nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì trật tự trên biển dựa trên nền tảng luật pháp quốc tế, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không.
Do đó, đảm bảo an ninh tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông là vấn đề có tính nguyên tắc, không để bất cứ một thế lực nào tuyên bố vùng nhận diện phòng không và đe dọa đến tự do hàng hải quốc tế.
Sự phối hợp và hợp tác Nhật - Mỹ trong vấn đề Biển Đông còn biểu hiện ở việc hai nước phối hợp giúp đỡ các nước hữu quan xây dựng năng lực phòng thủ.
Ví dụ, để giúp Philippines nâng cao khả năng đối phó với Trung Quốc trên biển, hai nước đã phân công rõ ràng: Mỹ chịu trách nhiệm cung cấp vũ khí, trang bị cho lực lượng vũ trang Philippines trong khi Nhật Bản cung cấp trang bị cho lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines.
Nguyên nhân khiến Nhật Bản không ngừng can dự sâu vào tình hình Biển Đông chủ yếu là do:
Mỹ can dự chiến lược chưa từng có vào Biển Đông |
Thứ nhất, để duy trì và bảo vệ an ninh tuyến đường biển cho tàu thuyền và hàng hóa Nhật Bản đi qua Biển Đông.
Vùng biển này là tuyến đường hàng hải huyết mạch sống còn của Nhật Bản.
Nhật Bản nhận thấy rằng, cùng với sự gia tăng sức mạnh về chính trị, kinh tế và quân sự, Trung Quốc sẽ tăng cường kiểm soát toàn diện Biển Đông một cách bất hợp pháp.
Khi mới lên làm Thủ tướng Nhật Bản, ông Shinzo Abe từng cho biết Biển Đông đang dần bị Bắc Kinh tìm cách biến thành “ao nhà” của họ.
Nếu Nhật Bản coi nhẹ khu vực này thì Trung Quốc sẽ tiếp tục tăng cường kiểm soát Biển Đông. Tự do hàng hải của Nhật Bản và Hàn Quốc ở Biển Đông sẽ bị cản trở nghiêm trọng.
Do đó, Nhật Bản muốn tích cực can dự vào tranh chấp Biển Đông, tránh để cho Trung Quốc kiểm soát toàn diện vùng biển này.
Thứ hai, Nhật Bản cần can thiệp vào Biển Đông để tăng thêm phương án đối trọng với Trung Quốc trong vấn đề tranh chấp biển Hoa Đông giữa hai nước.
Mặc dù tranh chấp Biển Đông và Hoa Đông hoàn toàn là hai vấn đề khác nhau nhưng Nhật Bản cho rằng hai nhân tố này có mối liên hệ nội tại.
Tháng 7/2011, một quan chức của Bộ Ngoại giao Nhật Bản từng cho biết nếu tình hình Biển Đông ngày càng căng thẳng hơn, cộng đồng quốc tế không tăng cường giám sát, Trung Quốc chắc chắn sẽ chèn ép các nước láng giềng để kiểm soát toàn bộ vùng biển này.
Nhật Bản và Trung Quốc có tranh chấp lâu dài ở biển Hoa Đông, đặc biệt là quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Nhật Bản cho rằng nếu Trung Quốc kiểm soát được Biển Đông thì sẽ gây ảnh hưởng bất lợi đối với tranh chấp quần đảo Senkaku/Điếu Ngư.
Mục đích chiến lược của Nhật Bản là hình thành thế phối hợp tác chiến hai cánh Biển Đông và Hoa Đông, từ đó cản trở hoạt động của Trung Quốc trên biển Hoa Đông.
Bên cạnh đó, Nhật Bản cũng mong muốn hỗ trợ một số nước ASEAN trong vấn đề Biển Đông, để đổi lại sự ủng hộ của các nước này đối với Nhật Bản trong vấn đề Biển Hoa Đông;
Đồng thời Tokyo cũng muốn tạo mối liên kết giữa Nhật Bản với một số nước Đông Nam Á trong vấn đề giải quyết tranh chấp trên biển, khiến Trung Quốc phải phân tán lực lượng trên 2 hướng Hoa Đông và Biển Đông, kiềm chế sự bành trướng sức mạnh quân sự của quốc gia này trong khu vực và trên thế giới.
Do đó, việc tận dụng vấn đề Biển Đông để làm giảm sức ép trong các tranh chấp ở biển Hoa Đông của Nhật Bản cũng là điều dễ hiểu.
Tài liệu tham khảo:
1. http://isdp.eu/publication/japans-policy-towards-south-china-sea-applying-proactive-peace-diplomacy/
2. https://www.japantimes.co.jp/news/2019/05/20/national/japans-msdf-kicks-off-second-quadrilateral-naval-exercise-less-two-weeks/#.XOzsKNIzbIU
3. https://www.scmp.com/news/china/military/article/2164580/japan-challenges-china-submarine-military-exercise-south-china