Nhật Bản tăng cường hiện diện quân sự ở Biển Đông khiến Trung Quốc bực tức

27/06/2015 07:10
Đông Bình (Tổng hợp)
(GDVN) - Nhật Bản đang liên tiếp tập trận với Philippines, trong tương lai, Nhật Bản sẽ tăng cường hiện diện của máy bay tác chiến và tàu tác chiến trên Biển Đông...
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản tham gia diễn tập liên hợp với Hải quân Philippines trên Biển Đông trong các ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2015
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản tham gia diễn tập liên hợp với Hải quân Philippines trên Biển Đông trong các ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2015

Nhật Bản có thể điều nhiều máy bay chiến đấu hơn đến Biển Đông

Đài truyền hình CCTV Trung Quốc ngày 26 tháng 6 có bài viết tuyên truyền cho rằng, gần đây, Lực lượng Phòng vệ Biển và Hải quân Philippines tổ chức tập trận chung ở Biển Đông (cả tháng 5 và tháng 6), mặc dù trên danh nghĩa là huấn luyện cứu nạn, nhưng rõ ràng là động thái quan trọng nhúng tay vào vấn đề Biển Đông của Nhật Bản.

Đáng chú ý, ngày 23 và ngày 24 tháng 6, máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản đã 2 lần đến khu vực bãi Cỏ Rong để diễn tập.

Chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long trả lời phỏng vấn đài truyền hình CCTV cho rằng, trong tương lai, Nhật Bản có thể điều lượng lớn máy bay tác chiến cùng với các loại tàu tác chiến tăng cường hiện diện quân sự ở khu vực quần đảo Trường Sa.

Ngày 23 tháng 6, một chiếc máy bay săn ngầm P-3C Nhật Bản và một chiếc máy bay quân sự Philippines đến gần khu vực bãi Cỏ Rong, triển khai diễn tập. Hãng tin Kyodo Nhật Bản cho rằng, đây là "lần đầu tiên Lực lượng Phòng vệ triển khai hoạt động ở khu vực lân cận quần đảo Trường Sa - nơi Trung Quốc thúc đẩy lấn biển xây đảo (bất hợp pháp)".

Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản tham gia diễn tập liên hợp với Hải quân Philippines trên Biển Đông trong các ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2015
Máy bay tuần tra săn ngầm P-3C Nhật Bản tham gia diễn tập liên hợp với Hải quân Philippines trên Biển Đông trong các ngày 23 và 24 tháng 6 năm 2015

Quan chức Nhật Bản cho biết, chiếc máy bay săn ngầm P-3C này chở theo 13 binh sĩ Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản và 3 binh sĩ Philippines, từ đảo Palawan bay về phía tây 100 km, "mô phỏng tìm kiếm một chiếc tàu mất tích". Quan chức Hải quân Philippines cho biết, Quân đội Philippines cử 1 tàu tuần tra cỡ nhỏ bay theo.

Ngày 24 tháng 6, máy bay săn ngầm P-3C Nhật Bản tiếp tục hành động tương tự, tiếp tục đến gần khu vực bãi Cỏ Rong. Hãng tin AFP Pháp cho biết, máy bay săn ngầm P-3C Nhật Bản và một chiếc máy bay tuần tra Hải quân Philippines cất cánh từ đảo Palawan, bay xa 50 hải lý (khoảng 92,5 km) theo hướng tây bắc, tiến hành diễn tập tìm kiếm cứu nạn.

Bài báo cho rằng, đường bay này hướng đến bãi Cỏ Rong, nhưng các quan chức liên quan từ chối tiết lộ máy bay này phải chăng đã bay qua khu vực này hay không.

Hãng tin Kyodo dẫn lời một quan chức Lực lượng Phòng vệ Biển cho biết, hai nước tổ chức diễn tập quân sự liên hợp vốn phải "lý tưởng hơn", nhưng lực lượng hai nước tồn tại khoảng cách về trang bị và năng lực, "hiệu suất thấp, hơn nữa, Trung Quốc có thể sẽ có phản ứng gay gắt vượt dự kiến".

Nhật Bản có rất nhiều máy bay tuần tra săn ngầm P-3C mua của Mỹ, nhưng sẽ được thay thế dần dần bằng máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 do Nhật Bản nghiên cứu chế tạo
Nhật Bản có rất nhiều máy bay tuần tra săn ngầm P-3C mua của Mỹ, nhưng sẽ được thay thế dần dần bằng máy bay tuần tra săn ngầm mới P-1 do Nhật Bản nghiên cứu chế tạo

Nói tới máy bay quân sự Nhật Bản liên tiếp đến gần Trường Sa, chuyên gia quân sự Trung Quốc Đỗ Văn Long cho rằng, Nhật Bản liên tục trong hai ngày điều hai lượt chiếc tiến hành diễn tập liên hợp trên không cho thấy, Nhật Bản muốn khẳng định tăng cường, mở rộng hiện diện quân sự của họ.

Nhìn vào tình hình hiện nay, họ đang tiến hành bước đi thứ nhất, khẳng định hiện diện quân sự. Trước đây, yếu tố quân sự của Nhật Bản xuất hiện không nhiều ở khu vực này. Họ đến Philippines cơ bản là thăm viếng trong thời gian ngắn hoặc tiến hành một số hoạt động diễn tập ở cảng biển, thực chất chỉ là thăm tạm thời.

Hiện nay, chức năng của loại chuyến thăm này đang được tăng cường, lấy tư cách diễn tập liên hợp để xâm nhập khu vực này. Trong quá trình diễn tập, không chỉ Nhật Bản đang diễn tập, một số máy bay của Philippines cũng đã tiến hành bay theo.

Trong tương lai, loại diễn tập liên hợp này có thể mở rộng trên mọi hướng như trên không, trên biển, trên mặt đất. Nhật Bản muốn thể hiện sự hiện diện quân sự của họ ở khu vực này.

Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 Nhật Bản
Máy bay tuần tra săn ngầm tiên tiến P-1 Nhật Bản

Đỗ Văn Long cho rằng, không loại trừ Nhật Bản sẽ còn tăng cường sự hiện diện quân sự ở Trường Sa, chẳng hạn họ đang tiến hành đàm phán với Philippines về vấn đề căn cứ, trong tương lai họ có thể đến đóng ở vài cảng biển hoặc sân bay ở khu vực Palawan.

Trong tương lai, ở khu vực này không chỉ có máy bay tuần tra săn ngầm P-3C hoạt động, mà rất có thể có lượng lớn máy bay tác chiến và các loại tàu tác chiến của Lực lượng Phòng vệ Biển, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản hoạt động, cũng không loại trừ xuất hiện biên đội lớn ở khu vực này.

Hành động diễn tập liên hợp của hai nước Nhật Bản-Philippines cũng có thể trở thành thường xuyên. Ngoài ra, nếu vấn đề căn cứ đàm phán thành công, Lực lượng Phòng vệ Biển, Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản không phải đến thăm khu vực này nữa, mà sẽ thường trú với tư cách là nửa chủ nhà, tăng cường hiện diện ở khu vực Biển Đông.

Trung Quốc bực tức Nhật Bản

Tân Hoa xã ngày 26 tháng 6 đưa tin, ngày 23 tháng 6, máy bay tuần tra Quân đội Nhật Bản (P-3C) bay trên Biển Đông (bay trên bầu trời khu vực bãi Cỏ Rong trong cuộc tập trận chung với Hải quân Philippines).

Lục Khang - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc
Lục Khang - phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc

Đối với vấn đề này, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc có tên là Lục Khang cùng ngày đã lên tiếng cho rằng: "Hy vọng các bên liên quan không nên cố ý thổi phồng thậm chí gây ra căng thẳng ở khu vực này, hy vọng sự tương tác của các bên liên quan có thể thiết thực có lợi cho hòa bình và ổn định khu vực, chứ không phải làm việc ngược lại".

Trước đó, ngày 12 tháng 6, đối với các hành động gần đây trên Biển Đông của Nhật Bản, phát ngôn viên ngoại giao Trung Quốc Hồng Lỗi cũng nói rằng: "Trung Quốc bày tỏ đặc biệt quan ngại và tức giận đối với động thái tiêu cực có liên quan của Nhật Bản, đã nhiều lần tiến hành giao thiệp nghiêm túc với Nhật Bản".

Theo Hồng Lỗi: "Nhật Bản không phải là nước đương sự của vấn đề Biển Đông, biểu hiện gần đây rất không bình thường, có ý định nhúng tay vào vấn đề Biển Đông, gây xích mích mâu thuẫn giữa các nước trong khu vực, ác ý tạo ra căng thẳng tình hình Biển Đông".

Hồng Lỗi cho rằng: "Việc làm của Nhật Bản không có lợi cho giải quyết tranh chấp Biển Đông, không có lợi cho hòa bình, ổn định Biển Đông, cũng làm tổn hại nghiêm trọng sự tin cậy lẫn nhau về chính trị, an ninh giữa Trung-Nhật và đi ngược lại với xu thế cải thiện quan hệ Trung-Nhật".

"Chúng tôi tiếp tục thúc giục Nhật Bản tuân thủ cam kết không giữ lập trường trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, lập tức chấm dứt thổi phồng vấn đề Biển Đông và chỉ trích vô lý đối với Trung Quốc, không được vì tư lợi mà gây mâu thuẫn giữa các bên, bằng hành động thực tế để bảo vệ xu thế cải thiện quan hệ Trung-Nhật, tôn trọng những nỗ lực bảo vệ hòa bình, ổn định Biển Đông của Trung Quốc và các nước ASEAN".

Dương Vũ Quân - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc
Dương Vũ Quân - phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Trung Quốc

Đối với việc Hải quân Philippines và Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản gần đây tổ chức tập trận chung trên biển, người phát ngôn vào Trung Quốc Dương Vũ Quân ngày 25 tháng 6 cũng cho rằng: “Trung Quốc nhất quán chủ trương, hợp tác quân sự song phương giữa các nước liên quan cần phải có lợi cho hòa bình  và ổn định khu vực, không nên làm thiệt hại cho lợi ích của bên thứ ba”.

“Có quốc gia lôi kéo các nước ngoài khu vực can thiệp vấn đề biển Đông, thể hiện "cơ bắp to", cố tình thổi phồng không khí căng thẳng khu vực, cách làm này sẽ chỉ gây ảnh hưởng bất lợi cho tình hình Biển Đông”.

Chính phủ Trung Quốc liên tiếp đưa ra những tuyên bố rất kêu như vậy. Tuy nhiên, chính hành động ăn cướp biển đảo của Việt Nam và các nước ven Biển Đông, nhảy vào tranh chấp trước đây và hiện nay của Trung Quốc là nguyên nhân trực tiếp và sâu xa gây ra sóng gió ngày càng nguy hiểm ở Biển Đông hiện nay - PV.

Trung Quốc tìm mọi cách để bành trướng cả ở biển Hoa Đông và Biển Đông, không chỉ đe dọa chủ quyền lãnh thổ, mà còn đe dọa an ninh quốc gia trong đó có an ninh hàng hải của Nhật Bản thì làm sao Nhật Bản không triển khai chiến lược và chiến thuật để ngăn chặn mưu đồ và hành động của Trung Quốc được?! - PV.

Khi Trung Quốc ngoan cố áp đặt yêu sách bành trướng thực dân "đường lưỡi bò" cho Việt Nam và cả cộng đồng quốc tế thì chắc chắn Trung Quốc sẽ vấp phải những trở lực vô cùng to lớn, bởi vì Việt Nam luôn kiên quyết bảo vệ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của mình bằng sức mạnh của dân tộc Việt Nam và các nguồn sức mạnh khác. Trung Quốc không thể ngăn chặn được điều đó - PV.

Biên đội tàu ngầm, tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản
Biên đội tàu ngầm, tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản

Việt Nam có đủ mọi tiềm lực cần thiết để chống lại mọi kẻ thù xâm lược, bành trướng lãnh thổ đe dọa chủ quyền, an ninh - lợi ích cốt lõi và sống còn của Việt Nam. Kẻ bành trướng lãnh thổ không nên coi thường quyết tâm và ý chí kiên định, thái độ kiên quyết của dân tộc Việt Nam - PV.

Trong thời đại văn minh này, bất cứ nước nào cũng cần phải tuân thủ luật pháp quốc tế, không thể ngang ngược tìm cách "cướp của giết người" ở Biển Đông. Cộng đồng quốc tế cần mạnh mẽ lên án và có các hành động trừng trị thích đáng đối với bọn cướp biển và những hành xử vô nhân đạo trên Biển Đông - PV.

Giới cầm quyền Trung Quốc nên từ bỏ ngay lập tức yêu sách tham lam và lố bịch "đường lưỡi bò", quay đầu là bờ, tránh bị mất mặt trên trường quốc tế, tránh tham bát bỏ mâm, để rồi bị nuốt quả đắng đau đớn trong tương lai - PV.

Hải quân nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Hải quân nhân dân Việt Nam kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng
Đông Bình (Tổng hợp)