Jnocnews, một trang tin tiếng Trung ở Nhật Bản ngày 3/4 dẫn thông báo của Bộ Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản gần đây cho biết, 1 tàu ngầm và 2 tàu khu trục của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật vào ngày 3/4 đã đi vào căn cứ vịnh Subic của Philippines.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Đây là lần đầu tiên trong 15 năm qua tàu ngầm Philippines đến cảng Philippines, mục đích là tham gia cuộc diễn tập trên biển thường niên Nhật Bản-Philippines. Cuộc diễn tập này kéo dài đến ngày 27/4. Sau đó, hai tàu khu trục của Nhật Bản sẽ còn đến thăm vịnh Cam Ranh, Việt Nam.
Bài viết cho rằng, vịnh Subic của Philippines và vịnh Cam Ranh của Việt Nam đều là quân cảng nước sâu ở ven Biển Đông, từng lần lượt được Mỹ và Liên Xô sử dụng, trở thành các căn cứ quan trọng để tranh đoạt bá quyền biển giữa Mỹ-Liên Xô.
Sau khi kết thúc Chiến tranh Lạnh, tàu chiến của Mỹ và Liên Xô đã sớm rời khỏi hai quân cảng này, nhất là sau khi Liên Xô tan rã, Nga thậm chí đã chấm dứt sự hiện diện quân sự ở Biển Đông.
Nhưng Mỹ lại luôn duy trì sự hiện diện quân sự ở Biển Đông. Đặc biệt, những năm gần đây, đối mặt với sự bành trướng liên tục của Trung Quốc ở Biển Đông, Mỹ và các đồng minh như Nhật Bản hiện đang tìm cách sử dụng lại những quân cảng này.
Mục đích là mở rộng sự hiện diện quân sự ở Biển Đông và chiếm lấy vị thế tương đối có lợi trong cuộc đối đầu quân sự với Trung Quốc. Trong khi đó, Philippines và Việt Nam đều đang tồn tại "tranh chấp" với Trung Quốc ở Biển Đông và đều thể hiện thái độ “hoan nghênh” các nước như Mỹ, Nhật Bản sử dụng các cảng biển này ở mức độ khác nhau, Jnocnews bình luận.
Biên đội tàu ngầm, tàu nổi của Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Sự hiện diện quân sự của Mỹ ở Biển Đông và sự va chạm quân sự với Trung Quốc ở Biển Đông gần đây đã liên tiếp xảy ra và trở thành một trong những điểm nóng của an ninh Đông Á.
Để gia tăng răn đe đối với Trung Quốc, mặc dù Mỹ đã nhiều lầm mời Nhật Bản tham gia tuần tra chung ở Biển Đông, nhưng do bị ràng buộc bởi các nhân tố trong và ngoài nước như luật pháp, tài lực và dư luận, Nhật Bản hiện vẫn còn chưa trực tiếp điều tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển đến tuần tra Biển Đông.
Tuy nhiên, không trực tiếp tuần tra Biển Đông không có nghĩa là Nhật Bản không can dự vào các vấn đề của Biển Đông. Thực ra, Chính phủ Nhật Bản đã sớm bắt đầu can dự gián tiếp vào vấn đề Biển Đông.
Chẳng hạn, tháng 5/2015, Nhật Bản và Philippines đã lần đầu tiên tổ chức diễn tập quân sự liên hợp trên biển ở vùng biển giữa Manila và vịnh Subic. Khi đó, Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản đã cử máy bay tuần tra săn ngầm P-3C tham gia diễn tập quân sự.
Tháng 8/2015, tàu chiến Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản tham gia cuộc diễn tập cứu trợ nhân đạo trên biển tổ chức ở duyên hải Philippines. Ngày 9/3/2016, Chính phủ Philippines tuyên bố sẽ thuê 5 máy bay huấn luyện của Nhật Bản để tiến hành tuần tra Biển Đông.
Đồng thời, tháng 6/2015, Nhật Bản còn ký kết Hiệp định đối tác chiến lược với Philippines, tháng 2/2016 lại ký kết Thỏa thuận vũ khí trang bị song phương, quy định Nhật Bản sẽ cung cấp trang bị quân sự và công nghệ liên quan cho Philippines.
Lực lượng Phòng vệ Biển Nhật Bản |
Ngoài ra, trong năm 2016, Nhật Bản còn có kế hoạch ký kết "Hiệp định bảo vệ tình báo quân sự" với các nước Đông Nam Á như Philippines và Việt Nam. Tháng 4/2016 Nhật Bản sẽ còn điều tàu ngầm tiến hành diễn tập quân sự liên hợp với Australia.
Tóm lại, cùng với việc Nhật Bản tăng cường chính sách bảo đảm an ninh, đặc biệt là sau khi Luật An ninh mới Nhật Bản chính thức được thực hiện từ ngày 29/3/2016, có thể dự kiến, các hành động quân sự của Nhật Bản ở nước ngoài sẽ tăng lên tương ứng, đương nhiên mức độ can dự vấn đề Biển Đông cũng sẽ tiếp tục mở rộng.
Chính phủ Trung Quốc rất bất mãn với sự can dự của Nhật Bản trong vấn đề Biển Đông, thậm chí khó chịu hơn cả sự can dự của Mỹ, do đó luôn công khai chỉ trích bất cứ hoạt động mang màu sắc quân sự nào của Nhật Bản ở Biển Đông.
Trong vấn đề an ninh, Nhật Bản và Trung Quốc ở trong tình cảnh khó khăn. Trong vấn đề Biển Đông, hai bên cũng có quan điểm và lợi ích căn bản khác nhau.
Trung Quốc cho rằng Nhật Bản không có tư cách can dự vào các vấn đề của khu vực này. Nhưng Nhật Bản lại cho rằng sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông đã đe dọa lợi ích của Nhật Bản.
Vì vậy, Nhật Bản không ngừng thông qua các phương thức như diễn tập quân sự liên hợp với các đồng minh Mỹ, Philippines, Australia ở khu vực Biển Đông và cung cấp trang bị quân sự, hỗ trợ đào tạo cho các nước Philippines, Australia và Việt Nam, để tiến hành ủng hộ lẫn nhau, tìm cách cùng răn đe, kiềm chế các hành động bành trướng, quân sự hóa của Trung Quốc.
Vịnh Cam Ranh nhìn từ trên cao (ảnh nguồn Đại công báo, Hồng Kông) |
Đương nhiên, Nhật Bản cũng sẽ không hoàn toàn không quan tâm đến quan hệ với Trung Quốc. Chẳng hạn, lần này tàu chiến Nhật Bản thăm Philippines và tham gia diễn tập liên hợp hoàn toàn không điều trang bị tiên tiến nhất, mà là tàu chiến cung cấp cho các học viên hải quân huấn luyện sử dụng. Hơn nữa, chuyến đi này rõ ràng không đi vào khu vực Trung Quốc đang tiến hành xây đảo nhân tạo bất hợp pháp ở Biển Đông.
Tuy nhiên, hiện nay, cốt lõi trong chính sách Biển Đông của Chính phủ Nhật Bản chủ yếu là cùng Mỹ và một số nước bị Trung Quốc nhảy vào tranh chấp ở Biển Đông hợp tác cùng gây sức ép lên Trung Quốc, qua đó ngăn chặn sự bành trướng của Trung Quốc ở Biển Đông.
Vì vậy, Chính phủ Nhật Bản chắc chắn sẽ tiếp tục mở rộng mức độ can dự vấn đề Biển Đông về quân sự, giữa Trung-Nhật cũng khó tránh khỏi sẽ không ngừng xảy ra va chạm trong vấn đề Biển Đông.